Tây Nguyên là khu vực có dư nợ tín dụng chính sách cao nhất cả nước. Bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với dân số hơn 5,6 triệu người, có tiềm năng lợi thế về nông nghiệp, cây công nghiệp nhưng các tỉnh trong khu vực vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư phát triển. Đặc biệt, vấn đề đáng quan tâm nhất là tỷ lệ hộ nghèo ở đồng bào DTTS trong vùng chiếm tỷ lệ còn cao.
Loại bỏ "tín dụng đen"
Thời gian qua, tại khu vực Tây Nguyên đã có hàng nghìn người dân mắc bẫy "tín dụng đen" của các đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động dưới nhiều vỏ bọc hình thức khác nhau. Cơ quan chức năng cũng đã điều tra, triệt phá hàng nghìn đối tượng cho vay nặng lãi tồn tại dưới nhiều hình thức như ép giá nông sản, sang nhượng đất đai, cưỡng đoạt tài sản. Những người mắc bẫy "tín dụng đen" hầu hết là đồng bào nghèo, thiếu vốn làm ăn.
![]() |
"Tín dụng đen" gây nhiều hệ lụy trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, nhất là với những đồng bào nghèo, thiếu vốn làm ăn. |
Ông Kso Bleng, người dân tộc Jrai tại xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai chia sẻ: "Do hoàn cảnh quá khó khăn, vợ chồng tôi được một người được một người quen cùng xã giới thiệu vay 100 triệu đồng của nhóm người lạ về mua phân bón, chi tiêu sinh hoạt gia đình với lãi suất 10.000 đồng/1 triệu/tháng".
Cả hai vợ chồng ông Kso Bleng đã lớn tuổi, không biết chữ, không hiểu biết cách tính lãi suất, cứ nghĩ 10.000 đồng lãi thì ít nên đã cầm cố sổ đỏ, sổ hộ khẩu để vay tiền cứ 20 ngày trả lãi một lần. Chỉ sau 20 ngày của tháng đầu tiên, chủ nợ yêu cầu gia đình ông phải trả 20 triệu tiền lãi; tháng thứ 2, gia đình chỉ có 8 triệu để trả lãi. Đến tháng thứ 3, do lãi nhân lên cao đến 32 triệu, gia đình không có tiền để trả lãi nữa, chủ nợ ép phải sang nhượng diện tích trồng cà phê của gia đình.
Những năm qua, "tín dụng đen" như một cơn lốc quét qua nhiều địa bàn, nhất là những địa bàn DTTS. Để ngăn chặn "tín dụng đen" hoành hành, gây nên những hệ lụy xấu trong cộng đồng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra tại các địa phương, trong đó có vùng Tây Nguyên để đánh giá, bàn giải pháp nhằm tăng cường mở rộng hoạt động tín dụng phục vụ sản xuất, tiêu dùng.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, "tín dụng đen" ở đây là gắn với hành vi của "xã hội đen", khi thu nợ và với lãi suất cắt cổ. Nhiệm vụ của ngành ngân hàng là giải quyết nhu cầu tín dụng chính đáng khách quan của người dân. NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, pháp lý để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) mạnh dạn hơn trong giao dịch và có một hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho bà con vùng đồng bào DTTS vay vốn.
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Hiện nay, ngày càng nhiều ngân hàng, trong đó có Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã triển khai nhiều gói vay ưu đãi cho bà con DTTS để đầu tư phát triển sản xuất cũng như trong tiêu dùng.
Tại xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, cứ đến ngày mùng 5 hằng tháng, bà con dân tộc Jrai, Bahnar tại xã vùng sâu này lại cùng nhau đến điểm giao dịch của NHCSXH đặt tại trụ sở UBND xã để thực hiện các giao dịch trả lãi và vay mới.
Anh Hnê - một người dân cho biết, trước đây do nguồn vốn vay hạn hẹp nên chỉ có hộ nghèo được vay vốn, nhưng hiện nay khi nguồn vốn được tăng cường và mở rộng đối tượng thì tất cả bà con Bahnar trong làng có nhu cầu thoát nghèo, có nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng đều được hướng dẫn làm thủ tục vay vốn.
![]() |
Chính sách tín dụng ưu đãi giúp đồng bào DTTS tự tin, mạnh dạn đầu tư làm kinh tế, mang lại hiệu quả cao. |
Anh Hnê cũng đã vay được số tiền 50 triệu đồng. Trước khi vay, anh chuẩn bị phương án sử dụng nguồn vốn vay để phát triển kinh tế vườn, kết hợp chăn nuôi. Ngay sau khi nhận được tiền, anh nhanh chóng mua phân bón để chăm sóc cây cà phê, Anh Hnê chia sẻ: “Nếu không có nguồn vốn này thì gia đình không thể chủ động được sản xuất, chăn nuôi. Do vậy, tôi đã cùng gia đình bàn bạc quyết định vay vốn tín dụng ưu đãi để mua phân, giống phục vụ sản xuất. Gia đình tôi đã sử dụng nguồn vốn rất hiện quả, kinh tế dần ổn định hơn”.
Gia đình chị Mia trước đây là một trong những hộ nghèo của xã vùng sâu Lơ Pang. Năm 2020, chị đã đăng ký vay 45 triệu đồng từ tín dụng chính sách. Chị sử dụng 30 triệu đồng để mua vật tư, phân bón chăm sóc vườn cà phê đang trong vụ sinh trưởng, số tiền còn lại mua 1 con bò cái sinh sản để tận dụng nguồn phân chuồng bón cho cây trồng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp cây cà phê tươi tốt hơn. Nhờ đó, kinh tế cũng ổn định hơn so với trước.
Trước đây, do chưa nắm bắt thông tin kịp thời về các gói cho vay ưu đãi, lãi suất thấp của NHCSXH nên bà con Jrai, Bahnar ở huyện vùng sâu Mang Yang phải đi vay bên ngoài với lãi suất cao. Bà con cho biết, số tiền lãi phải trả cho "tín dụng đen" là gánh nặng lớn cho gia đình, chưa nói đến phải trả nợ gốc.
Còn giờ đây, chính sách tín dụng đã được đẩy mạnh ngay tại cơ sở và kịp thời cho bà con. Ông Đinh Búi, Chủ tịch UBND xã Lơ Pang cho biết, hiện nay các loại cây trồng chủ lực trong xã như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái và các loại cây ăn quả ngắn ngày cần được chăm sóc bón phân, do đó người dân đều có chung một nhu cầu là nguồn vốn đầu tư cho sản xuất. Theo tính toán của bà con, với 1 ha cà phê hay hồ tiêu đang trong chu kỳ phát triển thì chỉ riêng chi phí mua phân bón phải cần từ 20 - 30 triệu đồng, đó là chưa kể các chi phí khác. Do vậy, nếu thiếu vốn không chăm bón kịp thời thì cây trồng sẽ giảm năng suất khiến bà con thất thu cả năm.
Tính đến tháng 5/2021, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mang Yang đã cho vay 21 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ trên 415 tỷ đồng với hơn 9.000 hộ dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống hộ đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa.
Với việc tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi, đồng bào DTTS trên địa bàn đã giúp bà con tự tin, mạnh dạn đầu tư làm kinh tế, mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời gian tới, bên cạnh hỗ trợ vốn vay, chính quyền địa phương, các ngành chức năng cũng cần hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật để giúp bà con ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo động lực để các hộ đồng bào DTTS giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
Hoàng Hằng
Bài 3: Hiệu quả từ các tổ, hội vay vốn