Xã Tân Tiến (Tràng Định) hiện có hơn 600 hộ với 2.800 nhân khẩu thuộc các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, nhà nào cũng có nương trồng lúa Khẩu Lùm Pua.
Bảo tồn giống gạo quý
Ông Nông Văn Chung, dân tộc Tày (bản Châu, xã Tân Tiến - Tràng Định), cho biết loại lúa Khẩu Lùm Pua chịu được khô hạn, không cần tưới nước. Hàng năm, cứ qua dịp Tết Nguyên đán, vào khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch, gia đình ông bắt đầu làm cỏ dưới gốc cây quế, đến tháng 4 âm lịch thì mang thóc giống gieo trồng xen dưới tán cây quế. Đến cuối năm thu hoạch, chuẩn bị gạo quý làm cơm mới, đón xuân.
![]() |
Lúa Khẩu Lùm Pua là loại giống quý của bà con dân tộc ở Tràng Định. |
Ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc HTX nông sản sạch Tràng Định, nhận định việc giữ gìn giống lúa bản địa là rất cần thiết, đặc biệt là hướng đến mục tiêu giới thiệu sản phẩm gạo ngon đến khách hàng trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, năm 2019, HTX phối hợp UBND xã Tân Tiến phục tráng giống lúa trên đất nương.
"Tôi cũng như các thành viên HTX đã đến tận các thôn, bản của xã để tuyên truyền, vận động người dân đưa giống lúa Khẩu Lùm Pua vào gieo cấy. Sản lượng thóc được HTX bao tiêu toàn bộ. Bên cạnh đó, HTX còn phối hợp các ngành chức năng hướng dẫn quy trình sản xuất với mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Khẩu Lùm Pua, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con vùng khó khăn của huyện Tràng Định", ông Chung chia sẻ.
Nhờ chính quyền và HTX nông sản sạch Tràng Định hỗ trợ, gần đây người dân Tân Tiến tích cực sản xuất lúa Khẩu Lùm Pua. Nếu như những năm trước, người dân trong xã chỉ gieo cấy 3-4 ha/vụ mùa, thì đến vụ mùa năm 2020, gần 200 hộ dân đã trồng hơn 10 ha lúa nương. Cây lúa phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, bông to, hạt mẩy. Năng suất đạt 40 tạ/ha (tăng khoảng 1 tạ/ha so với vụ mùa năm trước), tổng sản lượng khoảng 40 tấn, trị giá khoảng 1 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Giang, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền để đồng bào mở rộng diện tích ở những nương đồi phù hợp với giống lúa. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện Tràng Định tập huấn cho bà con áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, hướng đến sản xuất hàng hóa gạo Khẩu Lùm Pua.
Cây quế vững đầu ra
Trong khi đó, cây quế cũng là một trong những cây trồng chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân xã Đoàn Kết nói riêng và người dân huyện Tràng Định nói chung. Hiện nay, diện tích cây quế trên địa bàn huyện Tràng Định hơn 4.000 ha, tập trung tại các xã: Đoàn Kết, Tân Tiến, Kim Đồng, Cao Minh, Tân Yên, Vĩnh Tiến, Khánh Long.
![]() |
Bà con trồng quế yên tâm đầu ra do đã có HTX bao tiêu sản phẩm. |
Mặc dù mới đi vào hoạt động được gần 2 năm, nhưng HTX Nông sản Tuấn Vũ, thôn Nà Bắc, xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định đã phát huy hiệu quả bước đầu trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm quế cho bà con trên địa bàn xã Đoàn Kết và các xã lân cận. Qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Lý Văn Điện, thôn Nặm Chẳng, xã Đoàn Kết chia sẻ, gia đình ông trồng quế từ năm 2007, hiện đã mở rộng lên khoảng 3 vạn cây, trong đó, một số diện tích đã được khai thác từ năm 2017. Hiện nay, sản phẩm từ cây quế được HTX thu mua với giá ổn định, riêng từ đầu năm 2021 đến nay, gia đình ông đã bán cho HTX hơn 1 tấn vỏ quế khô. Trung bình mỗi năm, gia đình thu nhập khoảng 50 triệu đồng từ khai thác quế, vì vậy, gia đình cũng như bà con trong thôn rất tin tưởng, yên tâm khi bán cho HTX.
Không chỉ gia đình ông Điện, trước đây, khi chưa có HTX, người dân phải đợi thương lái đến thu mua nên giá cả bấp bênh, thậm chí có lúc bị ép giá. Từ khi có HTX Nông sản Tuấn Vũ, mỗi lần khai thác quế, người dân chỉ việc mang bán cho HTX với giá ổn định. Đặc biệt, người dân bán số lượng bao nhiêu, HTX đều thu mua hết bấy nhiêu nên bà con yên tâm đầu tư phát triển.
Ông Mạc Văn Tuấn, Giám đốc HTX Nông sản Tuấn Vũ cho biết: Huyện có thế mạnh về phát triển cây quế, hằng năm, sản lượng quế người dân khai thác đạt cao. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm chưa thực sự ổn định, thị trường tiêu thụ phụ thuộc vào các tư thương nên giá cả không ổn định.
Do đó, để bao tiêu sản phẩm cây quế (gồm: vỏ quế khô, quế vụn, cành, lá quế) cho bà con, HTX luôn chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đồng thời, chủ động kết nối với người dân và các tư thương để thu mua sản phẩm từ cây quế. Hiện nay, HTX không chỉ bao tiêu sản phẩm cây quế cho bà con trên địa bàn xã Đoàn Kết, mà còn mở rộng ra tất cả các xã trồng quế lân cận với giá ổn định nên bà con rất yên tâm.
HTX đã liên kết với các công ty tại nhiều tỉnh, thành để tiêu thụ sản phẩm cây quế cho bà con trên địa bàn huyện. Nhờ hoạt động hiệu quả đã góp phần đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tăng thu nhập cho các thành viên HTX. Năm 2020, HTX đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng, đem lại thu nhập cho các thành viên trên 100 triệu đồng/người.
Có thể thấy, từ hiệu quả trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, HTX Nông sản Tuấn Vũ thực sự là “cầu nối” giúp bà con dân tộc trồng quế yên tâm đầu tư sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Thy Lê
Bài cuối: Đẩy mạnh chăm lo phát triển kinh tế - xã hội