Xã Suối Cao trước đây vốn là một xã đặc biệt khó khăn, nằm ở vùng sâu, vùng xa của huyện Xuân Lộc và là địa bàn tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Chơ Ro. Nhưng thời gian qua, đời sống của đồng bào thiểu số ở đây nâng lên rõ rệt nhờ giúp nhau làm kinh tế để thoát nghèo và làm giàu.
Giúp nhau làm kinh tế
Điển hình như ông Điểu Rô là người dân tộc Chơ Ro ở Tổ 4 ấp Bầu Sình, xã Suối Cao từ chỗ thuộc hộ nghèo, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã giúp gia đình ông xây dựng mô hình sản xuất, kết hợp trồng trọt, chăn nuôi để vượt nghèo bền vững.
HTX Hồ tiêu Suối Cao vừa canh tác vườn tiêu vừa kết hợp chăn nuôi để giảm chi phí đầu tư và tăng thu nhập. |
Đến nay ông Điểu Rô đã có gần 20 con bò lớn nhỏ, 1 đàn dê gần 20 con, gần 1 hécta hồ tiêu, cà phê, điều với thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Bản thân là người dân tộc thiểu số, cuộc sống lại ở khu vực vùng sâu, vùng xa, ông luôn tích cực tham gia công tác tại địa phương như: Chi hội trưởng chi hội nông dân, đại diện Khối dân tộc, Tổ Trưởng vay vốn ngân hàng chính sách.
Với vai trò Tổ Trưởng vay vốn ngân hàng chính sách, ông Điểu Rô đã giúp gần 100 hộ dân trong ấp vay được vốn để chăn nuôi gia súc hay buôn bán nhỏ lẻ giúp cải thiện đời sống gia đình.
Ngoài ra, ông còn vận động đồng bào Chơ Ro tham gia học các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật một số bà con đồng bào dân tộc trong trồng trọt, chăn nuôi góp phần vào thực hiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc.
Bên cạnh đó, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm ngoái xã Suối Cao còn thành lập HTX Hồ tiêu Suối Cao với quy mô sản xuất 40 ha.
Hiện nay, các thành viên của HTX đang vừa canh tác vườn tiêu, vừa kết hợp chăn nuôi để giảm chi phí đầu tư và tăng thu nhập. HTX cũng áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật như: Lắp hệ thống tưới tiết kiệm nước, sử dụng phân chuồng từ đàn dê 100 con của gia đình để bón cho hồ tiêu.
Với việc nâng cao đời sống đồng bào thiểu số, tạo công ăn việc làm ổn định cho họ và phát triển kinh tế tập thể đã giúp cho xã Suối Cao được Hội đồng Thẩm định nông thôn mới tỉnh Đồng Nai công nhận, Suối Cao là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2020.
Phát huy vai trò HTX trong vùng đồng bào thiểu số
Tính đến nay huyện Xuân Lộc có 8/14 xã được công nhận hoàn thành nông thôn mới mới nâng cao, 1 xã hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với sự phát triển của các mô hình liên kết, chuỗi nông nghiệp mà HTX đóng vai trò lớn thì Xuân Lộc là huyện được chọn làm thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước. Hiện nay, huyện cũng đã đạt 18/29 tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo đề án.
Huyện Xuân Lộc đang phát huy vai trò của HTX nông nghiệp ở các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. |
Trong thành quả xây dựng nông thôn mới của huyện Xuân Lộc thời gian qua, có thể nói việc góp sức của đồng bào dân tộc thiểu số là rất quan trọng, nhất là bà con rất tích cực tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Như tại xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) với 50 gia đình Khmer với hơn 160 người. Trước đây 50% số hộ gia đình dân tộc Khmer thuộc diện nghèo, cận nghèo.
Khi triển khai xây dựng nông thôn mới, đời sống của bà con Khmer trong xã có chuyển biến rõ, được hỗ trợ nhiều về nhà ở, vay vốn phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục...
Còn ở xã Lang Minh, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 29,6% tổng số dân toàn xã, trong số 47 tuyến đường được bê tông, 33 tuyến đường được lắp đặt hệ thống chiếu sáng với kinh phí nhiều tỷ đồng thì đồng bào các dân tộc thiểu số đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất để mở rộng đường giao thông, hàng trăm triệu đồng và nhiều ngày công lao động.
Lang Minh vốn là xã thuần nông, đại bộ phận người dân thiểu số thu nhập từ nông nghiệp. Tuy nhiên với tinh thần đoàn kết, cần cù và sáng tạo, cách đây 2 năm Lang Minh được UBND tỉnh trao bằng công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, địa phương này đang hướng đến hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian sớm nhất, với sự góp sức của đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong việc xây dựng, nâng cao nông thôn mới, huyện Xuân Lộc đã và đang chú trọng phát triển kinh tế tập thể, thu hút đồng bào dân thiểu số tham gia vào các tổ hợp tác, HTX và phát huy vai trò HTX ở vùng đồng bào thiểu số.
Nhất là khi thời gian qua các tổ hợp tác, HTX ở Xuân Lộc đã và đang góp phần thay đổi tập quán trồng trọt của đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm tạo được chuỗi sản xuất liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Thanh Loan
Kỳ 3: Hiệu quả chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số