Già làng Hùng Văn Xứng, người dân tộc Chơ Ro, ở ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú (Xuân Lộc), cho biết đời sống kinh tế, tinh thần của người dân trong bản làng những năm gần đây có nhiều đổi thay. Số hộ gia đình khá giả ngày càng nhiều, cùng với đó tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
Xuân Phú nay đã trù phú
Theo ông Xứng, nhờ chính quyền huyện Xuân Lộc quan tâm nhiều đến chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn là đồng bào thiểu số, thường xuyên tập huấn về kỹ thuật nông nghiệp đã giúp nhiều hộ dân trong bản làng biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi thói quen canh tác, thay đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả hơn.
![]() |
Đời sống người Chơ Ro ở xã Xuân Phú ngày càng được nâng lên nhờ thay đổi thói quen canh tác có hiệu quả hơn. |
Là một xã đông dân, Xuân Phú có 12 dân tộc thiểu số cùng sinh sống với gần 850 hộ, hơn 4.400 nhân khẩu, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, nên việc tập huấn kỹ thuật nông nghiệp cho họ là điều rất cần thiết.
Anh Thổ Mót người dân tộc Chơ Ro ở xã Xuân Phú, cho biết, trước kia gia đình anh cũng trồng cà phê, nhưng do không biết kỹ thuật nên năng suất rất thấp, còn hiện nay nhờ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nên vườn cây của gia đình phát triển rất tốt, năng suất đạt cao.
“Tôi còn được Nhà nước hỗ trợ phân bón và hệ thống tưới nước tiết kiệm… Nhìn chung được sự quan tâm hỗ trợ nên cuộc sống gia đình tôi cũng đỡ hơn trước. Chúng tôi đang cố gắng làm việc để phát triển kinh tế hơn nữa”, anh Thổ Mót chia sẻ.
Ngoài ra, nằm ở vùng sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Xuân Phú còn có HTX Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Tiến đang thể hiện hiệu quả vai trò liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp cho xã Xuân Phú ngày càng trù phú hơn.
Đây cũng là một trong những HTX khá chủ động trong việc tìm đối tác, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên HTX và nông sản ở xã Xuân Phú. Đi vào hoạt động từ cách đây 7 năm, HTX vận động các hộ dân trồng lúa và bắp trên địa bàn tham gia thực hiện cánh đồng lớn theo chủ trương của tỉnh Đồng Nai.
Và từ quyết định của tỉnh Đồng Nai, HTX Xuân Tiến đã làm chủ dự án cánh đồng lớn lúa, bắp với tổng diện tích là 150 ha của 120 hộ dân tham gia trong 5 năm (2016 – 2020).
Với vai trò là chủ dự án, HTX đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, bắp cho nông dân. HTX đã chủ động liên hệ, kết nối với các Trung tâm giống mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, đồng bào thiểu số ở địa phương.
Thay đổi cách nghĩ, cách làm
Nhờ năng động trong mở rộng sản xuất, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, HTX Xuân Tiến thực sự là cầu nối cho nông dân, đồng bào thiểu số ở địa phương. Các hoạt động liên kết sản xuất của HTX không những nâng cao thu nhập cho nông dân, mà còn làm thay đổi căn bản nền nông nghiệp nhỏ lẻ ở vùng đồng bào thiểu số xã Xuân Phú chuyển sang hình thức sản xuất tập trung gắn với thị trường.
![]() |
Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số huyện Xuân Lộc thay đổi cách nghĩ cách làm. |
Ngoài cánh đồng lúa, bắp ở xã Xuân Phú, tính đến nay, huyện miền núi Xuân Lộc đã hình thành được 9 vùng sản xuất tập trung đối với các loại cây trồng chủ lực như: Rau, xoài, thanh long, hồ tiêu, sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh… với tổng diện tích hơn 20 ngàn ha.
Tại các vùng sản xuất tập trung này đều đã được đầu tư hệ thống lưới điện, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới vào sản xuất.
Việc phát huy vai trò của HTX thông qua các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung là rất quan trọng, nhất là giúp nông dân và đồng bào thiểu số ở huyện Xuân Lộc thay đổi cách nghĩ, cách làm nhằm đạt hiệu quả cao hơn trên mảnh đất mà mình canh tác, trồng trọt.
Hiện nay, với 24 dân tộc thiểu số gồm khoảng 20 ngàn nhân khẩu, chiếm trên 8% dân số toàn huyện Xuân Lộc, vì vậy các chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp, giảm nghèo, đào tạo nghề, phát triển kinh tế hợp tác đối với người dân tộc thiểu số là cực kỳ cần thiết.
Nhất là các chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số ở Xuân Lộc đang gắn với nông thôn mới nâng cao như: Chương trình nước sạch, đường giao thông nông thôn, điện thắp sáng; xây mới và nâng cấp các thiết chế văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế...
Nhờ đó, đời sống của đồng bào vùng dân tộc nói chung và nhân dân huyện Xuân Lộc nói riêng ngày càng đi lên. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của huyện Xuân Lộc đạt gần 60 triệu đồng/người/năm. Trong đó, thu nhập bình quân của các hộ gia đình dân tộc thiểu số đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào thiểu số ở huyện Xuân Lộc vào cuối năm 2020 đã giảm chỉ còn 71 hộ, (chiếm 15,7% số hộ nghèo toàn huyện) và chiếm 1,6% so với tổng số dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Rõ ràng, các chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Xuân Lộc đang có hiệu quả rõ rệt. Điều này không chỉ làm thay đổi chất lượng sống của bà con mà quan trọng hơn đã giúp đồng bào thay đổi được cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, trong đời sống hàng ngày. Từ đó, góp phần vào phát triển bền vững kinh tế - xã hội của toàn huyện trong thời gian tới.
Thanh Loan