Tân Sơn là xã vùng cao của huyện Chợ Mới, với 98% dân số là người dân tộc Dao, cuộc sống của bà con phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Sau nhiều nỗ lực, bộ mặt nông thôn Tân Sơn ngày càng khởi sắc nhờ mô hình trồng rau an toàn với sự đồng hành của HTX.
Đánh thức các tiềm năng
Ông Triệu Văn Tài, dân tộc Dao, người trồng rau tại xã Tân Sơn, chia sẻ những năm trước, gia đình ông sản xuất rau màu trên 3 sào ruộng, nhưng chưa bao giờ đạt doanh thu 50 triệu đồng, mỗi khi vụ mùa đến thì cả nhà lại chạy đôn, chạy đáo để tìm người mua, giá cả rất bấp bênh.
Các HTX đang đánh thức thế mạnh sản xuất tại các địa phương huyện Chợ Mới. |
Năm 2018, bước ngoặt đã đến khi gia đình ông Tài quyết định chuyển sang phát triển mô hình trồng rau an toàn. Nhờ được cán bộ khuyến nông xã và HTX nông nghiệp sạch Tân Sơn đồng hành hỗ trợ sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hiệu quả kinh tế của gia đình nâng lên rõ rệt.
Cụ thể, những ruộng rau của gia đình ông Tài đã phát triển tốt và cho những vụ mùa bội thu với nhiều sản phẩm từ su hào, bầu, bí đến các loại rau ăn lá. Nhờ chất lượng đảm bảo, các sản phẩm được HTX bao tiêu để cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch và phục vụ người dân tại các khu chợ truyền thống. Hiện, thu nhập bình quân của gia đình đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Tương tự, ông Triệu Văn Hữu, ở thôn người Dao Khuổi Đeng 2, cho biết cuộc sống gia đình trước đây chỉ trông chờ vào việc trồng lúa, ngô, sắn nhưng chưa khi nào đủ ăn. Năm 2017, gia đình ông là một trong 10 hộ nghèo của xã được hỗ trợ vốn trồng rau sạch.
Cũng giống như nhiều hộ trồng rau trong xã, ông Hữu xin tham gia vào HTX nông nghiệp sạch Tân Sơn để được hỗ trợ về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ khi tham gia vào HTX, ông Hữu được HTX tập huấn kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất tăng 15 - 30%, giá bán ổn định. Từ một hộ nghèo, đến nay gia đình ông đã xây được nhà cửa khang trang, các con được ăn học đầy đủ…
Theo chị Lý Thị Ba, Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Tân Sơn, bà con trong xã trước đây chủ yếu trồng lúa, lạc và khoai lang. Công sức, tiền của đầu tư nhiều, nhưng hầu như năm nào cũng bị mất mùa, thua lỗ do đất cằn cỗi, không phù hợp với các loại cây này.
Đến nay, nhờ hiệu quả của mô hình rau an toàn, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5% (theo chuẩn mới). Đồng bào người Dao nơi đây đã có một cuộc sống ổn định, đời sống thêm no ấm.
Nếu mô hình trồng rau sạch đang khẳng định giá trị trên vùng đất của người Dao xã Tân Sơn, thì cây Chè Shan tuyết đang là một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn xã Yên Cư, với tổng diện tích hơn 100ha.
Những năm qua, cây chè được chính quyền địa phương và người dân chú trọng, dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển. Để dẫn dắt các hộ trồng chè phát triển theo hướng bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xã Yên Cư đã hỗ trợ thành lập 2 HTX tại các thôn Bản Cháo và Thái Lạo.
Đến nay, HTX chè Bản Cháo có 12 thành viên, HTX chè Thái Lạo có 11 thành viên, phần lớn đều là người dân tộc thiểu số. Các đơn vị đều đang hoàn thành tốt vai trò liên kết, trở thành điểm tựa vững chắc cho các hộ trồng chè tại địa phương.
Xác định hướng đi đột phá
Thôn Thái Lạo hiện có gần 14ha chè Shan tuyết được trồng theo Dự án định canh định cư, ổn định cuộc sống cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số. Với vai trò đầu tàu, HTX chè Thái Lạo đứng ra hỗ trợ về kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Cần thêm các nguồn lực hỗ trợ để các HTX phát triển, trở thành điểm tựa cho thành viên. |
Để có thành công như hiện nay, ngay từ khâu sản xuất, các thành viên HTX đã được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn trồng chè theo quy trình sản xuất sạch, áp dụng nguyên tắc “4 không” và “4 đúng”.
Trong đó, "4 không" là không chất kích thích tăng trưởng, không phân bón hóa chất độc hại, không thuốc trừ cỏ, không pha trộn tạp chất. Nguyên tắc "4 đúng" được áp dụng khi sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật gồm đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời gian, đúng cách thức.
Nhờ sản xuất an toàn, giá trị canh tác của các hộ thành viên HTX ngày càng được nâng lên. Nếu như trước đây, người dân chỉ bán được 100.000 - 110.000 đồng/kg chè khô, thì nay nhờ việc chế biến, đóng gói đúng quy trình kỹ thuật, giá bán chè tăng gấp đôi, đạt 200.000 - 230.000 đồng/kg.
Ông Hoàng Nguyễn Việt, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho hay nhờ có sự quan tâm chỉ đạo tích cực nên hằng năm số lượng HTX thành lập mới trên địa bàn đều vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trung bình mỗi năm có 5 - 7 HTX thành lập mới.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, tổ hợp tác hoạt động ổn định, huyện Chợ Mới triển khai lồng ghép các cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ nguồn nhân lực, hỗ trợ đầu tư và tài chính tín dụng...
Cụ thể, trên địa bàn huyện có 10 HTX được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ nguồn nhân lực với kinh phí trên 800 triệu đồng, 6 HTX được hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn huyện có 5 HTX được hỗ trợ trang thiết bị, máy móc phục vụ cho hoạt động sản xuất với kinh phí hơn 300 triệu đồng.
Nhờ đó, các HTX đã năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, tích cực tìm kiếm thị trường, mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên...
Theo ông Hoàng Nguyễn Việt, việc phát triển các HTX theo mô hình kiểu mới đã và đang bước đầu làm thay đổi nhận thức, tư duy của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, trong tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa và tư duy thị trường.
Sau 5 năm thực hiện Đề án xây dựng HTX kiểu mới, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều HTX điểm như: HTX Nông nghiệp Thanh niên xã Như Cố, HTX Nông nghiệp và Thương mại Hợp Thành Thanh Vận, HTX Bản Cháo, Thái Lạo (xã Yên Cư); HTX Thành Đạt, HTX 20/10 (xã Nông Hạ), HTX An Thịnh (thị trấn Đồng Tâm), HTX Đoàn Kết (xã Cao Kỳ)…
Cùng với việc lồng ghép các cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX hoạt động ổn định, hiệu quả, huyện Chợ Mới còn triển khai hỗ trợ thiết kế, xây dựng nhãn mác, bao bì, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phối hợp tổ chức quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ trong và ngoài tỉnh, nhằm từng bước đưa sản phẩm của các HTX mở rộng thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất.
Đến nay, huyện có 20 sản phẩm của các HTX được công nhận và xếp hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh, trong đó nhiều sản phẩm được người tiêu dùng biết đến như chè Như Cố, chè Shan tuyết Bản Cháo, măng khô Mai Lạp, ô mai mơ của HTX Đoàn Kết …
Trong giai đoạn tiếp theo, huyện sẽ tập trung đầu tư cho những HTX có điều kiện để mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm gắn với liên kết tiêu thụ. Đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị cho các HTX, khuyến khích các HTX liên kết với nhau trong sản xuất, tiêu thụ để đảm bảo phát triển theo hướng bền vững.
Nhật Minh