Anh Lương Thanh Tuấn, dân tộc Dao, Giám đốc HTX Mu Hom, xã Kháng Chiến cho biết, năm 2017, HTX Mu Hoom thành lập với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là chăn nuôi lợn thịt (lợn rừng lai chăn thả tại đồi), 7 thành viên tham gia, chủ yếu dân tộc Dao và Mông. HTX đầu tư gần 3 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại trên diện tích 900m2 và bãi chăn thả rộng khoảng 1 ha.
Phát triển kinh tế từ nuôi lợn rừng
Ban đầu, HTX có hơn 100 con gồm cả lợn nái và lợn thịt, đến nay tổng đàn của HTX lên đến gần 600 con, trong đó có 44 con lợn bố, mẹ và hơn 500 con lợn thịt.
Được biết, từ con mẹ là giống lợn ỉ Móng Cái, lợn bố là lợn rừng thuần chủng, HTX đã tạo ra loại lợn rừng lai F1. Đặc điểm của giống lợn rừng này là sức đề kháng cao, chịu được thời tiết khắc nghiệt, dễ nuôi và không tốn nhiều thức ăn. Thịt lợn rừng thơm ngon, săn chắc, nhiều nạc, giá trị dinh dưỡng cao.
Với phương pháp nuôi hữu cơ, chế độ cho ăn của lợn chủ yếu là bằng rau, ngô, khoai, sắn, thân chuối, bỗng rượu, thân ngô... Khu vực chuồng trại được HTX xây dựng rộng rãi, bảo đảm có sân chơi và nơi tắm cho lợn, nên đàn lợn luôn khỏe mạnh, thịt săn chắc.
Lợn của HTX Mu Hoom tắm nắng, vận động ngoài bãi chăn thả. |
Để chủ động nguồn thức ăn, HTX đã trồng 1 ha chuối, cỏ, thuốc nam. “Lợn của HTX được nuôi chủ yếu từ nguồn thức ăn xanh, sạch trồng gần khu vực nuôi để dễ vận chuyển, bảo đảm chất lượng. Chuồng trại được xây dựng khang trang và vệ sinh sạch sẽ, ngừa dịch bệnh. HTX cũng hoàn toàn không sử dụng thực phẩm hay thuốc tăng trọng”, Giám đốc Lương Thanh Tuấn, cho biết.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh được ưu tiên hàng đầu. Ngoài tiêm các loại vắc xin phòng bệnh dịch cho đàn lợn theo hướng dẫn của cơ quan thú y, HTX chủ động phòng bệnh tiêu chảy, đường ruột cho lợn bằng các loại lá cây thuốc nam có sẵn vườn nhà.
Để khẳng định chất lượng và thương hiệu, HTX đã chủ động xây dựng lò mổ, khu chế biến và chuỗi cửa hàng bán lẻ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở thị trấn Thất Khê. Nhằm mở rộng đầu ra, HTX còn thực hiện bán hàng online, đưa sản phẩm đến Bắc Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Nội…
Thực phẩm sạch cho người tiêu dùng
Với thông điệp “sạch từ trang trại đến bàn ăn”, nhằm khai thác lợi thế sản phẩm thịt lợn rừng sạch từ trang trại đến người tiêu dùng không qua trung gian, HTX hình thành chuỗi sản xuất, sơ chế và tiêu thụ. Thịt lợn rừng lai của HTX được bày bán tại điểm bán hàng ở thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định với giá bán 150 nghìn đồng/kg. “Tiếng lành đồn xa”, chất lượng thịt thơm ngon được người tiêu dùng nhanh chóng biết đến, ủng hộ.
Nuôi lợn đen ở Tràng Định từng bước giúp người dân vươn lên thoát nghèo. |
Ông Lương Thanh Tuấn, Giám đốc HTX cho biết: “Với quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn, lợn phải nuôi trên 1 năm tuổi mới đạt trọng lượng khoảng 60kg (thời điểm xuất bán). Thời gian tới, chúng tôi dự kiến mở rộng đàn lên 1.000 con để nâng cao hiệu quả sản xuất”, ông Tuấn nói.
Không dừng lại ở việc bán lợn thịt cho người tiêu dùng, năm 2019, HTX đã mở nhà hàng tại thành phố Lạng Sơn với tất cả các món được chế biến từ lợn thịt do HTX trực tiếp nuôi. Qua đó, không chỉ tạo chuỗi giá trị khép kín mà HTX còn muốn giới thiệu những sản phẩm thịt lợn chất lượng, an toàn trực tiếp với người tiêu dùng.
Ông Từ Trọng Hiếu, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Hiệu quả của chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi, cung ứng thịt, nhà hàng của HTX Mu Hoom đã góp phần nâng cao đời sống cho các thành viên HTX, tạo công ăn việc làm cho người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Đặc biệt, HTX đã mở ra hướng chăn nuôi an toàn, đưa thực phẩm sạch đến người tiêu dùng”.
Duy Hồng
Bài cuối: Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ