Khai thác tiềm năng "công nghiệp không khói"
Là huyện thuộc vùng núi cao của tỉnh Bắc Giang với 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, Sơn Động có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tín ngưỡng. Cùng với hiệu quả của các HTX, mô hình đang tạo nên những lợi ích lớn về kinh tế, môi trường sinh thái.
Sơn Động có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tín ngưỡng. |
Theo UBND huyện Sơn Động, dự án di lịch sinh thái tại Đồng Thông là mô hình lần đầu tiên được tổ chức tại Bắc Giang theo hướng phát triển du lịch cộng động hướng tới các giá trị về bản sắc văn hóa và môi trường sinh thái một cách bền vững.
Trong quá trình thúc đẩy du lịch sinh thái của địa phương, HTX du lịch cộng đồng An Lạc (xã An Lạc) đang nôỉ lên như một lá cờ đầu.
Thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng thí điểm ở An Lạc của UBND tỉnh Bắc Giang, HTX An Lạc đã mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm.
Giám đốc HTX Vũ Ngọc Huân đã mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà sàn truyền thống, cải tạo nhà vệ sinh, bãi để xe, khuôn viên cây xanh, đáp ứng nhu cầu lưu trú của 50 khách du lịch/ngày/đêm.
Để khách có những trải nghiệm thú vị, HTX thành lập các tổ: Hát then, đàn tính; nuôi ong, thuốc nam; vệ sinh môi trường, hướng dẫn viên. Hiện có 5 gia đình đầu tư nhà sàn lưu trú phục vụ khách tham quan.
Đặc biệt, để đảm bảo giá trị bền vững, HTX đã phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, đặc biệt là công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp tại khu du lịch.
“Trong rất nhiều yếu tố chi phối, môi trường và chất lượng dịch vụ là hai yếu tố then chốt mang lại thành công tại địa phương phát triển du lịch sinh thái. Trong thời gian tới, môi trường và dịch vụ sẽ tiếp tục được HTX nâng tầm để tạo sức hút mạnh hơn”, Giám đốc Vũ Ngọc Huân nhấn mạnh.
Hỗ trợ để HTX phát triển
Theo số liệu thống kê của Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, toàn huyện Sơn Động hiện có 37 HTX và 1 quỹ tín dụng nhân dân. Hầu hết các HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, vệ sinh môi trường.
Nông nghiệp huyện Sơn Động phát triển theo hướng hiện đại, với sự tham gia ngày càng lớn của các HTX (Ảnh: Int) |
Mặc dù các HTX đã có sự phát triển đáng kể trong những năm qua, nhưng vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng, lợi thế của huyện miền núi này. Nguyên nhân một phần là do Sơn Động có đến 14 dân tộc cùng sinh sống nên có sự khác biệt về văn hóa, trình độ cũng như nhận thức. Các HTX cũng còn hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, khó khăn về vốn sản xuất, cơ sở hạ tầng cũng như trình độ chuyên môn.
“Do đó, Sơn Động cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, bố trí quỹ đất, mặt bằng xây dựng trụ sở, nhà xưởng, hỗ trợ chính sách vay vốn ưu đãi… cho HTX phát triển. Đồng thời, quan tâm thành lập mới HTX có khả năng phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm…”, ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang nói.
Theo ông Lương Ngọc Duy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Động, thời gian qua, các mô hình HTX trên địa bàn huyện đã và đang tạo điều kiện cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc tại chỗ được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, phát huy tiềm năng đất đai của địa phương, khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn gen quý. Từ đó tạo nên những sản phẩm đặc trưng, tạo đà cho người dân vươn lên làm giàu.
Ngoài những chính sách đã ban hành, Hội Nông dân huyện cũng đang tập trung xây dựng chính sách để trình lên cấp ủy, chính quyền nhằm hỗ trợ với từng mô hình cá thể, HTX, trước tiên đầu tư cho đơn vị hoạt động hiệu quả như dịch vụ môi trường, dược liệu, ong mật hữu cơ…
“Để nâng cao trình độ sản xuất các cây, con đặc sản, huyện đang rà soát toàn bộ các mô hình, các HTX để từ đó đưa ra giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, khai thác hiệu quả nguồn gen quý đang được các hộ dân lưu giữ. Cùng với trợ lực từ cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, mỗi người dân cũng cần chủ động trong sản xuất, liên hệ để tìm kiếm các nguồn hỗ trợ”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Động cho biết.
Phạm Duy