Theo thống kê của Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh Bắc Giang, từ năm 2016 đến nay, các vùng đồng bào công giáo tỉnh đã đóng góp gần 20 tỷ đồng, hiến hơn 240 nghìn m2 đất và hàng nghìn ngày công, qua đó góp phần làm cho hệ thống đường giao thông nông thôn thêm khang trang, sạch đẹp.
Diện mạo làng quê khởi sắc
Đi trên tuyến đường nội đồng rộng hơn 4m đã được tôn tạo theo chương trình nông thôn mới, giáo dân Nguyễn Thị Nhạn, giáo họ Tân Lập, thôn Hố Vầu, xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang, phấn khởi nói: “Trước đây, đường chỉ rộng gần 2m, mỗi lần đến vụ thu hoạch, tôi lại rất lo vì thường phải dùng sức người để gánh. Còn giờ xe cải tiến đến tận đầu ruộng, rất thuận tiện”.
Diện mạo khang trang tổ dân phố Tân Lập, nơi có 85% đồng bào công giáo sinh sống. |
Theo ông Nguyễn Văn Chính, Trùm trưởng Giáo họ Tân Lập, liên tục trong 5 năm qua, hưởng ứng cuộc vận động tham gia xây dựng nông thôn mới, người dân trong thôn đã hiến hàng chục nghìn m2 đất canh tác, tạo thuận lợi cho thi công các tuyến đường nội đồng, đáp ứng yêu cầu đi lại, sản xuất của bà con.
Cùng với hiến đất canh tác làm đường nội đồng, nhiều hộ giáo dân trong tỉnh còn hiến đất ở để làm giao thông nông thôn. Điển hình như gia đình cụ Nguyễn Thị Vân, thuộc Họ đạo Ngọ Xá, xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa đã tự nguyện dỡ gian buồng đang ở xây lùi vào để hiến đất mở rộng đường thôn từ 1,7m lên gần 4m.
Hay như tại thôn Đồng Công, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, địa phương có 95% đồng bào công giáo sinh sống. Ngay khi nắm chủ trương của xã phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2020, thôn xây dựng kế hoạch ưu tiên thực hiện các tiêu chí chưa đạt với phương châm khó trước, dễ sau.
Trong năm 2020, từ sự đóng góp của bà con, thôn cứng hóa 4 km đường nội thôn, lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Đến tháng 12/2020, thôn Đồng Công đã đạt 16/16 tiêu chí nông thôn mới.
Không chỉ tạo chuyển biến trong tiêu chí hạ tầng gao thông, đồng bào công giáo tỉnh Bắc Giang còn quan tâm tới nhiều tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới. Đơn cử như tại giáo xứ An Tràng hiện có 6 họ đạo, 2 giáo điểm nằm trên địa bàn hai huyện Yên Dũng và Lạng Giang, với xấp xỉ 1,2 nghìn giáo dân.
Linh mục Nguyễn Huy Liệu, Chánh xứ An Tràng cho biết, trong các buổi dạy giáo lý, các chức sắc đều lồng ghép tuyên truyền, vận động giáo dân tích cực thực hiện mô hình "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, xây dựng xóm đạo tiên tiến".
Cùng đó, giáo xứ An Tràng cũng tích cực ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ "Vì người nghèo"; khuyến học, khuyến tài; đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”. Những năm gần đây, đời sống nhân dân cũng như diện mạo làng quê có nhiều thay đổi tích cực.
Minh chứng rõ nhất là ở tổ dân phố Tân Lập, thị trấn Tân An, huyện Yên Dũng, nơi có 85% giáo dân sinh sống. Giáo dân Nguyễn Thị Mùi nói: “Trước đây, đường nội thôn nhỏ và dốc, đi lại vất vả. Sau khi đổ bê tông đường rộng hơn, giao thương thuận lợi. Tuyến đường được như hôm nay có phần đóng góp về công sức, kinh phí cũng như hiến gần 1 nghìn m2 đất của nhiều hộ trong tổ dân phố”.
Tạo chuyển biến sâu, toàn diện
Chương trình xây dựng nông thôn mới bao gồm nhiều tiêu chí, tuy nhiên, các chức sắc, người đứng đầu giáo hội ở các vùng đồng bào công giáo tỉnh Bắc Giang đều xác định việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân là mục tiêu cốt lõi.
Nông thôn mới vùng công giáo ở Bắc Giang có mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống cho người dân. |
Theo đó, về kinh tế, với phương châm “người công giáo tốt phải là người công dân tốt”, bà con giáo dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động và phát triển sản xuất.
Ở nhiều địa phương, bà con giáo dân đang chủ động áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất mang hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu phải kể đến họ đạo Đông Trước, Ngọ Xá, Ngọc Liễn (huyện Hiệp Hòa), Tiên Sơn (huyện Việt Yên) phát triển nghề mộc xuất khẩu; làng nghề sản xuất mỳ gạo thôn Châu Sơn, xã Ngọc Châu (Tân Yên); mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp ở tổ dân phố Minh Đạo, thị trấn Tân An (Yên Dũng)...
Cùng với phát triển kinh tế, nhiều giáo dân còn tích cực tham gia công tác xã hội. Toàn tỉnh có 277 đảng viên là người công giáo, 95 đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, 91 người là cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ của các tổ chức đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng thôn và các đoàn thể của thôn, tổ dân phố.
Tiêu biểu như các ông Nguyễn Anh Tuấn, công chức Văn hóa - Xã hội thị trấn Tân An (huyện Yên Dũng); Nguyễn Văn Thắng, Trưởng thôn Rèn, xã Minh Đức (huyện Việt Yên); bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Thượng (huyện Yên Thế)...
Xây dựng đời sống văn hóa, văn minh cũng là một trong những nội dung phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”.
Hiện, việc xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa được các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban hành giáo ở các xứ, họ đạo quan tâm vận động giáo dân thực hiện. Đa số các hộ giáo dân tuân thủ quy định về tổ chức việc cưới, tang, lễ hội tiết kiệm, lành mạnh, văn hóa, loại bỏ các hủ tục.
Hoạt động thể thao ở các vùng đồng bào công giáo trên toàn tỉnh ngày càng sôi động. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm mạnh.
Theo Trưởng Ban dân tộc tỉnh Bắc Giang Vi Thanh Quyền, để tiếp tục xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào công giáo tích cực thi đua thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo".
Các ban ngành của tỉnh chú trọng đầu tư phát triển đa dạng các mô hình kinh tế, đặc biệt là thành lập các HTX, tổ hợp tác nhằm hoàn thiện tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong chương trình nông thôn mới, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Đồng thời, quan tâm giữ gìn vệ sinh môi trường, đẩy mạnh hoạt động văn hóa văn nghệ, rèn luyện thể dục thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng mối đoàn kết lương - giáo ngày càng bền chặt.
Lệ Chi