Chị Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1979, là hội viên phụ nữ công giáo thôn Châu Sơn, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, đang là một trong những điểm sáng khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Với tinh thần cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, gia đình chị đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Làm giàu từ tay trắng
Từ khi xây dựng gia đình và sinh con, chị Nguyễn Thị Hằng cùng chồng luôn chịu khó làm lụng vất vả nhưng cuộc sống gia đình vẫn không thoát khỏi khó khăn. Trước sự đeo bám của cái đói, cái nghèo, chị đã luôn trăn trở để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.
Chị Nguyễn Thị Hằng và HTX mì gạo Quế Hằng Châu Sơn đang là điển hình sản xuất ở địa phương. |
Năm 2016, với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, chị Hằng cùng một số hội viên phụ nữ trong thôn Châu Sơn đã liên kết thành lập HTX Sản xuất và tiêu thụ mì gạo Quế Hằng Châu Sơn, hướng tới sản xuất bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Từ những ngày đầu thành lập, được sự tín nhiệm của các thành viên, chị Hằng được bầu làm Phó chủ tịch HĐQT HTX. Với cương vị và chức trách của mình, chị Hằng luôn động viên người lao động, đồng thời đi đầu trong việc tham gia các lớp tập huấn khoa học – kỹ thuật, sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm do Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN xã tổ chức.
Đến nay, mỗi ngày HTX sản xuất bình quân 1,5 - 2 tấn gạo, riêng gia đình chị Hằng mỗi ngày sản xuất từ 200 - 250 kg gạo, trừ chi phí thu lãi 1 – 1,2 triệu đồng. Để tăng thêm thu nhập, gia đình chị Hằng còn nhận đóng gói mì cho thành viên HTX.
Theo chị Hằng, cùng với mỳ Chũ, mỳ gạo Châu Sơn là đặc sản có tiếng của vùng đất Bắc Giang. Nếu dùng nấu phở, phở Châu Sơn ngon, hấp dẫn chẳng kém phở Nam Định, phở Hà Nội.
Châu Sơn là thôn có đông đồng bào công giáo sinh sống. Hơn 50% thành viên HTX hiện cũng là những người theo đạo. Nhờ có nghề làm mỳ gạo, thị trường tiêu thụ những năm qua khá ổn định, giá bán lẻ đạt 25 - 30 nghìn đồng/kg, thu nhập bình quân của các hộ thành viên HTX, các hộ làm nghề trong thôn đạt 70 - 120 triệu đồng/hộ/năm.
Không những giúp đời sống thành viên HTX vươn lên khấm khá, nghề làm mỳ ở Châu Sơn còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong và ngoài địa phương. Hiện, mỗi lò sản xuất trong thôn cần thuê trung bình 3 - 5 lao động, trả công 4-5 triệu đồng/người/ tháng.
Với riêng gia đình chị Hằng, ngoài sản xuất mì, chị còn xây dựng mô hình chăn nuôi lợn theo hướng gia trại, tận dụng lại nước vo gạo, mì vụn làm thức ăn cho vật nuôi, cho thu nhập 100 - 120 triệu đồng/năm. Cùng với đó, gia đình chị trồng thêm cây ăn quả như bưởi Diễn, chuối cho thu nhập 30 - 35 triệu đồng/năm.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, không ngại khó, ngại khổ, bình quân tổng thu nhập của gia đình chị Hằng, một hộ gia đình công giáo gương mẫu ở Châu Sơn, đạt trên 500 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu nhập ổn định đó, gia đình chị đã có của ăn của để, mua sắm được nhiều vật dụng và tiện nghi phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, đồng thời tạo điều kiện cho con cái học tập và phát triển toàn diện.
Lan tỏa gương điển hình
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hương, thôn Yên Cư, xã Tân Sỏi, huyện Yên Thế cũng được biết đến là một tấm gương sáng cho những hội viên phụ nữ nói chung và giáo dân trên địa bàn xã nói riêng trong việc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương.
Những gương sản xuất điển hình đang tạo hiệu ứng tích cực trong các phong trào phụ nữ công giáo tỉnh Bắc Giang. |
Xuất thân từ một gia đình thuần nông khó khăn, lại khởi nghiệp ở một thôn công giáo nằm xa trung tâm xã, đồng ruộng hay bị ngập úng, một năm cấy được 2 vụ nhưng chỉ được vụ chiêm, còn vụ mùa thì phải phụ thuộc vào thời tiết, chị Hương đã phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình lập nghiệp.
Năm 2015, sau một thời gian dài học hỏi kinh nghiệm trên sách báo và được tham gia các lớp tập huấn do Hội LHPN các cấp tổ chức, chị Hương đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp để đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp theo hướng VAC (vườn – ao – chuồng).
Đến nay, khu trang trại của gia đình chị Hương đang tổ chức chăn nuôi hơn 2.000 con gà thương phẩm/lứa (năm 3 – 4 lứa gối vụ) và trồng 300 cây vải sớm. Nhờ nắm chắc quy trình kỹ thuật, ứng dụng hiệu quả công nghệ mới, các loại cây trồng, vật nuôi phát triển ổn định, cho tổng thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Nửa đầu năm 2021, dù gặp không ít khó khăn do đại dịch Covid-19, khu trang trại của gia đình chị vẫn đảm bảo nguồn thu trên 100 triệu đồng, đồng thời duy trì việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương, với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Theo bà Phạm Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang, trong những năm qua, các tầng lớp phụ nữ của tỉnh nói chung và phụ nữ công giáo nói riêng đã phát huy tốt truyền thống, đoàn kết, nỗ lực hết mình trong lao động sản xuất, học tập, nâng cao trình độ, khẳng định vị thế trong gia đình và xã hội.
Các phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”... đã khích lệ phụ nữ trong tỉnh phát huy nội lực, chủ động tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường.
Năm 2020, các cấp Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ hơn 245 nghìn lượt gia đình hội viên, trong đó có 13,4 nghìn lượt hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.
Trong thời gian tới, tỉnh đặt mục tiêu 100% cơ sở hội tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho hội viên; giúp thêm 2,3 nghìn hộ gia đình hội viên đạt "5 không, 3 sạch"... Tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc; vận động phụ nữ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường; xây dựng tổ chức hội vững mạnh, thực hiện giám sát, phản biện xã hội.
Đặc biệt, các cấp hội sẽ tích cực liên kết, hỗ trợ hội viên thành lập các HTX, tổ hợp tác, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến phụ nữ vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, trong đó dành nhiều nguồn lực hỗ trợ các chị em vùng đồng bào công giáo, nhằm phát huy khối đại đoàn kết, đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Lệ Chi
Bài cuối: Đổi thay nông thôn mới xứ đạo