Long Thạnh là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất ở Giồng Riềng. Cuối năm 2019, sau thời gian mở lớp dạy nghề đan mỹ nghệ bằng dây nhựa, xã quyết định thành lập HTX Thủ công mỹ nghệ Cỏ Khía, nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho chị em phụ nữ tại địa phương.
Phát huy nghề truyền thống
Chị Thị Mộng, Giám đốc HTX Cỏ Khía, cho biết HTX khởi đầu với 24 thành viên, 100% là phụ nữ dân tộc Khmer. Sự ra đời của HTX dựa trên nguyện vọng của chị em, với sứ mệnh trở thành đại diện pháp nhân tổ chức ký kết hợp đồng với doanh nghiệp.
Phụ nữ huyện Giồng Riềng năng động phát triển kinh tế, phát huy giá trị nghề truyền thống. |
Cụ thể, HTX bên cạnh công tác đào tạo nghề cho thành viên, sẽ tập trung đầu mối để tiếp nhận các đơn hàng, sản phẩm của doanh nghiệp, sau đó phân phối cho thành viên, hộ liên kết thực hiện đan gia công. Và ngược lại, khi sản phẩm hoàn thành, HTX đứng ra thu gom, bàn giao lại cho doanh nghiệp.
Theo chị Mộng, trong 2 năm đầu tiên, mục tiêu của HTX chủ yếu là tập trung đan gia công các sản phẩm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Khi đủ điều kiện, HTX sẽ chủ động liên kết với các HTX, tổ hợp tác trong và ngoài địa phương để tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu riêng để bán ra thị trường.
Sau gần 2 năm thành lập, dù phải đối diện với không ít khó khăn, HTX đang cho thấy sự phát triển ổn định, làm ăn sòng phẳng với doanh nghiệp. Tất cả các thành viên đều nắm bắt kỹ thuật, có tay nghề cao, tạo ra những sản phẩm chất lượng, vừa đáp ứng đơn hàng của đối tác, vừa được thị trường đánh giá rất cao.
Hiện, 100% thành viên của HTX đã thoát nghèo, thu nhập trung bình đạt 4 – 6 triệu đồng/người/tháng. HTX còn dạy nghề, tạo việc làm cho hàng chục lao động trong và ngoài xã với mức lương ổn định trên 4 đồng/người/tháng.
Tương tự, Vĩnh Thạnh là xã vùng sâu của huyện Giồng Riềng, với trên 2.500 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm 21,73% dân số. Gần 10 năm qua, xã đang đẩy mạnh phát triển mô hình đan lát lục bình, nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Điển hình, ấp Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Thạnh hiện có trên 100 phụ nữ được học nghề và có thu nhập để cải thiện cuộc sống từ nghề đan lát. Nguồn thu nhập này tuy không quá cao, nhưng nó đã góp phần đáng kể cho chị em, nhất là phụ nữ dân tộc Khmer ở vùng sâu trong việc xóa đói, giảm nghèo.
Chị Vi Thị Thoa, ấp Vĩnh Thanh, chia sẻ: “Kể từ khi được tạo điều kiện tham gia lớp đào tạo và phát triển nghề đan lát lục bình, kinh tế gia đình tôi khấm khá hơn trước. Công việc đan lát có thể làm tại nhà, vừa tiện lợi cho việc chăm sóc gia đình, vừa có nguồn thu nhập riêng ngoài làm ruộng, vườn, chăn nuôi, nên ai cũng phấn khởi”.
Để thuận lợi cho công tác dạy nghề, truyền nghề, các hộ làm nghề ở Vĩnh Thanh đã chủ động thành lập Tổ hợp tác, liên kết hoạt động theo hướng khoa học, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, độ đồng đều, mẫu mã đẹp, đa dạng.
Đại diện Tổ hợp tác đan lục bình ấp Vĩnh Thanh cho hay, nhờ liên kết hoạt động trong một khối thống nhất, các thành viên có điều kiện học hỏi, nâng cao tay nghề, đồng thời mở ra cơ hội liên kết với những bạn hàng uy tín. Hiện, 100% sản phẩm của Tổ hợp tác được doanh nghiệp bao tiêu.
Nhờ thị trường rộng mở, giá cả ổn định, thu nhập của thành viên Tổ hợp tác ấp Vĩnh Thanh liên tục được cải thiện, đạt bình quân 2,5 – 4 triệu đồng/người/tháng, dù chỉ là nghề tay trái, làm lúc nông nhàn.
Biến nghề phụ thành nghề chính
Chị Lý Thị Như, Tổ trưởng Tổ hợp tác Vĩnh Thanh, cho hay ngoài công việc đồng áng, mỗi ngày chị tranh thủ đan được 10 sản phẩm, thu nhập được 55.000 đồng. Nếu làm thường xuyên mỗi ngày khoảng 20 sản phẩm, thu nhập sau khi trừ chi phí trên 100.000 đồng.
Các nghề phụ đang dần được phát triển trở thành nghề toàn thời gian, cho thu nhập ổn định ở Giồng Riềng. |
“Việc vào Tổ hợp tác không chỉ giúp chị em được đào tạo, nâng cao tay nghề, mà còn tuân theo những quy định về chất lượng, mẫu mã, thời gian hoàn thành, để từ đó nâng cao uy tín, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp thu mua”, chị Như nhấn mạnh.
Không phát triển nghề đan lát mỹ nghệ, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn ấp Xẻo Cui, xã Hòa Thuận, lại đang liên kết phát triển nghề vót đũa tre truyền thống, cho thu nhập bình quân 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.
Bà Thị Lạc, thành viên Tổ hợp tác vót đũa ấp Xẻo Cui, chia sẻ: "Nghề vót đũa tre được truyền qua nhiều thế hệ, trở thành nghề truyền thống của người Khmer ấp Xẻo Cui. Dù vót đũa tiền kiếm được không nhiều nhưng cũng đủ để chi hàng ngày trong gia đình, con cái học hành".
Hiện, mỗi ngày bà Lạc có thể vót được 150 đôi đũa với giá bán 100.000 - 250.000 đồng/100 đôi, tùy theo đũa thường hay đũa đặt. Trừ chi phí mua tre nguyên liệu, ngày công, bà Lạc còn lãi 100.000 đồng/ngày. Đây là nguồn thu nhập thêm lúc nông nhàn của gia đình.
Bà Dương Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thuận, cho biết Tổ hợp tác vót đũa Xẻo Cui được thành lập từ năm 2015 với 20 hộ dân tham gia.
Ngoài hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các thành viên còn được tạo điều kiện cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Thuận để mua tre nguyên liệu.
Nhờ thu nhập từ nghề vót đũa truyền thống, đặc biệt là hiệu quả của Tổ hợp tác, đời sống của người dân trong ấp Xẻo Cui, với trên 80% là người Khmer, ngày càng được cải thiện. Năm 2010, toàn ấp có 61 hộ nghèo, đến nay giảm xuống chỉ còn 11 hộ.
Theo bà Dương Thị Hòa, việc thành lập các HTX, Tổ hợp tác là một trong những chủ trương được huyện Giồng Riềng đẩy mạnh trong thời gian qua, nhằm liên kết các hộ sản xuất, kết nối với doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả các nghề truyền thống.
Nhật Minh
Bài cuối: Tín hiệu xanh từ HTX nông nghiệp