Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, một trong những nhân tố giúp đời sống của người dân huyện Giồng Riềng từng bước được nâng lên đến từ hiệu quả của các chính sách dân tộc như Chương trình 135, chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào Khmer nghèo, đặc biệt khó khăn...
Những chuyển biến toàn diện
Nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, đời sống người dân trên địa bàn huyện được cải thiện rõ rệt, đặc biệt tạo điều kiện giúp bà con Khmer nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 0,78% dân số toàn huyện.
Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Giồng Riềng ngày càng được nâng lên. |
Anh Danh Sánh, người Khmer, xã Vĩnh Phú trước đây là hộ thuộc diện nghèo, không có đất sản xuất, 2 vợ chồng quanh năm mưu sinh bằng nghề làm thuê, làm mướn.
Năm 2014, anh Sanh được địa phương hỗ trợ một con bò giống từ Chương trình 135, sau đó lại được tặng nhà “Đại đoàn kết”. Hai niềm vui lớn đó đã tạo động lực cho vợ chồng anh Sánh chí thú làm ăn, quyết tâm vươn lên thoát nghèo.
Anh Sánh chia sẻ con bò giống khi anh nhận về đã chuẩn bị đẻ, và chỉ sau đó hơn 2 năm, gia đình anh có thêm 3 con bê. Đến nay, tổng đàn bò gia đình đã lên gần 10 con, mỗi năm bán một đến hai cặp thu về 70 – 90 triệu đồng.
“Từ nguồn vốn bán bò, tôi đầu tư mua thêm ruộng, cải tạo để trồng cây ăn quả, xây dựng khu trang trại tổng hợp rộng 1,3 ha, doanh thu bình quân đạt gần 200 triệu đồng/năm. Sự hỗ trợ kịp thời từ địa phương đã thực sự trở thành bước ngoặt, giúp gia đình tôi thoát nghèo, vươn lên khấm khá”, anh Sánh xúc động nói.
Anh Sánh chỉ là một trong số hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Giồng Riềng đổi đời nhờ các chính sách dân tộc. Đơn cử, chỉ riêng năm 2020, toàn huyện có hơn 200 hộ được thụ hưởng chính sách theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, với các hạng mục đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt.
Hay như Dự án “Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo” (Chương trình do Heifer Việt Nam tài trợ) đã chọn xã Bàn Thạch để triển khai hỗ trợ người nghèo phát triển chăn nuôi bò sinh sản.
Anh Danh Tý, người Khmer, ấp Cây Trôm, xã Bàn Thạch, hộ nhận bò từ dự án chia sẻ: “Bò dễ nuôi, vùng này lại cỏ nhiều, bò dự án cấp được tiêm chủng đầy đủ nên ít bệnh. Sau gần 4 năm, tôi đã có thêm 3 con bê, một con trả lại dự án để tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo khác”.
Không chỉ có kinh tế, sự nghiệp giáo dục và đào tạo cho con em đồng bào Khmer cũng được quan tâm đúng mức, từng bước phát triển cả lượng và chất, tình trạng học sinh bỏ học ngày một giảm, các lớp học song ngữ được duy trì và phát huy.
Cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn huyện được đầu tư kiên cố hóa theo hướng đạt chuẩn quốc gia từ bậc học mẫu giáo đến trung học cơ sở. Trong 5 năm qua, tỷ lệ huy động học sinh dân tộc ra lớp đạt 98%. Việc dạy chữ Khmer cho sư sãi và con em đồng bào dân tộc cũng được thực hiện tốt…
Địa phương đồng hành cùng người dân
Ông Huỳnh Văn Thái Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng, cho hay để có được những kết quả hiện tại, bên cạnh sự chủ động, nỗ lực, sáng tạo của người dân, thì sự đồng hành của Huyện ủy, UBND huyện, ban ngành chuyên môn các cấp đóng vai trò quyết định.
Để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, cần sự đồng hành của cả người dân và chính quyền địa phương. |
Thời gian qua, huyện đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của cấp trên và Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND, kế hoạch của UBND huyện về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Điển hình, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 05/12/2018 để cụ thể hóa Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư (khóa XII) và Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 11/9/2018 của UBND tỉnh Kiên Giang về tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trong tình hình mới.
Huyện cũng đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án, kế hoạch để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, từ đó đời sống của đồng bào ngày càng được nâng lên. 3 xã vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số là Vĩnh Phú, Vĩnh Thạnh và Bàn Thạch đã được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện tốt công tác phối hợp tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc và công tác dân tộc. Đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền đến đồng bào dân tộc thiểu số chủ động trong việc phòng, chống dịch COVID-19.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả của chính sách dân tộc, huyện sẽ tích cực phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, trong đó đặc biệt chú trọng hỗ trợ người dân liên kết thành lập các HTX, tổ hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về phía địa phương, huyện tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, phối hợp các ngành, các địa phương nắm chặt tình hình an ninh chính trị, tâm tư nguyện vọng, những vấn đề bức xúc, để kịp thời giải quyết các nhu cầu chính đáng của đồng bào dân tộc.
Để nâng cao sức khỏe cộng đồng, huyện chỉ đạo ngành y tế thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân vùng dân tộc, đảm bảo cho mọi người được tiếp cận thuận lợi các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, có chất lượng ngay tại tuyến cơ sở.
Để nâng cao trình độ dân trí, huyện sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng quy mô các loại hình trường lớp theo tiêu chuẩn của trường học chuẩn quốc gia, thực hiện tốt chính sách đối với học sinh và người dân thiểu số.
Để gia tăng cơ hội việc làm, huyện triển khai kế hoạch đào tạo, dạy nghề cho lao động người dân tộc thiểu số, giai đoạn 2020 - 2025. Phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số sau học nghề…
Nhật Minh
Bài 2: Phụ nữ 'giữ lửa' nghề truyền thống