Sau gần 10 năm triển khai theo hướng chuyên nghiệp, du lịch cộng đồng đang trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế của tỉnh Đắk Lắc, được ban ngành các cấp dành nhiều nguồn lực ưu tiên hỗ trợ. Không chỉ đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào ngân sách địa phương hàng năm, lĩnh vực này đang giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho hàng nghìn hộ dân.
Tạo việc làm, thêm thu nhập
Đang là địa phương đi đầu trong phát triển ngành “công nghiệp không khói” trên địa bàn tỉnh, TP. Buôn Ma Thuột hiện có gần 10 khu, điểm du lịch cộng đồng được đầu tư, khai thác có hiệu quả và ngày càng khẳng định được hình ảnh trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Phát triển du lịch cộng đồng tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. |
Có thể kể đến các điểm sáng như khu du lịch văn hóa - sinh thái - cộng đồng Kô Tam (phường Tân Hòa), khu du lịch sinh thái Đầu Nguồn buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi), đồi thông (xã Hòa Thắng), khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng Suối Ong (phường Khánh Xuân), du lịch Nông nghiệp Cà phê - Ca cao G20 (xã Ea Tu)…
Cách đây gần 2 năm, vào tháng 9/2019, buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột được chọn quy hoạch làm điểm du lịch cộng đồng có quy mô nhất trên địa bàn Đắk Lắk, với kỳ vọng tạo cú hích xóa đói, giảm nghèo, mở hướng làm giàu cho người dân bản địa.
Theo quy hoạch, điểm du lịch cộng đồng buôn Akô Dhông rộng hơn 55ha, quy mô dân số khoảng 2.200 - 3.000 nhân khẩu, trong đó hơn 30% đồng bào Êđê sinh sống bằng nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ và mở dịch vụ giải trí văn hóa - văn nghệ truyền thống, phục vụ du khách trong nước và quốc tế.
Đến nay, nhờ nắm bắt tốt các cơ hội, phát huy tối đa lợi thế địa phương, hoạt động dụ lịch cộng đồng ở Akô Dhông đang phát triển ổn định, liên tục có chuyển biến tích cực. Theo thống kê, hiện có khoảng 300 - 500 lao động địa phương tham gia trực tiếp và gián tiếp vào lĩnh vực này, với thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Nhận thấy tiềm năng của ngành du lịch tại địa phương, năm 2017, anh Y Wol Ali cùng với gia đình quyết định mở dịch vụ lưu trú homestay tại buôn Akô Dhông. Khu lưu trú được thiết kế với không gian xanh mát, mang đậm nét văn hóa dân tộc Êđê gồm các nhà sàn dài được trang trí bằng nhiều vật dụng sinh hoạt thường ngày như cồng chiêng, ché rượu, gùi, nhạc cụ…
Ngoài ra, khi đến với homestay của anh Ali, du khách còn được thưởng thức những món đặc sản do chính tay người phụ nữ Êđê chế biến, đồng thời cùng tham gia các hoạt động thường ngày của người dân trong buôn như đi hái rau rừng, câu cá, leo đồi, hái cà phê, gùi nước…
“Trong 3 năm đầu mở cửa, bình quân mỗi năm, nhà tôi đón trên 15.000 lượt khách du lịch, trong đó 1/5 là khách nước ngoài. Họ không chỉ ăn, ở, mà còn mua đồ lưu niệm. Doanh thu đạt trên 300 triệu đồng/năm. Kể từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng khách có giảm, tuy nhiên các nguồn thu vẫn khá ổn định để gia đình tôi duy trì hoạt động”, anh Ali chia sẻ.
Bảo tồn giá trị truyền thống
Cũng giống như ở buôn Akô Dhông, hoạt động du lịch tại khu du lịch cộng đồng Kô Tam, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột cũng đang giúp không chỉ người dân trong vùng, mà cả ở các buôn lân cận tìm được sinh kế để phát triển kinh tế gia đình.
Không chỉ nâng cao thu nhập, du lịch cộng đồng giúp người dân gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, đại diện khu du lịch Kô Tam cho biết, đơn vị đang có lực lượng lao động trực tiếp gần 60 người là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ được tuyển vào làm việc (hướng dẫn viên, đứng quầy, bán hàng lưu niệm, chạy bàn, nấu ăn, tạp vụ…).
Bên cạnh đó, khu du lịch còn liên kết, hợp tác với nhiều HTX, tổ hợp tác, hộ dân trên địa bàn Kô Tam nói riêng và Buôn Ma Thuột nói chung để thu mua hàng hóa thủ công mỹ nghệ, lương thực, thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.
Sau gần 3 năm cung cấp các sản phẩm như thổ cẩm, rượu cần, rau rừng, thịt heo đen… cho khu du lịch, bà Amí Sơr khẳng định, từ khi có khu du lịch, nhiều hộ nghèo như gia đình bà đã khá lên nhờ có việc làm thường xuyên, nhiều người yên tâm với cuộc sống hiện tại, không còn cảnh chạy vạy làm thuê, làm mướn khắp nơi.
“Ngày trước, mỗi khi đến vụ, tôi lại lo “được mùa dội chợ”, thương lái ép giá. Nay thì có khu du lịch đến tận nơi bao tiêu, giá cả ổn định, đời sống ngày càng được nâng lên. Kể từ năm 2019 đến nay, mỗi năm gia đình tôi thu về gần 100 triệu đồng lợi nhuận”, bà Amí Sơr phấn khởi nói.
Cùng với các giá trị về vật chất, tham gia khai thác những mô hình du lịch cộng đồng cũng là cơ hội để người dân địa phương bảo tồn, quảng bá văn hóa truyền thống đến với du khách, nhất là văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Ama Khoanh, buôn Kô Tam chia sẻ, các khu du lịch cộng đồng đang tạo ra “đất sống” cho những người mê đánh chiêng, ca hát như ông, tạo cơ hội để thế hệ trước truyền nghề cho thế hệ sau.
“Hầu như tuần nào tôi cũng có vài ba “sô” diễn văn hóa - văn nghệ, kết hợp với diễn tấu cồng chiêng được tổ chức tại buôn. Tôi làm việc này vừa để có thêm thu nhập, vừa để quảng bá và giới thiệu vốn văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc mình”, ông Ama Khoanh hào hứng kể.
Có thể thấy, vốn văn hóa - văn nghệ của các tộc người tại chỗ là sản phẩm của du lịch và ngược lại - lợi ích từ ngành kinh tế này mang lại góp phần tạo điều kiện về mặt vật chất cũng như tinh thần để chủ thể của vốn văn hóa ấy vững tin lưu giữ, bảo tồn di sản của cha ông mình để lại.
Mỹ Chí
Bài 2: HTX là điểm tựa cho người dân tộc