![]() |
Việc thành lập HTX Hương Phong giúp người dân liên kết, nâng cao giá trị từ trồng rừng bền vững. |
Nhờ đó, thời gian gần đây trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi có những cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao đời sống của các thành viên.
Khi vai trò được phát huy
Sản xuất lâm nghiệp được xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của huyện A Lưới, qua đó thúc đẩy kinh doanh rừng trồng theo chuỗi giá trị, tạo công ăn việc làm bền vững cho người DTTS.
Với phương châm “Hợp tác – Đổi mới – Phát triển – Hiệu quả”, Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên – Huế đang phát huy vai trò “hạt nhân” trong việc tập hợp người dân sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể. Cụ thể, Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế đang triển khai dự án “Hỗ trợ các hộ trồng rừng quy mô nhỏ tại Việt Nam hướng tới cấp chứng chỉ rừng” do FFD tài trợ tại A Lưới.
Theo đó, năm 2019, HTX lâm nghiệp bền vững Hương Phong được thành lập với 12 thành viên (nữ chiếm 33%) là các hộ gia đình trồng rừng trên địa bàn, với tổng diện tích hơn 624 ha, vốn điều lệ ban đầu 315 triệu đồng.
Lĩnh vực hoạt động chính là liên kết các thành viên sản xuất, kinh doanh liên quan đến trồng rừng bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, có uy tín, từ đó thu hút nhiều đối tác bên ngoài sử dụng dịch vụ.
Tuy nhiên, để HTX tiến xa hơn, Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, thành viên của HTX lâm nghiệp bền vững Hương Phong. Nhờ đó, sau một năm thành lập, HTX đã đi vào hoạt động ổn định và phát triển các dịch vụ như: Lập vườn ươm cây giống lâm nghiệp chất lượng cao; thân thiện với môi trường; Mua bán rừng non của thành viên HTX; Sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng ... nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các thành viên HTX và đảm bảo cung cấp đầy đủ dịch vụ cho thành viên phát triển bền vững rừng trồng gỗ lớn FSC.
Bên cạnh đó, HTX còn tiến tới đáp ứng nhu cầu thị trường, có chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh nhằm thúc đẩy kinh tế hộ, kinh tế HTX cùng phát triển một cách bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa sử dụng gỗ rừng trồng. Qua đó, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân sống bằng nghề rừng.
Ông Nguyễn Hữu Huy (Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Thừa Thiên Huế) cho rằng, việc phát triển rừng không chỉ mang lại lợi ích về mặt giá trị kinh tế mà còn góp phần đáng kể trong hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc phát triển HTX lâm nghiệp bền vững Hương Phong là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
“Chúng tôi sẽ đồng hành cùng HTX để cải thiện giống, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, phát triển kinh tế. Đồng thời, sẽ kết nối các chương trình dự án để tạo ra nguồn vốn cũng như kết nối thị trường nhằm tạo tính bền vững cho HTX”. Ông Huy cho biết.
Hỗ trợ HTX nâng cao năng lực
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Trần Lưu Quốc Doãn cho biết, Liên minh HTX tỉnh đang hỗ trợ các HTX, sản xuất sản phẩm gắn liên kết chuỗi và ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất kinh doanh, chế biến sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.
![]() |
Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ HTX thổ cẩm xã Nhâm 36 bộ khung dệt vải. |
Điển hình, như việc phối hợp với Trung tâm Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) triển khai chương trình tư vấn phương hướng sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm cho HTX thổ cẩm xã Nhâm.
Cụ thể, đã tư vấn cho ban lãnh đạo HTX thực hiện đầy đủ quy trình sản xuất từ khâu cung ứng nguyên phụ liệu, dệt vải, thiết kế mẫu và cắt may thành phẩm như áo quần, mũ, túi xách, khăn trải bàn, khăn quàng cổ… Cùng với đó, HTX chủ động kết nối với các đơn vị như trường học, cơ quan công sở trên địa bàn huyện để cung cấp đồng phục học sinh, đồng phục truyền thống cho cán bộ công chức, viên chức.
Như vậy, HTX sẽ đảm bảo được đầu ra ổn định cho thành viên, không phụ thuộc vào một vài đơn hàng lẻ của các nhà thiết kế thời trang, đầu ra sản phẩm luôn ổn định.
Cùng với tư vấn, định hướng sản xuất kinh doanh, Liên minh HTX Việt Nam còn hỗ trợ HTX bộ thiết bị phục vụ dệt, may bao gồm 36 bộ khung dệt vải, 02 máy may công nghiệp, 01 máy vắt sổ, 01 máy thùa khuy và 01 máy đơm nút. Ngoài ra, Trung tâm Khoa học - Công nghệ và Môi trường còn hỗ trợ thêm 01 bộ máy vi tính giúp HTX quản lý hồ sơ thành viên, công tác kế toán được minh bạch. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có vai trò lớn trong việc đồng hành cùng HTX tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bà Lê Thị Kim Thoại, Giám đốc HTX thổ cẩm xã Nhâm chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường và Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi sẽ nỗ lực để đưa nghề dệt Zèng phát triển, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của cha ông. Từ đó, tăng thu nhập cho thành viên, phấn đấu đạt 3 triệu đồng/tháng, giúp thành viên phát triển kinh tế cải thiện cuộc sống gia đình”.
Hoàng Hà