Cooperatives | Thứ bảy, 26/11/2022 | 07:52 GMT+7
0 |

Người Dao ở Lào Cai thoát nghèo từ kinh tế tập thể, HTX

Tại tỉnh Lào Cai, trong công tác xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX được xác định có vị trí, vai trò quan trọng. Và thực tế thời gian qua cũng cho thấy, nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác (THT) hoạt động có hiệu quả đã từng bước nâng cao thu nhập cho các thành viên cũng như hộ dân liên kết.

Bà con các dân tộc dần thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn, nâng cao giá trị nông sản và phát triển bền vững. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, trong đó có đồng bào dân tộc Dao (chiếm khoảng 14% dân số tỉnh) ngày càng được nâng lên.

Theo thống kê, nếu như trong những ngày đầu tái lập tỉnh (1/10/1991), tỷ lệ đói nghèo của Lào Cai là 54,8%, trong đó số hộ đói chiếm tới 31%, thì sau 30 năm tái lập, số hộ nghèo giảm còn 8,2% (năm 2020), không còn hộ đói. Có thể nói, đây là thành quả ấn tượng thể hiện sự quan tâm, hướng đi đúng của tỉnh Lào Cai trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc, trong đó có dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,2% tương ứng 14.322 hộ nghèo, tỷ lệ giảm nghèo vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (mục tiêu giảm nghèo từ 3% - 4%/năm); hộ cận nghèo còn 16.370 hộ, chiếm 9,37%. Tỷ lệ giảm nghèo các huyện nghèo (Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai) theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo bình quân giảm 8,6%/năm (vượt mục tiêu Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ là giảm 4%/năm).

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2014-2018, bình quân tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm 5-6%, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2018 xuống còn 16,25%. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là vùng đồng bào DTTS ở tỉnh giảm nhanh với mức bình quân đạt 5,17%/năm, đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,2%, tương ứng 14.322 hộ; hộ cận nghèo còn 16.370 hộ, chiếm 9,37%. Hiện, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình kinh tế do đồng bào DTTS làm chủ cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm; thậm chí có những mô hình kinh tế cho thu nhập tiền tỷ.

Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021, số hộ nghèo còn lại: 9.345 hộ, chiếm tỷ lệ 5,31% so với tổng số hộ trên địa bàn, giảm 4.977 hộ, tỷ lệ giảm nghèo đạt 2,89%, bằng 96,33% kế hoạch, trong đó giảm tỷ lệ nghèo của các huyện nghèo 4,3%, bằng 71,67% kế hoạch. Số hộ cận nghèo trong năm giảm 2.188 hộ, đạt 109% kế hoạch năm 2021.


Mặc dù đã có những thành công bước đầu, nhưng vùng đồng bào DTTS của tỉnh Lào Cai vẫn còn rất nhiều xã nghèo, trong đó có các xã chậm phát triển, tỷ lệ nghèo ở mức cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng trên và tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế, xã hội, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều chính sách để nâng cao đời sống của vùng đồng bào DTTS.

Nhận thức tầm quan trọng của việc phát triển KT-XH khu vực vùng cao, vùng đồng bào DTTS trong tổng thể chiến lược phát triển của tỉnh Lào Cai thời kỳ mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 16 nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Lào Cai đã xác định nội dung ưu tiên đầu tiên trong 9 nhóm nhiệm vụ toàn diện và 7 nhiệm vụ trọng tâm là “tập trung ưu tiên phát triển các vùng còn nhiều khó khăn, huyện nghèo, xã nghèo, biên giới, đồng bào DTTS”, và “thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”.

Tỉnh Lào Cai đã ban hành Đề án số 10 về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020 – 2025. Đề án đề ra 3 nhóm mục tiêu cụ thể đó là: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3 - 5%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 6%/năm trở lên…

Trên cơ sở đánh giá các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững đã triển khai, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lào Cai sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực cao nhất cho 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao để tạo sự bứt phá rõ nét. Mục tiêu hướng đến là tạo sự chuyển biến nhanh, rõ nét về đời sống vật chất, tinh thần của người dân; giảm dần khoảng cách về phát triển KT-XH của 10 xã so với các xã khác trong tỉnh. Tỉnh Lào Cai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 8% trở lên theo tiêu chí chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, nâng mức thu nhập bình quân đầu người năm 2025 của từng xã gấp trên 2 lần so với năm 2020. Đến năm 2025, mỗi xã phấn đấu đạt tối thiểu 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM).

Khu vực KTTT, HTX của tỉnh Lào Cai những năm gần đây có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo cho các thành viên. Góp phần xây dựng NTM, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh HTX trong sự phát triển KT-XH tại địa phương.

Bên cạnh tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, các HTX vùng DTTS và miền núi ở Lào Cai đã tích tụ được đáng kể diện tích đất để sản xuất quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là xu thế đúng đắn trong bối cảnh Lào Cai đang cùng với cả nước tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa vào trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần nâng cao giá trị của nông sản, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, HTX.

Các HTX hoạt động trong khu vực nông nghiệp đã thể hiện vai trò quan trọng trong ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu thập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, vùng đồng bào DTTS.

Đại hội VI Liên minh HTX tỉnh Lào Cai (nhiệm kỳ 2020 – 2025) khẳng định, cùng với sự phát triển kinh tế hợp tác, HTX của cả nước và các thành phần kinh tế, kinh tế hợp tác, HTX Lào Cai trong giai đoạn 2015-2020 đã có những bước phát triển nhất định như: chú trọng tăng quy mô, phạm vi, chất lượng hoạt động.

Kinh tế hợp tác, HTX tỉnh phát triển đa dạng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Nhiều HTX từng bước mở rộng đầu tư liên kết, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh; nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương thông qua HTX đã phát triển theo hướng hàng hóa, từ đó đóng góp vào tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, xây dựng NTM, giảm nghèo…

Tại Đại hội, Lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam cũng khẳng định, mô hình HTX rất phù hợp để phát triển ở vùng miền núi, DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, trong đó có Lào Cai. Vì HTX có trách nhiệm xã hội, tính nhân văn, sự tương trợ rất cao mà không phải mô hình sản xuất kinh doanh nào cũng có được.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Lào Cai, các mô hình HTX tại vùng đồng bào DTTS, miền núi tại nhiều xã, huyện vùng cao trong tỉnh đang có những cách làm sáng tạo trong phát triển KTXH, góp phần nâng cao đời sống của thành viên, người lao động. Đây là những minh chứng rõ hug, khẳng định vai trò quan trọng của khu vực KTTT, HTX trong phát triển kinh tế,

Tính đến hết tháng 6/2021, tỉnh Lào Cai có 422 HTX, trong đó có 218 HTX nông nghiệp, chiến hơn 51%. Các HTX trên địa bàn tỉnh thu hút hơn 8.400 thành viên và tạo việc làm cho hơn 8.900 lao động, trong đó phần lớn là lao động nữ ở vùng nông thôn, lao động là đồng bào DTTS.

Các HTX đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy KT-XH phát triển, xây dựng NTM, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng vạn lao động nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo và làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, miền núi.

Tính đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 218/435 HTX phi nông nghiệp, tăng 144 HTX so với năm 2001 với tổng số 6.300 thành viên. Tổng số lao động làm việc thường xuyên năm 2021 là 7.875 người. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên đạt 38 triệu đồng/năm. Doanh thu bình quân/HTX là 773 triệu đồng. Lợi nhuận bình quân/ HTX/năm ước đạt 93 triệu đồng.

Liên minh HTX tỉnh Lào Cai xác định mục tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025 phấn đấu mỗi năm thành lập từ 45 - 55 HTX, xây dựng từ 2 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm và 4 HTX điển hình tiên tiến trở lên.

Nhằm tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế, tỉnh Lào Cai phấn đấu 100% các xã có ít nhất 1 HTX tổ chức hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012; Xây dựng mỗi năm 10 HTX sản xuất giống trâu, bò, lợn nuôi tập trung, thường xuyên ở các xã xây dựng NTM (trâu, bò từ 100 con trở lên; lợn từ 200 con trở lên).

Bình quân hàng năm thu hút mới từ 200 thành viên tham gia HTX và 300 lao động trở lên làm việc thường xuyên trong các HTX. Thu hút ít nhất 60% số hộ cá thể địa bàn nông thôn tham gia THT, HTX; khuyến khích các hộ cá thể ở địa bàn đô thị tham gia HTX công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm…

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam, để kinh tế hợp tác, HTX thích ứng với thị trường, Liên minh HTX tỉnh Lào Cai trong nhiệm kỳ mới phải giải quyết được 5 “nút thắt”.

Một là, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, đưa sản xuất thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường về chất lượng sản phẩm cũng như quản lý, cung ứng dịch vụ cho thành viên…

Hai là, chú trọng liên doanh liên kết đi đôi với xây dựng các mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị để mở rộng đầu ra cho nông sản.

Ba là, tạo điều kiện cho HTX được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thuê đất dài hạn làm trụ sở, phát triển sản xuất. Qua đó, giúp các HTX ổn định nơi hoạt động, giao dịch, có tài sản thế chấp vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Bốn là, tích cực liên kết với các bộ ngành, hỗ trợ các HTX tiếp cận cách chính sách vay vốn ưu đãi cũng như khuyến khích thành viên huy động nguồn vốn góp để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Năm là, phải đặc biệt chú trọng đào tạo nghề cho nhân dân và thành viên đi đôi với đào tạo kỹ năng cho cán bộ HTX. Vì chất lượng nguồn nhân lực là cội nguồn để xóa đói, giảm nghèo và là động lực để HTX hoạt động hiệu quả, bền vững.

Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện đã có hàng chục mô hình HTX, THT liên kết với các doanh nghiệp, hộ nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Từ đó, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, bảo đảm sự phối hợp và chia sẻ lợi ích giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ở các khâu sản xuất - thu gom - chế biến - phân phối sản phẩm. Đồng thời, hình thành các mô hình điểm về kinh tế hợp tác, để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định, từ đó góp phần vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Việc liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm đang từng bước nâng cao giá trị thu nhập cho người dân, đồng thời áp dụng kỹ thuật canh tác theo quy trình tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng và đặc biệt yên tâm về đầu mối tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài việc thúc đẩy các hoạt động liên kết nội tiêu trong tỉnh, Lào Cai đã liên kết, hợp tác với các tỉnh thành phố, để kết nối đưa các sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện đã hình thành các mối liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn giữa các doanh nghiệp của Lào Cai với các doanh nghiệp tại Hà Nội, Hải Phòng, Yên Bái, Quảng Ninh… và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Trung Đông…

Trong chuỗi cung ứng này, các HTX vùng DTTS đang là cầu nối, trung gian và đang ngày càng trở thành các địa chỉ tin cậy không chỉ cho các thành viên mà còn là địa chỉ uy tín cho các thương hiệu nông lâm sản tại địa phương.

Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Lào Cai đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp và hộ nông dân để hình thành, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, góp phần đưa nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Để đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra những chuỗi liên kết hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao, tỉnh đã tập trung rà soát và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị trong nông nghiệp, tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa HTX, doanh nghiệp và người sản xuất trong mô hình liên kết.

Đặc biệt, tỉnh Lào Cai tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích các HTX, THT đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tích cực quảng bá, xúc tiến, giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đạt chất lượng tại địa phương đến với người tiêu dùng.

Thời gian tới, tỉnh Lào Cai xác định sẽ tập trung nguồn lực nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ; tạo chuyển biến căn bản về quy mô, hiệu quả, trình độ sản xuất; xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Đáng chú ý, vai trò của KTTT, HTX sẽ ngày càng được chú trọng, trở thành một “mắt xích” vững trong chuỗi liên kết, là một “đầu tàu” mạnh mẽ để kéo kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

Một trong những HTX điển hình về tạo lập chuỗi liên kết là HTX Tiên Phong Mường Vi (xã Mường Vi, huyện Bát Xát). Theo đó, HTX đã tổ chức liên kết với 26 hộ nông dân trên địa bàn xã chuyên sản xuất gạo lứt Séng cù theo hướng hữu cơ.

Để có nguồn nguyên liệu tốt, HTX chú trọng từ khâu canh tác đến tiêu thụ, nhằm xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ gạo lứt Séng cù.

HTX đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với hơn 70 hộ nông dân trong vùng, diện tích lúa hơn 65ha. Các hộ được HTX ứng trước tiền giống, hỗ trợ kỹ thuật, vật tư nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất, nông dân phải tuân thủ chặt chẽ việc trồng và chăm sóc nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sản phẩm gạo lứt Séng cù được HTX đưa ra thị trường lần đầu tiên vào cuối năm 2018. Do áp dụng công nghệ hiện đại và quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt theo hướng hữu cơ nên giá bán sản phẩm cao gần gấp đôi so với gạo lứt thông thường. Hiện nay, sản phẩm của HTX đã vào được các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị, kết hợp tăng cường quảng bá tại các hội chợ nông sản và ngày càng được người tiêu dùng đón nhận.

Có hợp đồng liên kết sản xuất với HTX, các hộ nông dân yên tâm hơn về đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, các hộ tham gia mô hình phải cam kết trong quá trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật đề ra từ khâu làm đất, gieo mạ, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại… theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật.

Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, để nâng tầm giá trị cho gạo Séng cù, HTX Tiên Phong Mường Vi còn cùng các hộ thành viên và hộ nông dân liên kết xây dựng thành công “Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Séng cù an toàn”. Đây là một bước tiến vượt bậc giúp sản phẩm gạo Séng cù Mường Vi có giá trị cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng và giá bán ổn định, xóa bỏ dần tình trạng “được mùa mất giá”.

Theo đánh giá, tham gia HTX, người dân được hướng dẫn, học hỏi những kỹ thuật mới, những kinh nghiệm hay về sản xuất theo hướng hàng hóa, an toàn, bền vững. Vì thế, không còn tư duy sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, hoặc mạnh ai nấy làm; sản phẩm làm ra cũng có giá trị gia tăng cao hơn, chất lượng đồng đều hơn và số lượng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu liên kết với doanh nghiệp thu mua, chế biến, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Một điển hình trong việc thay đổi tư duy sản xuất sang phát triển bền vững, “xanh hóa” là HTX Cộng đồng Mường Khương (xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương). HTX đã kết hợp sản xuất đi đôi với chế biến sâu đã giúp nâng cao giá trị trái quýt bản địa và hạn chế nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Theo đó, với mục tiêu hướng tới sản phẩm bền vững có nguồn gốc tự nhiên, an toàn và nâng cao sức khỏe cho người sử dụng, HTX chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu đạt chất lượng.

Quýt được trồng theo phương pháp VietGAP nên không có thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật hóa học hay các sản phẩm kích thích tăng trưởng.

HTX đã lựa chọn và liên kết đến các hộ gia đình và cùng thực hiện quản lý nghiêm ngặt vùng nguyên liệu. Các hộ thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn và đáp ứng đúng tiêu chuẩn VietGAP từ khâu trồng, chăm sóc cũng như thu hái và bảo quản, đảm bảo quy trình sản xuất hoàn toàn tự nhiên không dùng hóa chất bảo quản.

Trước đây, do chưa nắm vững quy trình sản xuất, hay lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và thuốc diệt cỏ nên các đồi cam, quýt ở xã Nậm Chảy thường xuyên xuất hiện các loại vỏ thuốc hóa học. Vì sử dụng thuốc diệt cỏ nhiều mà đất thường không có lớp cỏ bảo vệ nên bị rửa trôi chất dinh dưỡng, xói mòn.

Tuy nhiên đến nay, tình trạng này đã không còn, môi trường tự nhiên đã được cải thiện đi cùng với chất lượng quýt được nâng cao. Việc thu hái quýt cũng bảo đảm đúng thời điểm. Các hộ không hái khi trời mưa hay sáng sớm, chưa tan sương, không đựng quýt vào các vật bằng tre, nứa để tránh làm quả dập nát, thối mốc sau thu hoạch, gây ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín sản phẩm. Đây cũng là cách giúp HTX hạn chế lượng rác thải trong sản xuất.

Thông qua việc liên kết với các hộ dân trong huyện xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn an toàn, đồng thời xây dựng phương án sử dụng và quản lý chất thải theo một vòng tròn khép kín, đến nay, HTX Mường Khương đã tạo ra một quy trình sản xuất không chất thải. Sản phẩm làm ra bảo đảm 100% từ nguyên liệu tự nhiên, an toàn và thân thiện môi trường.

Ngoài sản xuất và chế biến quýt, HTX còn liên kết với nhân dân thu mua mận, xoài, gạo… về chế biến. Điều này không chỉ giúp hoạt động sản xuất kinh doanh được vận hành liên tục mà còn nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở tỉnh Lào Cai đang từng bước được nâng cao về chất lượng, đáp ứng các quy chuẩn và góp phần tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS, trong đó có người Dao.

Theo đó, Chương trình OCOP đã phát huy hiệu quả kinh tế tốt và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Sản phẩm OCOP khi phát triển sẽ là tiềm năng nền tảng, động lực vững chắc thực hiện liên kết người dân vùng đồng bào DTTS, HTX trong tiêu thụ sản phẩm. Đó là động lực cần thiết để phát triển kinh tế vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Lào Cai cũng đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để khai thác các tiểu vùng khí hậu trở thành lợi thế, khắc phục những hạn chế về tài nguyên đất đai. Do đó, Lào Cai nhanh chóng có được nhiều sản phẩm OCOP.

Đại diện Sở NN&PTNT cũng đánh giá, Chương trình OCOP đã góp phần thay đổi đáng kể cho ngành nông nghiệp hữu cơ về chất lượng cũng như vị thế sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế.

Trên nền tảng các sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai sẽ đầu tư quy hoạch các vùng trở thành quy mô lớn, chất lượng đồng đều, đáp ứng thị trường xuất khẩu, cũng như đẩy mạnh chế biến.

Cùng với đó, Chương trình OCOP cũng giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm của các địa phương trong tỉnh với mức tăng bình quân khoảng 17,6%/năm. Ngoài ra, Chương trình còn mang lại công ăn việc làm và thu nhập tốt hơn cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS và miền núi.

Lào Cai có rất nhiều sản phẩm đặc sản, sản xuất theo hướng hữu cơ, do đó tỉnh đang trong quá trình phát triển thêm nhiều cửa hàng bán nông sản sạch để người tiêu dùng trên cả nước và nước ngoài dễ dàng tiếp cận thông qua việc gắn kết với phát triển du lịch, đặc biệt là đối với các sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách và kinh phí hợp lý để hỗ trợ các HTX, THT, làng nghề, cá nhân phát triển sản xuất, như: xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì, mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, hỗ trợ đánh giá sản phẩm…

Một điển hình trong Chương trình OCOP tỉnh Lào Cai là sản phẩm Chè Bản Liền. Đây là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên tìm được chỗ đứng ở Mỹ và châu Âu - những thị trường khó tính nhất về chất lượng.

Ra đời từ năm 2004, HTX chè Bản Liền, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà là đơn vị bao tiêu chè cho 100% người DTTS trồng chè trên địa bàn, trong đó có đồng bào người Dao. Ở đây chè được trồng hoàn toàn tự nhiên nên trung bình mỗi tháng người dân chỉ thu hái 1 lần đảm bảo 25 tiêu chuẩn chè hữu cơ quốc tế.

Nhờ đó, sản phẩm Chè Bản Liền là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Lào Cai đã đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn ngặt nghèo của châu Âu và Mỹ.

Lãnh đạo HTX chè Bản Liền thông tin: Sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Người dân phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt như không được sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vô cơ, hóa học, nguồn nước, không khí phải đảm bảo, không bị ô nhiễm… Mỗi năm, tổ chức nước ngoài sẽ thực hiện đánh giá lại vùng chè một lần. Do đó, sản phẩm xuất khẩu được kiểm tra thường xuyên với chi phí rất cao.

Những năm gần đây, tại vùng cao Lào Cai xuất hiện ngày càng nhiều phụ nữ là người DTTS đứng ra lãnh đạo HTX. Với sự quyết tâm, sáng tạo, những người phụ nữ này đã tỏ rõ bản lĩnh, sự tự tin để vươn lên làm giàu chính đáng và khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong xã hội.

Nhận thức rõ tầm quan trọng từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ đã khuyến khích, vận động hội viên phụ nữ xây dựng các mô hình HTX sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, xanh và bền vững.

Theo thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lào Cai, hiện toàn tỉnh có 14 chị em là người DTTS đang quản lý các HTX. Lĩnh vực chủ yếu được chị em lựa chọn là sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm sản đặc sản địa phương.

Đây cũng đang là hướng đi bền vững mà tỉnh Lào Cai đã xây dựng thông qua chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, sự kiên trì và cũng đầy nhạy bén của phụ nữ, các chị đã thành công với nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, mang lại thu nhập khá và tạo việc làm cho đồng bào DTTS địa phương.

Hằng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lào Cai đều tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, tập huấn về khởi sự kinh doanh hay khởi nghiệp, chị em đã thay đổi rõ rệt về nhận thức, mạnh dạn hơn trong việc đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Qua đó, thu nhập đã dần ổn định và đời sống chị em từng bước vươn lên.

Theo đánh giá của Hội, các nữ giám đốc đã và đang đưa các HTX của mình phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đặc biệt, các HTX trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã góp phần tạo nên vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa theo hướng hữu cơ, đưa các sản phẩm vươn xa, nhất là các sản phẩm OCOP.

Một điển hình về phụ nữ dân tộc Dao khởi nghiệp từ HTX là chị Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc HTX cộng đồng Dao đỏ tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa. Từ khi thành lập HTX đến nay, chị đã không ngừng học tập, nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản và tạo việc làm, tăng thu nhập cho 100% thành viên là bà con người Dao.

Với phương châm phát triển bền vững và ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, HTX Cộng đồng Dao đỏ đã chú trọng mở rộng vùng nguyên liệu bằng cách trồng mới, khoanh vùng đang có và liên kết với các hộ gia đình vệ tinh.

Cách làm này tạo ra vùng nguyên liệu gần 18 ha. Ngoài ra, HTX đã ký hợp đồng liên kết với Vườn Quốc gia Hoàng Liên về việc khai thác cây thảo dược tự nhiên với diện tích hơn 11.000 ha rừng, có tổng số 2.039 hộ dân sinh sống là DTTS.

Từ khi phát triển thành vùng trồng dược liệu Atiso, HTX Cộng đồng Dao đỏ đã hướng dẫn bà con trồng có kiểm soát, theo tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế thế giới để mang lại nguồn nguyên liệu sạch, an toàn và bền vững. Cao mềm Atiso là sản phẩm chủ lực của HTX. Hiện nay, ngoài cung ứng ra thị trường bán lẻ, toàn bộ sản phẩm được doanh nghiệp đặt hàng sản xuất.

Minh Lan
 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu