Chia sẻ về hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội với phát triển KT-XH của đồng bào DTTS và vùng đồng bào DTTS và miền núi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Đồng bào các DTTS ở nước ta chiếm 14,7% dân số cả nước, sinh sống tại hơn 3.400 xã của 52 tỉnh, thành phố. Do nhiều nguyên nhân, KT-XH vùng DTTS và miền núi còn chậm phát triển, đời sống của đồng bào các DTTS hiện nay còn nhiều khó khăn.
Vốn ngân hàng làm “bệ đỡ” cho HTX
Theo ông Hầu A Lềnh, từ khi thành lập đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã triển khai nhiều chính sách tín dụng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong phạm vi cả nước, trong đó có vùng DTTS và miền núi. Qua đó đã góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của đồng bào các DTTS như: giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ..., giúp đồng bào từng bước ổn định và cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhiều hộ dân tại Ninh Thuận vay vốn NHCSXH mở rộng diện tích trồng nho, mang lại giá trị kinh tế cao |
Việc chuyển dần từ chính sách hỗ trợ “cho không” sang cho vay ưu đãi bước đầu đã khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước; phát huy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào DTTS trong xóa đói, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Thôn Tân Quang - xã Sông Phan (Hàm Tân, Bình Thuận) là thôn đồng bào dân tộc thiểu số nghèo của xã, sau khi thành lập huyện Hàm Tân. Đời sống bà con lúc đó, dựa vào nông nghiệp là chính, tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Nhưng giờ đây, chính sự cần mẫn và nhờ đồng vốn chính sách đã giúp cuộc sống người dân ở đây khấm khá hơn.
Hộ chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng (xã Sông Phan) là một trong nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ đồng vốn chính sách.
“Tháng 4/2022, HTX thanh long Phúc Vinh được thành lập, cùng với 22 thành viên khác, chúng tôi được NHCSXH hỗ trợ cho vay 50 triệu để đầu tư trồng thanh long. Những lứa thanh long thu hoạch đã giúp tôi có tiền để trang trải cuộc sống, sửa sang nhà cửa, nuôi con ăn học”, chị Phượng nói.
Cũng nhờ vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều phụ nữ nghèo và đối tượng chính sách ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) đã mạnh dạn đi đầu cùng nhau liên kết sản xuất hình thành HTX Tuấn Tú.
Với mức vốn góp 3 triệu đồng/thành viên, từ 13 thành viên ban đầu, đến nay HTX đã phát triển lên 63 thành viên và tất cả đều là khách hàng vay vốn của NHCSXH. Cùng nhau liên kết sản xuất, họ đã chuyển đổi 20ha rau xanh sang trồng măng tây công nghệ cao, cho năng suất cao gấp 1,5 lần so với hình thức canh tác truyền thống trước đây.
Chị Châu Thị Ân, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cũng là người vay và thành viên của HTX nhớ lại, trước đây chị phải mất gần chục năm từ 2008 đến cuối 2016 để vay vốn chăn nuôi thoát nghèo. Song chỉ với việc chuyển đổi trồng măng tây từ năm 2017, 3 sào măng tây cho một năm 8 tháng thu hoạch với lãi ròng bình quân 1 triệu đồng/ngày, đời sống gia đình chị đã cải thiện nhanh chóng chỉ trong 2 năm trở lại đây. Nhờ măng tây mà riêng năm 2018, toàn thôn có 20 hộ thoát nghèo. Đến nay cả thôn không còn hộ nghèo.
Có thể thấy, dù số lượng HTX tiếp cận được vốn ngân hàng còn rất hạn chế, song nguồn tín dụng này đã sớm len lỏi vào nhiều HTX từ khi còn trong quá trình thai nghén, để rồi nuôi lớn và hình thành hàng trăm mô hình hoạt động hiệu quả.
Tạo điều kiện cho các THT, HTX được vay vốn lãi suất ưu đãi
Hiện nay, nguồn lực ngân sách cho phát triển HTX được lồng ghép trong nguồn kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, hoặc kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo nhờ vay vốn từ NHCSXH. |
Trong bối cảnh đó, nếu không có những nguồn vốn kịp thời từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, NHCSXH và Quỹ tín dụng nhân dân chắc chắn tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả khó có thể đạt tới con số 57% như thống kê của Liên minh HTX.
Tuy nhiên, ông Hoàng Xuân Lương, Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, ở vùng DTTS, vẫn còn vướng mắc gây khó khăn cho công tác giảm nghèo. Điển hình là việc lồng ghép vốn. Hiện nay nước ta có 3 chương trình mục tiêu quốc gia và 21 chương trình có mục tiêu ở các bộ, ngành đang quản lý; ngoài ra còn có các tổ chức chính trị, xã hội, nhân đạo tài trợ… Nguồn lực về các địa phương tương đối tốt nhưng đặc điểm khó nhất là chúng ta không được lồng ghép vốn.
Vì mỗi chương trình đều có một đối tượng, mục tiêu riêng, thanh quyết toán riêng. Vì vậy, việc lồng ghép này vẫn là khâu khó tháo gỡ. Ví dụ, một công trình nước tại một huyện có 6 nguồn vốn. Nếu huyện muốn lồng ghép 6 nguồn vốn đó vào thành một công trình để thực hiện thì cũng không được.
Trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có chỉ đạo, nên cho phép các địa phương làm thí điểm lồng ghép tất cả các nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình có mục tiêu. Và Hà Nội là một trong những địa bàn được thí điểm. Nếu thí điểm thành công sẽ nhân rộng ra toàn quốc. Đây là khâu để tháo gỡ khó khăn về lồng ghép nguồn vốn.
Ông Lương cho biết thêm, ngoài NHCSXH, trong thời điểm hiện nay, nguồn tiền trong hệ thống ngân hàng khá tốt, vì thế nên chỉ đạo cho một số ngân hàng khác tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX nhất là các mô hình kinh tế tập thể vùng đồng bào DTTS được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi.
Cần nguồn lực riêng hỗ trợ cho kinh tế tập thể
Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: "Tôi có dịp đi khảo sát ở vùng Tây Bắc cùng các đoàn của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đến thăm quan các mô hình về trồng cây, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hay các mô hình du lịch cộng đồng… Khi đến Hà Giang, tôi đặc biệt ấn tượng về mô hình quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển. Tại các thôn bản, hội phụ nữ đã xây dựng nên các tổ tín dụng tiết kiệm vay vốn".
Đây là mô hình do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ký kết với NHCSXH làm uỷ thác cho phụ nữ nghèo vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống được Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Giang triển khai đến các hội phụ nữ địa phương. Theo đó, tổ tín dụng này sẽ chủ động khai thác nguồn vốn từ NHCSXH để hỗ trợ các hội viên phụ nữ vay vốn. Nguồn vốn này giúp chị em phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Và trong đợt tổng kết về hoạt động này thì mô hình tổ tín dụng tiết kiệm hỗ trợ các hội viên phụ nữ vay vốn được đánh giá đem lại hiệu quả rất thiết thực.
Theo bà Chu Thị Vinh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ở khu vực kinh tế tập thể hiện nay chưa có nguồn lực riêng hỗ trợ cho HTX nhưng hiện nay đang được lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia. Thực tế, khi lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia, ở các địa phương đã chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn lực đó cho các HTX.
Tuy nhiên cũng có bất cập liên quan đến việc sử dụng nguồn lực nào, sẽ phải thực hiện theo cơ chế của nguồn lực đó. Vì vậy khi áp vào cơ chế của nguồn lực, ví dụ như giảm nghèo hay nông thôn mới, chúng tôi phải theo cơ chế của chương trình này nhưng hợp tác xã chưa đáp ứng được các tiêu chí nên khó khăn trong quá trình thực hiện.
"Vừa qua, Quốc hội đã giao cho Chính phủ xây dựng Nghị quyết về hỗ trợ tổng thể cho HTX. Tôi hi vọng, với cơ quan tham mưu cho xây dựng các cơ chế chính sách này, chúng tôi sẽ xây dựng được chương trình tổng thể, tham mưu để trình Quốc hội ban hành chương trình, Nghị quyết về chương trình tổng thể hỗ trợ HTX thuận lợi hơn, gắn với nông thôn mới, giảm nghèo", bà Vinh cho hay.
Hoàng Hà