Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP. Hà Nội, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đã phát huy được vai trò là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế, kích thích người nghèo, thiếu vốn sản xuất kinh doanh và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại Thủ đô.
Con số ấn tượng
Điển hình, tại quận Long Biên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội quận Nguyễn Thanh Lâm cho biết, trong 20 năm qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn quận không ngừng tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm trên 20%.
Các chương trình tín dụng giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô |
Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách quận đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của chính quyền trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng chính sách quận đã giải ngân cho trên 38.400 lượt hộ gia đình được vay vốn dụng chính sách, trong đó có trên 9.990 lượt hộ nghèo, trên 8.100 lượt hộ cận nghèo, gần 4.800 lượt hộ mới thoát nghèo, 378 lượt học sinh sinh viên, trên 15.000 lượt lao động được vay vốn giải quyết việc làm..
Tín dụng chính sách cũng đã góp phần giảm trên 700 hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng thời hỗ trợ, mở rộng việc làm cho trên 38.400 lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân, ổn định và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn quận.
Tương tự, tại huyện Đan Phượng, trong 20 năm qua, nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp hơn 31.000 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững; hộ trợ, tạo việc làm và duy trì việc làm cho hơn 15.000 lao động. Đồng thời, giúp 4.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ 396 hộ nghèo làm nhà ở.
Như gia đình chị Đỗ Thị Mai Hương, 38 tuổi ở xã Song Phượng vốn là gia đình thuần nông, quanh năm làm ruộng và chăn nuôi lợn nái, gà. Tuy nhiên, sau thời điểm COVID-19 thì ai cũng khó khăn nên chuyện vay mượn bà con họ hàng để mở rộng sản xuất là điều không khả thi. Không có vốn, với quy mô chăn nuôi hiện tại khó có thể đảm bảo thu nhập và trang trải trong gia đình. Thế nên, được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh đúng thời điểm giúp chị đầu tư thêm một cặp bò nái, bò giống vừa đa dạng hóa mô hình chăn nuôi, ổn định cuộc sống trong tương lai.
Tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình
Theo công bố tại Hội nghị sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022 mới đây, trong 6 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP. Hà Nội đã giải ngân cho hơn 79.000 lượt khách hàng vay vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở một số chương trình tín dụng như cho vay giải quyết việc làm gần 57.200 lượt khách hàng, góp phần thu hút trên 62.900 lao động; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn gần 21.000 lượt hộ, hỗ trợ cải tạo và xây mới trên 42.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh; cho vay 105 lượt người sử dụng lao động để trả lương phục hồi sản xuất cho 38.905 lượt lao động.
Cùng với đó, doanh số thu nợ đạt 2.696 tỷ đồng, bằng 73% doanh số cho vay. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến ngày 30/6/2022 đạt 12.773 tỷ đồng, với gần 255.000 khách hàng đang vay vốn, tăng 986 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 8,4%.
Đối với kết quả triển khai cho vay Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đến ngày 30/6/2022, dư nợ cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP. Hà Nội đạt 110.314 triệu đồng với 1.935 khách hàng vay vốn. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2022, Chi nhánh đã giải ngân cho 105 người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 38.905 người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ số tiền 162 tỷ đồng.
Theo bà Lê Thị Đức Hạnh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội kiêm Giám đốc Chi nhánh TP. Hà Nội, các chương trình tín dụng chính sách giải ngân qua Ngân hàng đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, thực sự là công cụ, giải pháp đắc lực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tín dụng đen và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.
Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị, phát huy kết quả đạt được, những tháng cuối năm 2022, Chi nhánh TP. Hà Nội tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành cơ quan liên quan tham mưu Thành ủy, UBND TP. Hà Nội tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách trên địa bàn Hà Nội.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, hoạt động tín dụng chính sách xã hội cũng phải được quan tâm hơn nữa để triển khai phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng ngày các tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Chính phủ và TP. Hà Nội trong từng thời kỳ.
Huyền Anh