Tại hội thảo "Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội", được tổ chức ngày 16/8, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá, tín dụng chính sách và tín dụng thương mại là hai kênh tài chính song hành trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần vừa thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển xã hội. Nổi bật nhất là đưa tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam từ mức gần 60% trong những năm 1990 xuống còn 4,3% năm 2022 (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Các chuyên gia đánh giá, tín dụng chính sách góp phần giúp nông dân thoát nghèo, đẩy lùi nạn “tín dụng đen” ở nhiều địa phương. |
Theo Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), ông Dương Quyết Thắng, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31/7/2023 đạt trên 305.000 tỷ đồng, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 10%.
Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 109.000 tỷ đồng, chiếm 35,7%/tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo gần 30.000 tỷ đồng, chiếm 9,8%/tổng dư nợ, với gần 540.000 khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số trên 75.000 tỷ đồng, chiếm 24,7%/tổng dư nợ với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Từ góc độ là nhiệm vụ của cơ quan tham mưu, ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra một yếu tố quan trọng giúp tín dụng chính sách xã hội phát huy hiệu quả mạnh mẽ trong những năm qua, đó là các địa phương cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương uỷ thác sang NHCSXH.
Cụ thể, đến 31/7/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 325 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 190 nghìn tỷ đồng (gấp 2,4 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,4%. Trong đó, ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đến nay đạt gần 35 nghìn tỷ đồng, tăng 30.863 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá, thông qua chính sách tín dụng giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, từng bước làm thay đổi tư duy nhận thức. Hiện nay 20% chính sách có hiệu lực đang áp dụng trên địa bàn dân tộc, tác động bao trùm lên toàn bộ đời sống bà con dân tộc thiểu số.
Đáng chú ý, cơ cấu nguồn vốn ngày càng tăng và có xu hướng chuyển từ chính sách cho không sang cho vay. Đồng thời, đối tượng và lĩnh vực cho vay của hệ thống tín dụng chính sách ngày càng mở rộng. “Trước đây đối tượng cho vay là người nghèo, xã nghèo, thôn nghèo thì nay đã mở rộng sang hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh”, Bộ trưởng cho hay.
Ông Hầu A Lềnh cho biết thêm, nhờ nguồn vốn chính sách, trong những năm qua các vùng đồng bào khó khăn nhất đã được giải quyết tỷ lệ hộ nghèo đạt mục tiêu đặt gia. Đồng thời xuất hiện các mô hình sản xuất ngày càng phong phú đa dạng nhiều ngành nghề, lĩnh vực, góp phần giải quyết việc làm cho các tổ hợp tác, HTX và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thanh Hoa