Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Tú cho biết, Định Hóa là huyện ATK (an toàn khu) có 22 xã và 1 thị trấn, 228 thôn, bản. Toàn huyện có trên 26.000 hộ với số nhân khẩu trên 89.000 người, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 74% tổng dân số toàn huyện, trong đó đồng bào dân tộc Tày chiếm 58%.
Hỗ trợ tư liệu sản xuất
Là huyện miền núi, nên hầu hết người Tày ở Định Hóa đều sinh sống trên địa bàn các xã có điều kiện kinh tế khó khăn như xã 135, xã khu vực III. Do thiếu nhà ở, đất ở, đất phát triển sản xuất, vốn, cây trồng, vật nuôi nên đồng bào dân tộc Tày ở Định Hóa khó có thể bứt phá trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Để giải quyết vấn đề này, huyện Định Hóa đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người Tày phát triển sản xuất dựa vào thế mạnh của địa phương.
Do không có đất sản xuất, hoàn cảnh kinh tế của gia đình anh Hoàng Văn Hà, dân tộc Tày, thôn Nà Trú, xã Linh Thông hết sức khó khăn. Tuy nhiên, nhờ địa phương tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội kết hợp với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, gia đình anh Hà đã vượt qua được khó khăn và hiện là một trong những hộ có kinh tế khá giả của thôn.
Anh Hà cho biết, nhờ có đất, có vốn, gia đình anh đã đầu tư chăn nuôi lợn, gà. Anh còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, nên việc chăn nuôi thuận lợi. Hiện nay, gia đình đã gây dựng thành công mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp với quy mô 150 con lợn thịt, 2.000 con gà, vịt/lứa và 1,3ha mặt nước nuôi cá…, mỗi năm thu lãi 280-350 triệu đồng.
Linh Thông vốn là xã vùng sâu vùng xa, không thuận lợi về giao thông, lại thiếu nhiều tư liệu sản xuất, trong khi đồng bào dân tộc Tày chiếm 72% dân số.
![]() |
Người dân tận dụng các sản phẩm nông nghiệp phục vụ chăn nuôi. |
Để giúp đồng bào dân tộc Tày nâng cao đời sống, UBND xã tích cực tạo điều kiện cho người dân được vay vốn sản xuất, thực hiện hoàn thiện hệ thống thủy lợi, phát triển chăn nuôi. Có những năm, 150 hộ gia đình dân tộc Tày của xã là hộ nghèo được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền hàng tỷ đồng. Có gia đình được hỗ trợ làm nhà theo Quyết định 167, tham gia các lớp tập huấn về nông nghiệp… Nhờ đó, cuộc sống của từng hộ được cải thiện, góp phần duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã trung bình từ 4 - 5%/năm.
Hiệu quả từ chính sách thiết thực
Không chỉ xã Linh Thông, cuộc sống của người Tày ở xã Quy Kỳ cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Với 100% hộ dân tộc Tày trên địa bàn sống dựa vào nông nghiệp, xã Quy Kỳ đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Thay vì phụ thuộc vào cây lúa và hoa màu, xã đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, gắn sản xuất với các cơ sở chế biến sản phẩm. Chính vì vậy mà diện tích tre, nứa, quế, keo của xã tăng mỗi năm; các hộ dân tộc Tày cũng mạnh dạn đầu tư máy móc chế biến lâm sản.
Chị Đàm Thị Hà, dân tộc Tày ở xã Quy Kỳ cho biết, gia đình chị đã tham gia dự án trồng quế từ năm 2016 với nhiều ưu đãi, hỗ trợ của địa phương. Chỉ sau hơn 3 năm, gia đình đã có nguồn thu nhờ việc tỉa bán cành và lá. Theo tính toán, sau 15 năm trồng và chăm sóc tốt, mỗi 1ha quế khi khai thác toàn bộ có thể cho thu nhập 500 triệu đồng, cao hơn nhiều lần các cây lâm nghiệp khác.
![]() |
Nghề làm nón của người Tày ở Định Hóa đang bước đầu phát triển theo hướng hàng hóa. |
Không chỉ phát triển lâm nghiệp, xã Quy Kỳ đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống của người Tày, đến nay đã thành lập được Tổ hợp tác nón lá người Tày. Nón được làm từ tre, nứa và bên ngoài phủ bằng lá cọ. Nghề làm nón giúp các hộ gia đình có thêm nguồn thu từ 2-3 triệu đồng/tháng, đồng thời tận dụng và phát triển được thế mạnh kinh tế đồi rừng.
Từ thực tế của các địa phương có thể thấy, huyện Định Hóa rất quan tâm thực hiện chính sách dân tộc, trong đó có hỗ trợ đồng bào dân tộc Tày.
Một trong những chính sách mà người Tày được thụ hưởng là “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi” (Chương trình 135).
Đến nay, Chương trình 135 đã mang đến sự đổi thay tích cực cho cuộc sống của người Tày ở các xã, xóm đặc biệt khó khăn của huyện, bởi có những cơ chế đặc thù, đơn giản, phù hợp với trình độ quản lý và tổ chức thực hiện của các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, người dân được hỗ trợ xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện đến khi có được kết quả, nên tính lan tỏa cao.
Cuộc sống của đồng bào dân tộc Tày ổn định cũng tạo điều kiện để huyện Định Hóa xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện đã có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu đến cuối năm 2021 có thêm 1 xã đạt chuẩn.
Bài 2: Khởi nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao
Tùng Lâm