Ông Lâm Ngôn, người dân tộc Khmer ở tổ 2, ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh cho biết, thời gian qua đã vận động 60 người là dân tộc Khmer trên địa bàn đến để học nghề truyền thống đan lát. Từ đó, thành lập làng nghề để vừa tăng thêm thu nhập vừa giảm nghèo cho bà con.
Phục hồi nghề đan lát
“Chính quyền địa phương rất quan tâm, động viên tôi trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, phát huy nghề đan lát truyền thống để nghề không bị mai một và tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc Khmer trong xã”, ông Lâm Ngôn nói.
Phục hồi nghề đan lát giúp nhiều bà con Khmer xã Lộc Khánh thoát nghèo. |
Trước đây, tỷ lệ người Khmer xã Lộc Khánh thuộc diện hộ nghèo khá cao khi chỉ sống phụ thuộc vào ruộng rẫy mà quên nghề truyền thống đan lát. Tuy nhiên, mấy năm qua, mọi chuyện đã thay đổi khi nghề đan lát được chính quyền địa phương phục hồi.
Theo ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh, nếu như đầu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số của xã chiếm 10,5% thì đến nay còn dưới 5%.
Ông Vinh cho rằng, đó là nhờ vào việc vừa dạy nghề vừa tạo việc làm để xóa đói giảm nghèo, là một trong những nhiệm vụ mà xã rất quan tâm. Đan lát là nghề truyền thống của bà con Khmer trong xã, được sự quan tâm của các cấp dạy nghề, nên đang từng bước được phục hồi.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại xã Lộc Khánh, Cục Văn hóa dân tộc (Bộ Thông tin và Truyền thông) hồi cuối năm 2020 cũng đã phối hợp với UBND huyện Lộc Ninh tổ chức lớp truyền dạy và thực hành mô hình đan lát truyền thống của người Khmer trên địa bàn xã.
Lớp truyền dạy nghề này nhằm nâng cao giá trị truyền thống, góp phần hình thành tổ, hội làng nghề thủ công để nâng cao thu nhập cho người đồng bào dân tộc thiểu số.
Các buổi truyền dạy và thực hành nghề đan lát truyền thống góp phần phục hồi nhiều nét văn hóa - tập tục sản xuất và sinh hoạt độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer trong xã.
Qua đó giúp người dân sản xuất ra những mặt hàng thiết yếu, chất lượng đang được thị trường ưa chuộng và góp phần giúp đồng bào Khmer có thêm công việc ổn định, tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.
Là địa phương có hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh việc làm “sống dậy” nghề truyền thống, xã Lộc Khánh còn phát triển các tổ hợp tác, HTX để liên doanh, liên kết thành chuỗi, xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm địa phương.
Đứng vững nghề dệt thổ cẩm
Hiện nay, toàn xã Lộc Khánh có 2 tổ hợp tác, 1 HTX nông nghiệp chất lượng cao Lộc Khánh và 1 HTX đang làm hồ sơ, là điểm tựa cho đồng bào thiểu số nâng cao đời sống, phát huy các nghề truyền thống.
Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng ở huyện Lộc Ninh được bảo tồn và lưu giữ khá tốt. |
Không chỉ ở xã Lộc Khánh, với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, việc phục hồi, giữ gìn nghề truyền thống nhằm tạo thu nhập ổn định và giảm nghèo cho đồng bào thiểu số đang được chính quyền huyện đặc biệt coi trọng.
Như nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào S’tiêng ở xã Lộc Quang vốn tồn tại từ rất lâu đời. Việc truyền nghề dệt thổ cẩm không những đem lại thu nhập, giảm nghèo cho nhiều đồng bào trong xã mà còn tạo nên bản sắc riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng ở huyện Lộc Ninh, nghề dệt thổ cẩm được bảo tồn và lưu giữ khá tốt. Trải qua bao thế hệ cũng như chịu không ít tác động của nền kinh tế thị trường, nghề này vẫn đứng vững.
Đối với đồng bào dân tộc S’tiêng ở Lộc Ninh, dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của phụ nữ. Các thiếu nữ S’tiêng tuổi từ 13 - 15 được bà, mẹ, cô, dì trong gia đình truyền lại nghề dệt thổ cẩm.
Ngoài các dân tộc tại chỗ như: S’tiêng, Mnông, Khmer, còn có một số dân tộc khác như: Tày, Nùng, Mường, Thái... khi di cư đến Lộc Ninh cũng mang theo nghề dệt thổ cẩm với những nét độc đáo riêng.
Nhiều ý kiến cho rằng, với nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lộc Ninh, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các điểm đến du lịch về nguồn để thu hút lượng lớn du khách thập phương.
Đặc biệt, nhằm tăng sức hấp dẫn du khách, việc đưa các sản phẩm truyền thống của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số vào phục vụ du lịch là rất cần thiết.
Thanh Loan
Bài cuối: Vươn lên cùng kinh tế hợp tác