Ở xã Lộc Hiệp hiện có 2 HTX, 3 câu lạc bộ tiêu sạch, 1 tổ hợp tác chăn nuôi lợn sạch, và 1 tổ hợp tác trồng ổi, với tổng cộng 100 thành viên, trong đó nhiều thành viên là đồng bào dân tộc Thái, Khmer, S'tiêng...
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Các tổ hợp tác, HTX, điển hình nhất có thể kể đến HTX chăn nuôi dê Lộc Hiệp, đã thể hiện tốt vai trò là cầu nối trong tiếp thu, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Lộc Ninh được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi khi tham gia tổ hợp tác, HTX. |
Qua các mô hình kinh tế hợp tác này đã giúp tăng thu nhập cho các thành viên, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần thực hiện đề án cơ cấu ngành nghề nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Lộc Hiệp.
Còn ở xã Lộc Khánh, với hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay có 1 tổ hợp tác và 1 HTX nông nghiệp chất lượng cao Lộc Khánh. Việc hình thành các mô hình tập trung, liên kết chuỗi, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đang được xã đẩy mạnh.
Chị Trương Thị Đèm, dân tộc Nùng, ở tổ 6, ấp Đồi Đá cho biết, tham gia Tổ hợp tác trồng cây sầu riêng giúp chị học hỏi được nhiều kinh nghiệm bổ ích về chăm sóc cây sầu riêng, cũng như liên kết với nhau để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trái sầu riêng Lộc Khánh đạt hiệu quả tốt nhất.
Tổ hợp tác cây sầu riêng xã Lộc Khánh hiện quy tụ những người sản xuất chuyên canh và xen canh cây sầu riêng trên địa bàn xã. Tham gia Tổ hợp tác, các thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số đã được hướng dẫn, giúp đỡ nhau về vốn, kỹ thuật sản xuất, trồng trọt đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, các thành viên nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước cải thiện đời sống vật chất cho các hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ngoài ra, theo Chủ tịch UBND xã Trần Quang Vinh, là một trong trong những xã tập trung khá đông đồng bào Khmer nên thời gian gần đây, Lộc Khánh đã phối hợp tổ chức lớp nghề đan lát thủ công cho bà con Khmer và hướng tới thành lập tổ hợp tác mây tre đan, trong đó có đan gùi truyền thống, đan chiếu cây lùng…
Tính đến nay, trên địa bàn toàn huyện Lộc Ninh đã có hơn 30 HTX và gần 30 tổ hợp tác nông nghiệp đang hoạt động phát triển sản xuất. Hoạt động hiệu quả của các mô hình kinh tế hợp tác nông nghiệp kiểu mới này đã góp phần tích cực vào việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện. Đặc biệt là giúp cho họ nâng cao giá trị sản xuất, đẩy mạnh liên kết, cũng như được đảm bảo đầu ra ổn định, tiến tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Hướng đến nâng "chất" sản phẩm
Nhiều ý kiến cho rằng, trong việc phát triển kinh tế hợp tác ở các xã trên địa bàn huyện Lộc Ninh rất cần thêm những hoạt động hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, hiểu rõ được quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia HTX, tổ hợp tác.
Giữ gìn bản sắc văn hoá và thay đổi nếp nghĩ, cách làm khi tham gia kinh tế hợp tác đã giúp nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lộc Ninh. |
Nhằm tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác và hộ nông dân, đồng bào thiểu số quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông sản thế mạnh, UBND huyện Lộc Ninh đã phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Bình Phước tổ chức chương trình đào tạo khởi nghiệp và hướng dẫn cho việc phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp.
Mục tiêu trong 5 năm tới của huyện Lộc Ninh là đưa tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Để làm được điều đó, vai trò của phát triển kinh tế hợp tác, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, cải tạo giống cây trồng, vật nuôi đang cho năng suất thấp, chất lượng kém, cũng như những thay đổi trong tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện là rất quan trọng.
Đặc biệt, huyện Lộc Ninh đang đẩy mạnh quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn trái bền vững, cung cấp cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu lớn trong khu vực. Huyện cũng chú trọng phát triển nhanh diện tích hồ tiêu tham gia dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” để xây dựng thành công vùng nguyên liệu đạt chuẩn Organic.
Ngoài ra, huyện còn quy hoạch phát triển vùng chăn nuôi bò, gà, dê, heo an toàn sinh học. Mỗi xã, thị trấn phát triển một sản phẩm nông nghiệp được đăng ký thương hiệu, tập trung vào các sản phẩm chủ lực sẵn có để xây dựng và phát triển thành sản phẩm OCOP như: Các sản phẩm từ tiêu xanh; gạo kiến vàng, gạo Katanot, chiếu Lùng ở Lộc Khánh; hạt điều Hoàng Phú, hoa khô Lộc Thịnh…
Tin rằng, với việc thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, tạo điều kiện hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia và vươn lên cùng các HTX, tổ hợp tác, cũng như quyết tâm nâng chất sản phẩm nông nghiệp..., việc giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Lộc Ninh sẽ tiếp tục gặt hái những kết quả tích cực.
Thanh Loan