Với đặc điểm khí hậu vừa mang tính chất cao nguyên nhiệt đới ẩm, vừa chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây - Nam khô nóng, được phân thành 2 mùa rõ rệt và quy mô diện tích đất đỏ Bazan lớn khoảng 298.365,4 ha nên Đắk Lắk được xem là một trong những tỉnh có rất nhiều lợi thế trong hoạt động sản xuất - kinh doanh cà phê. Đây cũng được xem là "cây thoát nghèo" cho nhiều gia đình DTTS trên địa bàn trong những năm qua.
Khấm khá nhờ... cà phê
Nằm giữa thung lũng sâu, bao quanh là đồi núi bạt ngàn, những ngôi nhà sàn truyền thống khang trang đỏ tươi màu mái ngói của người Nùng An (dân tộc Nùng), làng Quảng Hòa, thôn Tam Điền, xã Ea Tam, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) sáng cả góc trời. Đây là minh chứng cho cuộc sống ấm no, sung túc của người dân nơi đây nhờ cây cà phê.
Trong ngôi nhà sàn rộng rãi khang trang, ông Nông Văn Minh, cho hay gia đình mình có 2ha cà phê, thu nhập khoảng 250 triệu đồng mỗi năm. "Ở đây khí hậu thổ nhưỡng rất tốt, hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị. Hơn nữa, Đảng và Nhà nước cũng như chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện, người dân chỉ cần chăm chỉ làm ăn thì ắt sẽ giàu. Bây giờ gia đình nào cũng đầy đủ tiện nghi chẳng kém gì dân thành phố", ông Minh chia sẻ.
![]() |
Hỗ trợ xây dựng ít nhất 2 hợp tác xã sản xuất cà phê bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. |
Nhờ những chính sách ban hành và được thực thi hiệu quả, hiện nay ở Đắk Lắk, những hộ gia đình khấm khá như gia đình ông Minh không phải là hiếm.
Trước đây, gia đình anh Y Dịu Kbuôr, xã Hòa Đông (Krông Pắc, Đắk Lắk) rất khó khăn, giá cả cà phê bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái. Song nhờ tham gia vào chương trình tái canh vườn cà phê, hiện gia đình anh có được 1 ha cà phê đạt chứng nhận quốc tế, đầu ra ổn định, giá thu mua cao hơn so với cà phê không có chứng chỉ. Dự định của gia đình trong thời gian tới là tiếp tục mở rộng diện tích cà phê đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Ngoài việc tham gia chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận, nông dân ở nhiều địa phương của Đắk Lắk đã được hỗ trợ chú trọng khâu sơ chế sau thu hoạch. Thu hái chín, phơi, sấy, bảo quản đúng kỹ thuật, với lượng cà phê quả chín đạt trên 90%. Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Đắk Lắk có 50% diện tích cà phê có chứng nhận quốc tế, với sản lượng trên 200.000 tấn, giá xuất khẩu cà phê đạt chứng nhận quốc tế cao hơn thị trường từ 30-60 USD/tấn.
Bà H'Rưng Buôn Krông, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, chia sẻ trước đây do không biết kỹ thuật nên gia đình bà hái trái xanh nhiều nhưng giờ đã biết cách chờ đến khi trái cà phê chín hẳn mới hái, tỷ lệ đạt tới từ 80-90% hoặc 100% để bán được giá cao hơn. Từ đó đời sống của gia đình được cải thiện, con em không phải rời bỏ địa phương để tìm kiếm việc làm, thay vào đó có thể làm giàu từ chính vườn cà phê của mình.
Sức bật từ kinh tế HTX
Tuy nhiên, sau quá trình phát triển mở rộng về số lượng, ngành cà phê của tỉnh đối mặt với nhiều thách thức, hơn 1/3 diện tích cà phê của tỉnh ở độ tuổi từ 15-20 tuổi, cho năng suất kém cần phải tái canh. Nhiều diện tích trồng cà phê không theo quy hoạch, dẫn đến chi phí sản xuất cao, năng suất thấp, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của sản xuất cà phê nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung.
![]() |
Toàn tỉnh Đắk Lắk có 50% diện tích cà phê có chứng nhận quốc tế. |
Để "giải cứu" cà phê trước nguy cơ già hóa, tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh phát triển cà phê bền vững. Theo đó, tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ đặc biệt ở vùng đồng bào DTTS. Cụ thể, hỗ trợ xây dựng ít nhất 2 HTX sản xuất cà phê bền vững trong vùng đồng bào DTTS, HTX là đầu mối kết nối đầu vào và đầu ra của chuỗi sản xuất cà phê.
Đồng thời, địa phương cũng đẩy mạnh khuyến khích các doanh nghiệp (DN) thu mua và chế biến tham gia liên kết với các tổ chức nông dân trồng cà phê. Hỗ trợ các hoạt động xây dựng 03 liên minh sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị kết nối các tác nhân trong ngành hàng.
Những năm qua, địa phương này cũng đẩy mạnh những chương trình ưu đãi về vốn vay, phát triển cơ sở hạ tầng cho đồng bào DTTS thực hiện tái canh vườn cà phê.
Theo ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát kế hoạch, xem xét những khó khăn vướng mắc huy động các nguồn lực hỗ trợ cho phát triển cây cà phê. Đặc biệt là chương trình cho vay vốn của Ngân hàng Nhà nước và hỗ trợ vốn của các DN trong tái canh, có những mô hình, quy trình tái canh hiệu quả để ứng dụng khoa học công nghệ ở tất cả các khâu kể cả nhật ký nông hộ để theo dõi thực hiện tái canh.
Nhờ triển khai hiệu quả những giải pháp, trong đó có hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ DTTS thoát nghèo nhờ trồng cây cà phê. Giai đoạn 2016 – 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Đắk Lắk giảm bình quân 2,51%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 4,56%/năm. Toàn tỉnh đã giảm được 35.559 hộ nghèo, trong đó có 13.255 hộ DTTS.
Thy Lê
Bài 2: Hợp tác xã - 'sợi dây' kết nối thị trường