Ghi nhận tại tỉnh Bình Phước trong tháng 6/2021 này cho thấy, người trồng cao su rất phấn khởi khi giá thu mua mủ dao động khoảng 16.000 - 17.000 đồng/kg. Đây mức giá khá tốt sau nhiều năm xuống thấp kỷ lục đã ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc cây cao su và sự phân vân “trồng hay chặt” ở địa phương này.
Lấy lại đà phục hồi
Giá mủ cao su liên tục tăng nên không chỉ nông dân mà nhiều doanh nghiệp (DN) trồng và chế biến mủ cao su đang rất phấn khởi. Với diện tích cao su lớn nhất cả nước (230.000 ha), hiện nay tỉnh Bình Phước vẫn đang tập trung đánh giá, cấp chứng chỉ cho rừng cao su bền vững để bảo đảm tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc, phục vụ xuất khẩu (XK), qua đó nâng cao giá trị sản phẩm cao su.
Từ đầu năm đến nay, các mặt hàng nông sản từ cây công nghiệp đạt kim ngạch XK khá tốt. |
Theo đánh giá mới đây từ Bộ Công Thương thì trong tăng trưởng XK các mặt hàng nông sản 5 tháng đầu năm 2021 thì cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng lên tới 58,7% về lượng và tăng 93,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 548 nghìn tấn, trị giá 923 triệu USD.
Giới phân tích nhận định ngành cao su (một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của cây công nghiệp ở Việt Nam) đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất do cuộc khủng hoảng của dịch Covid-19 và đang có những dấu hiệu phục hồi khá tốt, khi thị trường tiêu thụ trên thế giới khởi sắc.
Nếu như năm ngoái, nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu đã sụt giảm 8,1% thì năm 2021 này có thể sẽ duy trì ở mức tăng 7 - 8%. Các chuyên gia quốc tế cũng nhận định năm 2022 thì nhu cầu cao su trên toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục tăng thêm 5,3%.
Đây là các chỉ số có lợi cho XK cao su của Việt Nam, bất chấp khả năng phục hồi chậm của dịch Covid-19 trên toàn cầu. Nhất là theo dự báo trong giai đoạn trung hạn từ năm 2021-2024, giá cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới do nguồn cung cao su đang giảm dần.
Cùng với sức tăng trưởng cao của XK cao su thì 5 tháng qua giá trị kim ngạch XK các mặt hàng nông sản từ cây công nghiệp cũng ghi nhận rất khả quan. Điển hình như kim ngạch XK sắn và các sản phẩm từ sắn đã tăng trưởng 27,5% so cùng kỳ năm ngoái.
Hoặc như kim ngạch XK hồ tiêu tăng đến 25,2% so với cùng kỳ năm 2020. Hay như XK cà phê tăng 7,3%, chè tăng 3,2%. Còn với hạt điều thì 5 tháng đầu năm này XK ước đạt 216 nghìn tấn, trị giá gần 1,3 tỷ USD, tăng hơn 18% về lượng và tăng gần 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Nhiều DN trồng, chế biến và XK sản phẩm từ cây công nghiệp cũng ghi nhận sức tăng trưởng doanh thu khá tốt. Đơn cử như CTCP tập đoàn PAN, theo số liệu của họ thì riêng quý I/2021 tăng trưởng doanh thu mảng cà phê đã tăng tới 41%.
Phải giữ được giá trị
Hay như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, trong báo cáo tài chính hồi quý I/2021 cho thấy doanh thu sản xuất và kinh doanh mủ cao su tăng 112,6% so với cùng kỳ, doanh thu sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cao su tăng 120% so với cùng kỳ.
Với sản phẩm hồ tiêu, ghi nhận cuối tuần qua cho thấy giá hạt tiêu ở trong nước ổn định quanh 70.000 đồng/kg. Với mức giá này thì nông dân trồng tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn có lời, nhưng họ kỳ vọng còn lên cao khi nguồn cung hạt tiêu hạn chế do diện tích giảm.
Chính vì nguồn cung hồ tiêu trong nước sụt giảm nên 5 tháng qua, XK hạt tiêu giảm 15,6% về lượng nhưng kim ngạch lại tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 124 nghìn tấn, trị giá 387 triệu USD.
Sức tăng trưởng của kim ngạch XK hồ tiêu như hiện nay hoàn toàn trái hẳn với nửa đầu năm 2020 khi XK tiêu sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm cả về khối lượng và giá trị do chịu tác động kép từ đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, theo dự báo trong giai đoạn 2021 – 2026 sắp tới, thị trường tiêu thụ hồ tiêu trên thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) vào khoảng 5%.
Còn với sản phẩm từ cây sắn, nhiều nông dân ở “thủ phủ sắn” tại tỉnh Tây Ninh cho biết, giá sắn tươi như hiện nay là rất tốt. Nếu tính trung bình năng suất mỗi ha sắn đạt khoảng 35 tấn/ha, giá bán bình quân 3.000 đ/kg thì nông dân sẽ thu được trên 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí có thể lãi khoảng 70 triệu/ha/vụ sắn.
Giá sắn được cho sẽ còn giữ mức cao vì nguồn cung giảm. Tuy nhiên, cùng với sức tăng trưởng của XK sắn thì nỗi lo thường trực hiện của các nhà máy chế biến sắn ở trong nước hiện nay là tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn nguyên liệu.
Có thể nói, trong đà phục hồi tăng trưởng kim ngạch XK của các mặt hàng nông sản từ cây công nghiệp sau giai đoạn khủng hoảng như trước đây, thì điều cần lưu tâm hiện nay là cần làm sao để các nhóm cây công nghiệp phải giữ được giá trị, phát triển bền vững trong thời gian tới.
Đặc biệt là diện tích một số cây công nghiệp trong nước như điều, sắn phải đảm bảo được nguồn cung phục vụ cho các DN chế biến XK thay vì “ăn đong” nguyên liệu nhập khẩu.
Thế Vinh