Theo đánh giá của UBND tỉnh Hà Giang, dù đã ban hành và thực hiện một số chính sách đặc thù nhưng nhìn chung, cuộc sống của người Cờ Lao vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Nguyên nhân là do kết cấu hạ tầng ở các vùng có người Cờ Lao sinh sống thuộc vùng sâu, vùng xa; tỉnh trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... chậm được giải quyết. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ phát triển kinh tế mới chỉ tập trung vào hộ gia đình.
Gặp khó vì… tự sản xuất
Thôn Cá Ha (xã Sính Lủng, huyện Ðồng Văn) là nơi sinh sống của hơn 120 hộ dân tộc Cờ Lao. Nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc Cờ Lao thoát nghèo bền vững, hằng năm, tỉnh tổ chức các lớp tập huấn sản xuất, đưa người dân đi tham quan, học tập mô hình sản xuất tiên tiến. Cùng với đó là xây dựng mô hình kinh tế điểm gắn với hỗ trợ giống, vốn cho người dân phát triển kinh tế hộ.
Ông Vần Chứ Páo (thôn Cá Ha) được các cấp ngành tạo điều kiện vay ngân hàng chính sách 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại kiên cố, trồng 1 ha cỏ để nuôi bò vỗ béo. Ngoài ra, ông còn được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi bò vỗ béo, biết ủ cỏ làm nguồn thức ăn cho gia súc trong vụ đông thu nhập của gia đình đạt 80-100 triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi bò, trâu.
Tuy nhiên, những hộ như gia đình ông Vần Chứ Páo chỉ biết tự sản xuất, tự tiêu thụ nên xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, việc mua bán trâu bò không theo định kỳ, chất lượng gia súc không được bảo đảm.
![]() |
Ông Vần Chứ Páo (thôn Cá Ha) phải dắt trâu lên chợ bán vì đang chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình. |
“Trâu hay bị mắc bệnh, có khi bị chết vào mùa đông. Thức ăn cho trâu, bò cũng chỉ là cây cỏ thông thương nên trâu thường bị gầy nên người mua chê lên chê xuống. Việc buôn bán vì vậy mà vất vả. Có khi tôi phải dắt trâu lên tận chợ trung tâm hoặc sang tỉnh khác thì mới bán được”, anh Páo cho biết.
Tình trạng mà gia đình anh Páo đang gặp chính là khó khăn chung của không ít hộ gia đình dân tộc Cờ Lao hiện nay vì người dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, yếu khoa học kỹ thuật trong khi có nhiều tiềm năng thế mạnh về phát triển nông, lâm nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho biết trong bối cảnh đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng có người Cờ Lao sinh sống còn hạn chế về tập quán và trình độ canh tác, thì việc sản xuất theo quy mô hộ chỉ mang tính tạm thời. Thay vào đó, việc phát triển các mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo việc làm cho bà con, đã góp phần thay đổi phương thức làm ăn tự cung tự cấp, chuyển sang sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, việc phát triển mô hình HTX đối với người Cờ Lao gặp không ít khó khăn. Nút thắt là do nhận thức của người dân và một bộ phận cán bộ địa phương chưa nhìn nhận rõ vai trò của mô hình này. Bên cạnh đó, có HTX đã được thành lập nhưng theo quy mô toàn thôn, chưa phát triển theo Luật HTX 2012 nên bị “chết yểu” hoặc hoạt động cầm chừng.
Tạo đà cho người dân tham gia HTX
Trong điều kiện cả tỉnh đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp đi đôi với xây dựng nông thôn mới, việc phát triển mô hình HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp là điều kiện thuận lợi giúp những vùng có đồng bào dân tộc thiểu số Cờ Lao sinh sống vươn lên, chung tay cùng địa phương phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Điều này cũng được đưa vào Nghị quyết của Ðảng bộ tỉnh nhằm hiện thực hóa khâu đột phá "Tạo sinh kế, nâng cao đời sống nhân dân" đã được xác định trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hà Giang.
Chính vì vậy, tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền để những vùng có người Cờ Lao sinh sống chú trọng phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới đi liền với thành lập HTX, tổ hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện, công bằng, dân chủ, minh bạch nhằm làm cầu nối giúp hộ cá thể và người dân huy động các nguồn lực. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh phối hợp các hoạt động kinh doanh khởi nghiệp, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên nhu cầu thực tiễn, tiềm năng và lợi thế của từng địa phương nhằm hỗ trợ người dân tham gia, phát triển HTX.
![]() |
Cánh đồng bậc thang ở xã Túng Sán có thể cho hiệu quả kinh tế cao hơn khi mô hình HTX kiểu mới được thành lập nhằm hỗ trợ người dân trồng lúa hàng hóa. |
Bà Lò Thị Mỷ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Giang, cho biết hiện Liên minh tỉnh đã cùng các địa phương giải thể, dừng hoạt động toàn bộ các HTX quy mô toàn thôn, tạo điều kiện chuyển đổi, thành lập các HTX kiểu mới để thu hút người dân tộc thiểu số tham gia.
Để phát triển mô hình HTX đối với vùng có người là đồng bào dân tộc Cờ Lao, bà Mỷ cho biết Liên minh HTX tỉnh sẽ kết hợp cùng địa phương tìm hiểu cụ thể nhằm có các điều chỉnh và thực hiện quy hoạch phát triển HTX gắn với sản phẩm chủ lực, trong đó, ưu tiên xây dựng hạ tầng vùng quy hoạch, tập trung phối hợp tổng thể các nguồn lực, từ đó tập trung xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm HTX.
Như Yến