Đầu tư chế biến ớt là hướng đi bền vững của HTX |
Do thổ nhưỡng, thời tiết thích hợp cùng với áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến nên các sản phẩm chế biến từ ớt Mường Khương của HTX đều nổi tiếng thơm ngon, có vị cay nồng đặc trưng. Đặc biệt, nhờ sản xuất theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên sản phẩm của HTX làm ra đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó.
Sản xuất theo chuỗi
HTX Mường Khương hiện có 150ha ớt nguyên liệu. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất 500 tấn tương ớt, doanh thu trung bình khoảng 14 tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ so với một HTX ở khu vực miền núi.
Điều làm các thành viên yên tâm đầu tư vào sản xuất là HTX ngày càng phát huy vai trò bà đỡ. Từ chỗ chỉ cung ứng vật tư, phân bón, giống…, HTX hiện chuyển hướng mạnh sang chế biến, tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm cho thành viên và người nông dân, từ đó hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, bảo đảm ổn định cả đầu vào và đầu ra.
Thời gian qua, HTX kết nối với nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, HTX đã liên kết với doanh nghiệp để mở hướng xuất khẩu.
Để hướng đến xây dựng thương hiệu, sản phẩm đảm bảo uy tín trên thị trường, an toàn cho người tiêu dùng, HTX tổ chức vận động, hướng dẫn thành viên và người dân các biện pháp, quy trình kỹ thuật trồng ớt an toàn. Trong quá trình sản xuất, các thành viên và bà con sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ, phân chuồng, hạn chế tối đa thuốc trừ sâu. Nguồn nước tưới được kiểm soát đảm bảo vệ sinh an toàn. HTX cũng sử dụng hỗn hợp tỏi ớt để phòng bệnh, thay cho việc sử dụng thuốc trừ sâu.
Song song đó, HTX đầu tư dây chuyền sản xuất ớt với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, ngoài trực tiếp trồng ớt, HTX đã đăng kí thu mua với hàng trăm hộ dân trên địa bàn. Các hộ dân đều phải tuân thủ các nguyên tắc sản xuất ớt an toàn, bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào.
Ông Nguyễn Văn Dũng-Giám đốc HTX, cho biết: Để đảm bảo sản phẩm chất lượng có tính cạnh tranh trên thị trường, HTX buộc phải đầu tư dây chuyền hiện đại. Công nghệ hiện đại cũng khắc phục một số hạn chế của sản phẩm tương ớt cổ truyền là sản phẩm không bị váng mốc khi để lâu hoặc có ga trong quá trình bảo quản…
Khi đẩy mạnh chế biến thay vì chỉ trồng ớt nguyên liệu như trước, năng suất lao động của các thành viên HTX tăng 5-10%, giá bán sản phẩm tăng 25-30%, thu nhập của thành viên tăng 30%.
Các sản phẩm chế biến từ ớt là điều kiện, cơ hội để HTX mở rộng diện tích trồng ớt, tăng thu nhập cho thành viên và người dân địa phương. Mỗi kg ớt tươi bình thường chỉ có giá 5.000-10.000 đồng, nhưng sau khi chế biến, 1 lít tương ớt có giá từ 100.000 đồng trở lên.
Bảo đảm vệ sinh
Không chỉ chú trọng lựa chọn nguyên liệu ớt, HTX còn quan tâm đến các nguyên liệu phụ gia như tỏi, hoa hồi... Những nguyên liệu này được HTX đăng kí với những đơn vị sản xuất uy tín trong và ngoài tỉnh nhằm bảo đảm sản phẩm có màu đỏ tươi, hương thơm và vị cay đậm đà, chua dịu rất riêng. Đặc biệt, sản phẩm của HTX không sử dụng các chất phụ gia hóa học, bột màu làm nguy hại đến sức khỏe con người…
Sau khi nghiền, pha trộn, HTX đưa tương ớt vào trong các thùng và đậy nắp kín. Trong suốt quá trình chế biến, các dụng cụ luôn được vệ sinh sạch sẽ; đặc biệt là không dính bất kỳ một chút mỡ, nước... nào để tránh làm mẻ tương ớt bị thối, hỏng. Lao động làm việc cũng phải thực hiện các yêu cầu về vệ sinh thực phẩm như: khử trùng, đồ bảo hộ…
Không chỉ có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, HTX còn cam kết bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Chính vì vậy, ngoài đầu tư xe ô tô chuyên dụng, nhà xưởng rộng rãi, dây chuyền sản xuất hiện đại, đạt tiêu chuẩn vệ sinh, HTX còn xây dựng hệ thống xử lí nước thải đạt tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Khu vực sản xuất của HTX được khử trùng theo định kì, bảo đảm không có ruồi, nhặng hay mùi hôi thối. Các thùng, kệ, chai… đều được vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng, hợp lí.
Mô hình sản xuất của HTX được Liên minh HTX tỉnh đánh giá là phát triển đúng, phù hợp với thực tế tại địa phương, hài hòa lợi ích giữa HTX và bà con nông dân. HTX biết khai thác, tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để đầu tư sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị bền vững, góp phần nâng cao kinh tế, cải thiện môi trường.
Như Yến