Xuất phát điểm kinh tế thấp, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90%, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, giao thông khó khăn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên xảy ra…. Khiến cuộc sống của người dân Mường Khương đã nghèo lại càng nghèo thêm.
Nỗ lực giảm nghèo
Từ khi Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững (30a) của Nhà nước đến được với Mường Khương, cùng với nỗ lực giảm nghèo, huyện đã đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, qua đó từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Giai đoạn trước năm 2000, Mường Khương, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn khá cao, chiếm trên 80% (tiêu chuẩn cũ). Tuy nhiên đến hết năm 2018, đã có trên 9.000 lượt hộ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi lãi suất, hàng năm trên 1.200 lao động được đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Các hộ nghèo trên địa bàn huyện được hỗ trợ trên 45 tỷ đồng để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập….
Thông qua đó đã góp phần đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo theo hướng bền vững; tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm trên 7% (tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 về ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020); năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện 44,43%, năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 37,36%; năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 27,73%.
Ớt là cây giúp nhiều gia đình thoát nghèo |
Ông Nguyễn Chí Sử - Bí thư Huyện ủy, cho biết: Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị gắn với những giải pháp phát triển kinh tế xã hội đồng bộ, công tác xóa đói, giảm nghèo huyện Mường Khương đã có được những chuyển biến tích cực, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Đây là nền tảng sớm đưa Mường Khương thoát khỏi huyện nghèo trong thời gian tới.
Những nông sản tiền tỷ
Có thể nói, những mô hình phát triển kinh tế, sản xuất cây ăn quả, phát triển chăn nuôi của các hộ gia đình, HTX giúp nhiều hộ thoát nghèo. Nhiều loại cây trồng đã trở thành cây bạc tỷ ở vùng đất Mường Khương.
Mô hình sản xuất của HTX Kinh doanh tổng hợp Mường Khương không chỉ trồng rau củ quả mà còn tập trung vào trồng ớt, chế biến ớt. HTX có 150ha ớt nguyên liệu. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất 500 tấn tương ớt, doanh thu trung bình khoảng 14 tỷ đồng.
Đặc biệt từ quá trình sản xuất đến tiêu thụ được thực hiện theo chuẩn VietGAP, từ đó hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, bảo đảm ổn định cả đầu vào và đầu ra. HTX kết nối với nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, HTX đã liên kết với doanh nghiệp để mở hướng xuất khẩu. Mô hình sản xuất của HTX đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo khi liên kết trồng ớt cùng HTX. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm và thu nhập cho 44 thành viên.
Mô hình trồng sản xuất của chị Pờ Thị Sen đã trồng 6.000 gốc quýt trên những vườn đồi gia đình. Nhờ áp dụng kỹ thuật VietGAP và điều kiện thiên nhiên thuận lợi, cứ mỗi 2.000 gốc quýt cho trung bình 20 tấn mỗi năm.
Nhiều hộ Mường Khương phát triển quýt an toàn |
So với trồng lúa và ngô, quýt cho thu nhập ổn định gấp 10 lần. Mô hình trồng quýt của chị Sen đã thu hút 37 hộ của thôn trồng quýt. Nhờ sản xuất theo hướng sạch ngay từ đầu, không cho chất kích thích tăng trưởng hay chất bảo quản nên đến nay, thị trường của cây quýt rộng mở. Cây quýt đã trở thành cây thoát nghèo của người dân tộc Pa Dí.
Hiện nay, nhiều HTX ở huyện Mường Khương đã được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ sản xuất, đầu ra, quảng bá sản phẩm. Các HTX đã chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi, tham gia chương trình OCOP, phát triển vùng hàng hóa đặc hữu. Nhờ đó, những mô hình sản xuất của các hộ gia đình, HTX hàng năm đem lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng cho người dân vùng cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Mường Khương đã xây dựng thương hiệu cho nhiều loại nông sản đặc trưng như ớt; gạo Séng Cù; quýt; chè Kim Tuyên, Bát Tiên, Ô Long, chè Shan. Mường Khương cũng đang đẩy mạnh kênh du lịch trải nghiệm để thúc đẩy xúc tiến thương mại, hỗ trợ đắc lực cho công tác giảm nghèo nhanh và bền vững tại địa phương.
Như Yến