![]() |
Anh Vừ Tồng Pó - Tổ trưởng Tổ hội chăn nuôi gà đen xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn giới thiệu cách chọn gà trống thuần chủng để nhân giống. |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế hợp tác ở những địa bàn này, cần đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ, sự vào cuộc tích cực của các cấp ngành. Trong các "điểm nghẽn" và rào cản khiến các HTX chậm phát triển, thì vốn, đầu ra cho sản phẩm được đánh giá là khó khăn nhất hiện nay.
Sản phẩm “bí đầu ra”
Số liệu thống kê của Liên minh HTX tỉnh Nghệ An cho thấy, tính đến năm 2020, cả tỉnh có 793 HTX, nhưng HTX vùng DTTS và miền núi chỉ chiếm 1/4, trong đó HTX do người DTTS làm lãnh đạo là 82 HTX. So với tiềm năng về tài nguyên, đất đai, con người thì đây là con số hạn chế. Chưa kể, số HTX hoạt động gắn với mô hình chuỗi giá trị sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên chiếm tỷ lệ rất thấp, thành viên HTX còn ít. Nhiều HTX quy mô nhỏ, nội tại và sức cạnh tranh còn yếu.
Thực tế, hiện nay, nguồn cung ứng sản phẩm cho các HTX là từ thành viên, phần lớn các sản phẩm của HTX mới dừng lại ở thị trường tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, hầu hết các sản phẩm của HTX vùng DTTS và miền núi là sản phẩm từ ngành nghề truyền thống, nhưng việc xây dựng thương hiệu, cách thức tổ chức và quảng bá sản phẩm vẫn còn nhiều yếu tố chưa phù hợp. Vì vậy, để sản phẩm hướng tới xuất khẩu, hướng tới hoạt động hiệu quả còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Chị Sầm Thị Thanh, thành viên HTX Sản xuất và cung ứng các sản phẩm tiêu biểu huyện Quế Phong cho biết: HTX có rất nhiều sản phẩm là đặc sản vùng miền như trà hoa vàng, mật ong, thổ cẩm, thuốc nam gia truyền... Ngoài thu mua nguyên liệu cho các thành viên trong huyện, HTX còn tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho người lao động địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, tiêu thụ sản phẩm mới dừng lại ở thị trường nội địa. Để những sản phẩm này vươn xa, các thành viên HTX cũng đang gặp phải khó khăn. Nguyên nhân là, một số sản phẩm như các bài thuốc gia truyền và dược liệu chưa có chứng nhận của cơ quan chức năng, nên việc phân phối vào siêu thị và các nhà thuốc rất khó...
Trong khi đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn đang thiếu vốn để đầu tư thiết bị sản xuất. Theo Giám đốc Nguyễn Văn Luân, sản lượng gừng do bà con trong vùng sản xuất ngày càng tăng, HTX rất muốn đầu tư thêm máy móc, thiết bị chế biến gừng và bao tiêu hết sản lượng cho người dân. Tuy nhiên, do năng lực tài chính còn hạn chế, nên HTX chưa có điều kiện đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, áp dụng các thiết bị máy móc hiện đại hóa cho việc đóng gói.
“Ví dụ như thiết bị rửa, sơ chế gừng trước khi đóng thùng còn lạc hậu, năng suất thấp. Thiết bị nâng hạ chuyển gừng lên xuống xe (băng tải) để giảm việc gừng bị gãy dập, thiết bị vận chuyển gừng từ trên núi cao xuống do địa hình hiểm trở sẽ giảm thời gian cho khâu thu hoạch sản xuất...”, ông Luân cho hay.
Cần triển khai giải pháp đồng bộ
Mới đây, để tháo gỡ khó khăn cho HTX Dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn, Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường thuộc Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Nghệ An tổ chức bàn giao các nội dung hỗ trợ cho HTX dây chuyền sản xuất gừng gồm các thiết bị: máy rửa gừng; băng tải vận chuyển gừng; giàn phơi gừng…
![]() |
Những năm gần đây, trồng cây dược liệu mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân huyện Kỳ Sơn. |
Liên minh HTX Việt Nam cũng giúp HTX xây dựng trang thông tin điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, giúp HTX mở rộng tiêu thụ sản phẩm tới các trung tâm thành phố lớn, các siêu thị, sàn thông tin điện tử…
“Khi được hỗ trợ các thiết bị, HTX sẽ giảm bớt chi phí trong việc chế biến các loại nông sản, đặc biệt là khâu làm sạch sản phẩm gừng Kỳ Sơn hiện đang được xuất khẩu đi các nước châu Âu”, Giám đốc Nguyễn Văn Luân cho hay.
Tuy nhiên, không phải HTX nào cũng may mắn được hỗ trợ trang thiết bị máy móc như HTX Dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn. Vì vậy, các HTX mong muốn sớm được tiếp cận các chính sách hỗ trợ, sự vào cuộc tích cực của các cấp ngành.
Trước mắt, để hỗ trợ cho các HTX, một số huyện vùng cao ở Nghệ An đang triển khai một số chính sách tháo gỡ khó khăn. Ông Nguyễn Bá Hiền, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp, UBND huyện Quế Phong cho biết, Trung tâm đã tham mưu cho huyện các chính sách để hỗ trợ các HTX hình thành tổ chức sản xuất và tham gia cung ứng một số sản phẩm do HTX đã sản xuất ra như giống cây, giống con… thực hiện các dự án trên địa bàn.
Đại diện huyện Kỳ Sơn cũng cho hay, huyện sẽ tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, lồng ghép các nguồn vốn như chương trình 135, 30a, nông thôn mới… để hỗ trợ cho HTX. Cùng với đó, chi ngân sách để hỗ trợ các HTX phát triển các sản phẩm chủ lực của huyện.
Chủ tịch Liên minh HTX Nghệ An, ông Nguyễn Bá Châu cho biết, Liên minh HTX đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển HTX trong đồng bào DTTS và miền núi của Nghệ An, trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của HTX trong việc liên kết hợp tác, tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc. Thứ hai là tập trung xây dựng các tổ hợp tác cùng tham gia chế biến sản phẩm là cơ sở cho việc hình thành HTX trong thời gian tới. Thứ ba là tập trung xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, liên kết kinh doanh theo chuỗi giá trị, đặc biệt là chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm).
Hoàng Hà