Để thoát khỏi tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, từ năm 2021, người dân thôn Ea Duất (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) đã chủ động liên kết với nhau, thành lập HTX Heo rừng Buôn Đôn, với 7 thành viên, chăn nuôi khoảng hơn 100 con heo sinh sản, cung cấp heo giống cho thị trường.
Lấy thế mạnh địa phương phát triển kinh tế HTX
Trung bình mỗi năm HTX bán khoảng 1.500 - 2.000 con heo giống, với giá hơn 1,5 triệu đồng/con, đã mang lại nguồn thu lớn và lợi nhuận cao cho các thành viên HTX. Đồng thời, đơn vị cũng ký kết với HTX Chăn nuôi heo rừng Tây Nguyên (huyện Ea Kar) và liên kết với hai trại chăn nuôi heo rừng tại tỉnh Hưng Yên để cung ứng, bao tiêu sản phẩm, thuận lợi cho việc cung ứng con giống ra thị trường các tỉnh phía Bắc.
Liên kết, chăn nuôi heo rừng đang là một hướng đi hiệu quả, nâng cao đời sống cho nhiều bà con DTTS ở Đắk Lắk. |
Các thành viên đều tự đầu tư trồng ngô, cỏ voi… để có nguồn thức ăn dự trữ quanh năm cho đàn heo. Nhờ vậy khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao, việc phát triển chăn nuôi của HTX không bị ảnh hưởng. HTX thường xuyên trao đổi, hỗ trợ nhau để tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất, giúp con giống phát triển khỏe mạnh, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm.
Câu chuyện như HTX Chăn nuôi heo rừng Tây Nguyên ở Đắk Lắk rất nhiều, những HTX này đang dần khẳng định vai trò của mình trong phát triển kinh tế nông thôn, vùng đồng bào DTTS ở địa phương này trong những năm gần đây.
Nhờ những chính sách thiết thực với khu vực này mà thời gian qua, kinh tế tập thể, HTX ở đây đã có những chuyển biến rõ nét. Theo Liên minh HTX tỉnh, hiện Đắk Lắk hiện có 708 hợp tác xã (HTX), trong đó có 442 HTX thuộc địa bàn xã vùng dân tộc thiểu số, chiếm 62,4%. Trong tổng số các HTX, có 574 HTX đang hoạt động, 134 HTX ngừng hoạt động đang chờ hoàn thành thủ tục giải thể. Đa số các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn đều đã biết phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện để sản xuất kinh doanh. Lãi bình quân HTX đạt 150 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 45 triệu đồng/năm.
Còn tại Lạng Sơn, nhiều HTX tại vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã chủ động liên kết, khai thác lợi thế về điều kiện đất đai, sản phẩm đặc trưng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Đơn cử như HTX Nông nghiệp Công Sơn, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc đã chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại để sản xuất sản phẩm rượu đảm bảo chất lượng.
Ông Triệu Sáng Suẩn, Giám đốc HTX cho biết: Trước đây, rượu men lá được sản xuất theo phương pháp truyền thống từ khâu lựa chọn gạo, loại bỏ tạp chất, nấu chín, trộn men lá, ủ, chưng cất rượu và khử andehit. Điểm khác biệt của rượu nơi đây chính là được nấu bằng nguồn nước tinh khiết chảy từ các khe núi và sử dụng men lá được pha chế từ 12 đến 16 loại lá cây rừng như: cây 36 rễ, slam ship lạc, sáy dịp… đã làm nên vị rượu thơm ngon được khách hàng ưa chuộng.
Nếu như trước đây, các hộ sản xuất rượu men lá ở Công Sơn chưa xây dựng thương hiệu riêng. Do đó, tháng 4/2021, HTX Nông nghiệp Công Sơn thành lập với 13 thành viên với mục đích liên kết các hộ có truyền thống nấu rượu để sản xuất rượu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rượu men lá người Dao Công Sơn.
Hiện nay, HTX liên kết với các đối tác, doanh nghiệp mở rộng đại lý sản phẩm, đặc biệt có hai cơ sở giới thiệu và bán sản phẩm tại thành phố Lạng Sơn và Hà Nội. Sau hai năm đi vào hoạt động, HTX đã bán ra thị trường hàng nghìn lít rượu, bước đầu xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm, được nhiều người ưa chuộng.
Khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ
Những câu chuyện trên có thể xem là những điển hình về sự hợp tác, liên kết giữa các HTX trong vùng đồng bào DTTS để đưa các đặc sản vùng, miền ngày càng đi xa. Rõ ràng, các HTX này đang đóng vai trò quan trọng trong việc “nâng tầm” các đặc sản địa phương và góp phần tạo việc làm cho bà con vùng DTTS.
Việc HTX liên kết với các doanh nghiệp, tạo thành chuỗi cung ứng các loại quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP được xem là hướng đi có lợi cho cả doanh nghiệp và HTX. |
Nói đến câu chuyện này, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, thực tế nhiều HTX đã liên kết với các tập đoàn kinh tế như Lavifood, TH True milk, Tín Thành, Đồng Giao… ứng trước vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi để tạo vùng nguyên liệu tập trung cung ứng cho các nhà máy, cơ sở sản xuất. Đồng thời, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, xử lý môi trường; tiêu thụ sản phẩm, tạo vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp vùng DTTS và miền núi.
Điển hình như các HTX tại tỉnh Sơn La, Bắc Giang đã liên kết với các doanh nghiệp tạo thành chuỗi cung ứng các loại quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Một số sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như xoài tượng da xanh của HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, tỉnh Sơn La sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Úc...
Nhiều HTX phát triển sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như các HTX du lịch cộng đồng, du lịch homestay ở Lào Cai, Sơn La... đã kết hợp du lịch với mô hình sản xuất sản phẩm truyền thống như thuốc tắm truyền thống, thổ cẩm, tinh dầu, vừa mang lại lợi ích kinh tế - xã hội, vừa góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của các làng nghề truyền thống.
Đáng nói, tham gia THT, HTX, người dân ở vùng DTTS và miền núi còn dần loại bỏ những phong tục lạc hậu, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, để tập trung sản xuất ở quy mô lớn hơn, theo tiêu chuẩn cao hơn. Hầu hết người nông dân tham gia vào THT, HTX được đào tạo cách thức sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, thực hiện sản xuất gắn với chuỗi giá trị, có hiệu quả kinh tế cao. Từ đó giảm chi phí sản xuất từ 8 - 15% nhưng lại tăng thu nhập từ 14 - 18%/năm.
Nhà nước còn hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ quản trị và lao động nông thôn có khả năng thích ứng với cơ chế thị trường, kỹ thuật sản xuất, công nghệ... Nhiều HTX có đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ cao, có khả năng quản trị hiệu quả, đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của HTX.
Cần giải quyết khó khăn về nhân lực
Mặc dù đã có những thành công bước đầu, song phải thừa nhận các HTX vùng đồng bào DTTS muốn đi đường dài thì vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là về nhân lực và vốn. Theo tìm hiểu của VnBusiness, doanh thu, lợi nhuận và lãi bình quân HTX chưa đạt như kế hoạch đề ra. Nhiều HTX chưa có sự đổi mới, còn trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Việc liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị chưa thực sự bền vững…
Thực tế, các hợp tác xã tại Đắk Lắk và Lạng Sơn kể trên thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn gặp khó khăn về nhân lực, cơ sở hạ tầng, công nghệ, tài chính… Dù các địa phương đã có chính sách riêng nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chưa đạt hiệu quả cao. Số hợp tác xã được tiếp cận chính sách của Nhà nước, nhất là về đất đai còn rất hạn chế.
Cần nghiên cứu, bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người đồng bào DTTS, vùng đồng bào DTTS và miền núi để phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
Như ở tỉnh Đắk Lắk, theo một thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có 2.163 cán bộ quản lý, kế toán làm việc tại các HTX; trong đó chỉ 20% có trình độ đại học, cao đẳng, còn lại là trình độ trung, sơ cấp (42%) và chưa được đào tạo mà chỉ qua các lớp tập huấn ngắn ngày (38%). Bên cạnh đó, phần lớn nhân sự quản lý HTX tuổi đã cao, thậm chí đã hết tuổi lao động, chưa qua đào tạo, chủ yếu được các thành viên bầu lên, do đó không tránh khỏi lúng túng trong quản lý, điều hành HTX.
Trên bình diện cả nước, hiện nay lao động trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là người DTTS được đào tạo nghề chưa nhiều, chỉ chiếm trên 14% trong tổng số người DTTS trong độ tuổi lao động. Đa số mới tham gia học nghề ngắn hạn, số lao động học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng nghề rất thấp (chủ yếu tham gia các lớp ngắn hạn dưới 3 tháng và tập trung vào nghề nông nghiệp).
Số lượng cán bộ, thành viên HTX được đào tạo, bồi dưỡng còn chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 5,3%) so với cả nước. Trong khi, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về HTX và thành viên chưa được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên còn rất lớn. Kinh phí cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế.
Đặc biệt, một trong những nguyên nhân chính khiến lĩnh vực HTX không thu hút được người tài là công tác quảng bá về chính sách thu hút lao động chất lượng cao cho HTX chưa được thực hiện mạnh mẽ. Nhiều HTX hoạt động không ổn định, thu nhập thấp, chưa có chế độ chính sách lâu dài cũng làm giảm nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ quản lý HTX. Điều này làm cho những người trẻ, người được đào tạo bài bản không mặn mà làm việc cho các HTX.
Để đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất, thúc đẩy thương mại miền núi, vùng dân tộc thiểu số, đại biểu Dương Tấn Quân, (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng, cần tập trung vào các nhóm chính sách về phát triển nguồn nhân lực, đổi mới mô hình quản trị hợp tác xã; tháo gỡ chính sách về đất đai; tháo gỡ chính sách về tín dụng để các tổ chức hợp tác, nhất là hợp tác xã tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn tín dụng; về chính sách về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chính sách về thuế, phí, lệ phí nên quy định theo hai nhóm đối với hợp tác xã nông nghiệp và nhóm đối với hợp tác xã phi nông nghiệp.
Rõ ràng, để khắc phục những khó khăn trên, đã đến lúc câu chuyện phát triển kinh tế HTX ở vùng DTTS cần phải có những cách làm mới, liên kết chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.
Phương Thảo