Cooperatives | Thứ tư, 30/11/2022 | 07:35 GMT+7
0 |

Đắk Lắk mở lối để các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển 

Nhiều HTX khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số hoạt động hiệu quả, qua đó góp phần thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các HTX, vừa qua, Liên minh HTX tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk và các sở, ngành xem xét, ưu tiên bố trí đầy đủ nguồn vốn thực hiện các nội dung hỗ trợ, theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cân đối nguồn vốn, tập trung tín dụng cho các HTX, có các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Tính đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh có 630 HTX, trong đó số HTX nông nghiệp chiếm khoảng 64,9%, HTX phi nông nghiệp chiếm 35,1%. Số HTX đang hoạt động là 496 HTX, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; có 134 HTX ngừng hoạt động. Ước tính đến nay, khu vực HTX có khoảng 68.793 thành viên tham gia, tăng 793 thành viên so với cuối năm 2021 và ước đến hết năm 2022 có khoảng 70.000 thành viên tham gia. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 29 HTX thành lập mới, đạt 58% kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Quy mô HTX vùng đồng bào DTTS và miền núi tại tỉnh Đắc Lắk

So với năm 2021, trong 6 tháng đầu năm 2022, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực KTTT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tín hiệu khả quan. Cụ thể, doanh thu bình quân HTX năm 2022 đạt 1,5 tỷ đồng/năm; lãi bình quân HTX đạt 150 triệu đồng; thu nhập bình quân lao động thường xuyên dự kiến đạt từ 45-48 triệu đồng/năm, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Bảng 1: Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực KTTT 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh

So với trước đây, các HTX nông nghiệp hiện nay đều đổi mới mô hình hoạt động, cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Nhiều HTX đã liên kết với hộ nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế để cung ứng các dịch vụ đầu vào sản xuất; hỗ trợ, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao; định hướng cho thành viên trồng các loại cây trồng mới; chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định.

Một số HTX đã tham gia vào chuỗi giá trị như chuỗi cà phê, hồ tiêu, lúa gạo, ca cao, mắc ca… chuyển từ bán nguyên liệu cho doanh nghiệp sang chế biến, đồng thời quan tâm chú trọng đến marketing, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm… Bên cạnh đó, nhiều HTX nông nghiệp đã chú trọng đến sản xuất có chứng nhận, sản phẩm hữu cơ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm như tiêu chuẩn FLO, 4C, RFA, UTZ, VietGAP đối với cà phê, hồ tiêu; cung ứng cho thành viên và xã hội các sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm hữu cơ… Các HTX nông nghiệp mở rộng hoạt động đã giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 7.600 lao động; vận động kết nạp được 12.000 thành viên là hộ nông dân tham gia HTX để góp vốn, liên kết tạo ra những cánh đồng mẫu lớn, tập trung và khối lượng hàng hóa lớn, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ… Từ đó liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất gắn với sơ chế, chế biến, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, vừa nâng cao thu nhập, lợi ích cho thành viên và HTX, vừa góp phần vào quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở địa phương.

Những năm qua, KTTT, HTX phát triển rộng khắp, góp phần mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo khu vực nông thôn, vùng DTTS và miền núi tại Đắc Lắk.

Nhìn từ thực tế, có thể nhận thấy, các HTX đã thay đổi tập quán trồng trọt của hộ cá nhân phân tán trước đây, sang trồng tập trung có đầu tư thâm canh, tạo được chuỗi sản xuất liên, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, và tận dụng được đất đai và lao động địa phương, các HTX đã phát huy vai trò KTTT, liên kết người dân phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế.

Vai trò của khu vực KTTT ngày càng được nhận thức đầy đủ hơn, KTTT mà nòng cốt là HTX phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng, với nhiều mô hình mới, phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị được nhân rộng. Các HTX, không chỉ chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ, sang liên kết phát triển sản xuất mà còn góp phần tạo dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm.

Điều kiện tự nhiên về khí hậu, thổ nhưỡng và truyền thống các dân tộc… đã tạo nên những đặc điểm riêng biệt của một số mặt hàng nông sản do các HTX sản xuất. Đây chính là yếu tố thuận lợi giúp các HTX nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có cơ hội phát triển, tạo công ăn việc làm, góp phần vào công tác giảm nghèo tại các địa phương.

Nhiều HTX đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm riêng, tạo được dấu ấn tốt ở thị trường trong nước. Tiêu biểu có thể kể đến như: gạo ST24 của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (huyện Krông Ana); các giống bơ Acado, Bazan… của HTX bơ Đại Hùng (TP. Buôn Ma Thuột); thịt gà đen Đại Phúc Tây Nguyên của HTX Nông nghiệp và thương mại dịch vụ Đại Phúc (huyện Cư M’gar); cà phê bột và cà phê hạt Thủy Tiên Krông Năng của HTX Sản xuất thương mại và du lịch Minh Toàn Lợi (huyện Krông Năng)…

Một ví dụ điển hình tại huyện Krông Năng hiện có 36 HTX đang hoạt động, trong đó 23 HTX nông nghiệp, 10 HTX thương mại, dịch vụ, 2 HTX xây dựng và 1 HTX vận tải. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phát triển KTTT huyện, nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên.

Bên cạnh đó, thông qua việc tham gia HTX liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, nông dân đã thay đổi tư duy trong sản xuất, từ việc không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, đến áp dụng quy trình kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng sản phẩm và bảo đảm môi trường trong canh tác. Đơn cử như HTX sản xuất nông nghiệp thương mại và dịch vụ Minh Toàn Lợi (xã Ea Púk) thành lập năm 2012, hiện có 227 thành viên, trong đó 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, canh tác 360 ha cà phê theo tiêu chuẩn UTZ, FLO tại các xã Ea Tam và Ea Púk. Anh Y Nô Niê (thôn Giang Minh, xã Ea Púk) canh tác 2 ha cà phê, là thành viên của HTX từ ngày đầu thành lập. Từ khi tham gia HTX, anh đã thay đổi thói quen sản xuất theo kinh nghiệm sang áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu chăm sóc, tưới nước, bón phân đến thu hái, bảo quản, nên năng suất cà phê tăng lên khoảng 10 – 15% so với trước đây. Theo ông Vũ Đức Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, từ năm 2014, đơn vị đã liên kết với các doanh nghiệp rang xay, xuất khẩu cà phê tiêu thụ sản phẩm với giá tối thiểu là 40,5 triệu đồng/tấn và hỗ trợ thêm gần 10 triệu đồng/tấn tiền phúc lợi, nên thành viên yên tâm với gắn bó với HTX với thu nhập bình quân đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, người dân địa phương còn được thụ hưởng từ các công trình phúc lợi xã hội do HTX đầu tư bằng quỹ phúc lợi cà phê.

Nhiều HTX khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số hoạt động hiệu quả, qua đó góp phần thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động. Tuy nhiên, nhiều HTX khu vực này đang gặp khó khăn do quy mô nhỏ, phương án sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả, thiếu vốn, quỹ đất và cán bộ quản lý, kỹ thuật. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển HTX, trong đó ưu tiên các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua nguồn ngân sách và kinh phí của các dự án hợp tác công tư.

Thanh Hoa

 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu