Giảm 70% doanh thu
HTX nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang thành lập ngày 3/6/2017 với 15 thành viên, trong đó 50% là người dân tộc Tày, Mông.
Ông Trần Trung Thuyết, Giám đốc HTX cho biết, HTX có 320 ha cây ăn quả có múi như: Cam sành, cam vàng, cam đường canh…, trong đó 230 ha đã cho thu hoạch. Để việc chăm sóc, thu hái và tiêu thụ sản phẩm tốt nhất, HTX đã thu hút 200 lao động thời vụ, chủ yếu là người dân tộc bản địa với thu nhập khoảng 250 nghìn đồng/người/ngày…
Trong quá trình sản xuất, HTX ký hợp đồng với Công ty Cung ứng phân bón thông minh để cung cấp phân bón cho các hộ thành viên, với các loại phân hữu cơ từ chất thải của gia súc hay từ đậu tương, ngô… Đồng thời, HTX sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc chiết xuất từ tỏi, ớt và các loại thuốc trừ sâu sinh học, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ trong toàn bộ quá trình chăm sóc, sản xuất cam.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên sản phẩm của HTX nông dân trồng cam sạch Vĩnh Phúc cũng tiêu thụ hạn chế, ảnh hưởng đến thu nhập của thành viên và HTX. |
Có thể nói, HTX nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc đã đem lại hiệu quả cao cho các thành viên, tạo sự liên kết giữa các hộ gia đình trong toàn xã, tương trợ nhau trong ứng dụng công nghệ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Qua hợp tác sản xuất, các hộ dân tham gia vào HTX đã tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm về số lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Trong quá trình đó, HTX đã đứng ra giám sát về cây, con giống, phân bón, thức ăn, thuốc thú y và xử lý dịch bệnh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các hộ thành viên…
Bên cạnh đó, HTX đã từng bước chuyển dịch sang sản xuất cam an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Trong quá trình sản xuất, các thành viên HTX ký cam kết thống nhất quy trình kỹ thuật cơ bản và hệ thống quản lý chất lượng để áp dụng trong toàn bộ HTX; đầu tư trang bị vật dụng thiết yếu để đảm bảo việc kiểm định, giám sát về an toàn thực phẩm; tuân thủ thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong trồng trọt, dịch vụ vật tư nông nghiệp.
Sản xuất sạch, an toàn, chất lượng nên giá cam của HTX luôn cao hơn so với sản phẩm sản xuất theo phương pháp truyền thống. Hiện, các sản phẩm cam của HTX đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành và trung tâm thương mại như: Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Siêu thị Tmart, Vinmart... Nhờ áp dụng phương pháp khoa học kỹ thuật, doanh thu của HTX năm 2019 đạt 43,6 tỷ đồng, lợi nhuận 20 tỷ đồng.
“Từ giữa năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, sản lượng cam tiêu thụ chậm, giá cả thấp kèm theo thiên tai, mưa đá nên lợi nhuận của HTX chỉ đạt 4 tỷ đồng, giảm 70% so với năm 2019. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận của HTX còn giảm sút đến 80%, số người lao động cũng bị cắt giảm xuống 2/3. Thiếu việc làm, thu nhập không có, nguy cơ tái nghèo của người lao động trong HTX là người đồng bào dân tộc rất lớn”, ông Thuyết nói.
Ngừng hoạt động vì dịch Covid-19
Không chỉ gặp khó khăn, mà buộc phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, cho người lao động nghỉ việc, toàn bộ các thành viên HTX trở nên thất nghiệp là HTX nông nghiệp Mộc Sơn, một HTX hoạt động trong các lĩnh vực chăn nuôi gia súc, sản xuất rượu thủ công, làm bánh khảo tại bản Chàm, một bản với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc Nùng sinh sống thuộc xã Tam Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Từ đầu năm 2020, HTX chăn nuôi gần 300 con dê, 30 con trâu, bò, nấu 30 nghìn lít rượu và sản xuất hàng tấn bánh khảo. Do vậy, ngoài 7 thành viên, HTX đã tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên, trong đó có 3 lao động sản xuất, 3 bán hàng và 1 kế toán với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, HTX phải tìm các phương án tiêu thụ trâu, bò, dê khi dịch viêm da nổi cục trâu bò xuất hiện ở một số địa phương trong tỉnh Bắc Giang. Chưa dừng lại ở đó, những tháng gần đây, HTX càng gặp khó khăn khi dịch Covid-19 diễn biến bất thường, khiến toàn tỉnh Bắc Giang phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế các hoạt động đông người, kiểm soát các phương tiện ra, vào địa phương, nhất là các nhà hàng hạn chế hoạt động.
Để thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch Covid-19, không ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của con người và không gây thiệt hại về kinh tế, HTX phải tạm dừng nấu rượu, chăn nuôi, sản xuất bánh khảo để cùng với chính quyền địa phương phòng chống dịch Covid-19.
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, HTX nông nghiệp Mộc Sơn phải tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. |
Các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, sản phẩm không thể tiêu thụ, HTX gặp khó khăn. Để giảm bớt chi phí phát sinh trong thời gian tạm ngừng hoạt động, HTX buộc phải cho người lao động tạm nghỉ việc, dù biết là người lao động gặp khó khăn vì không có thu nhập, nhưng HTX không còn phương án nào tối ưu hơn.
Chị Trịnh Thị Kim Dung, Phó Giám đốc HTX chia sẻ: “Dù biết là người lao động gặp khó khăn khi không có việc làm, không có thu nhập, nhưng cho người lao động tạm thời nghỉ việc là hết sức cần thiết để chúng tôi phối hợp với chính quyền, đoàn thể và toàn dân trong việc chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19. Chúng tôi mong muốn dịch bệnh sớm được ngăn chặn để HTX và người dân ổn định sản xuất, kinh doanh, có nguồn thu nhập, duy trì cuộc sống”.
Bà Nguyễn Thị Thúy Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang cho biết, từ giữa năm 2020 đến nay, kinh tế tập thể, HTX của tỉnh Bắc Giang đã gặp vô vàn khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. May mắn là việc tiêu thụ sản phẩm được Chính phủ, chính quyền các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay hỗ trợ tiêu thụ nên đã giảm bớt thiệt hại.
“Thời gian tới, các HTX, nhất là các HTX trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang nói riêng, các HTX của cả nước nói chung còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách bởi dịch bệnh, thiên tai và nhất là tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản bền vững. Do vậy, chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, nhà khoa học tìm giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho khu vực này”, bà Dung kiến nghị.
Phạm Duy
Bài cuối: Cần chính sách hỗ trợ thiết thực