Ở khu vực KTTT, HTX trên địa bàn Đầm Hà những năm qua, nhiều mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi đã giúp đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Trong đó, gà bản Đầm Hà là giống gà bản địa của huyện Đầm Hà đang được anh Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc HTX Tuyền Hiền phục tráng và nhân giống thành công trong nhiều năm qua.
Từ hình thành các HTX kiểu mẫu
Anh Tuyền cho biết: Gà bản Đầm Hà được bà con dân tộc Hoa nuôi giữ giống từ nhiều đời, là sản vật nổi tiếng của địa phương. Để có được gà giống bố mẹ, gia đình anh phải lặn lội lên tận các xã vùng cao như Quảng Lâm, Quảng An của huyện Đầm Hà, thậm chí vào tận các bản của bà con đồng bào DTTS để thu gom.
Trung bình mỗi năm, HTX Tuyền Hiền cung cấp ra thị trường khoảng 200.000 - 250.000 con gà bản Đầm Hà giống. Gà thịt thương phẩm bán ra thị trường ước đạt 60 - 70 tấn một năm nhưng có lúc vẫn thiếu hàng.
Gà bản Đầm Hà đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao của địa phương. Tháng 6/2019, sản phẩm Gà bản Đầm Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Khi gà bản Đầm Hà được công nhận thương hiệu tập thể, số người đăng ký mua gà giống rất đông, đến nay đã có khoảng 200 hộ nuôi từ 1.000 - 3.000 con/hộ. Hiện, HTX đang sản xuất 3 loại gà giống là gà hoa mơ, gà râu và gà mũ. Đây đều là các giống gà đặc sản. Không chỉ cung cấp gà giống trong huyện, HTX đã mở rộng thị trường sang các địa phương khác như Móng Cái, Tiên Yên, Ba Chẽ...
Hay mô hình trồng dưa lưới áp dụng khoa học kỹ thuật của HTX Nông nghiệp hữu cơ Thành Đạt cũng là một trong những mô hình KTTT tiêu biểu của huyện Đầm Hà. Với khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình, anh Trương Thế Đô (37 tuổi), thôn Làng Y, xã Đại Bình, huyện Đầm Hà đã mạnh dạn cải tạo lại ruộng trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cây dưa lưới ứng dụng công nghệ cao.
Lãnh đạo huyện Đầm Hà tham quan mô hình cà chua nhà màng của HTX Nông nghiệp hữu cơ Thành Đạt (ảnh TL). |
Đầu năm 2019, anh Đô đầu tư khu nhà màng với diện tích trên 1.000m2 trồng dưa lưới, sau khoảng 3 tháng dưa cho thu hoạch với trọng lượng khoảng 1,5kg/quả. Mô hình thành công đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh.
Với mong muốn mở rộng quy mô phát triển kinh doanh đầu tư, tạo chuỗi liên kết sản phẩm, dần hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, tháng 9/2021 anh Đô đã cùng 6 hộ nông dân trong vùng thành lập HTX nông nghiệp hữu cơ Thành Đạt.
Chỉ sau 1,5 năm thành lập, đến nay HTX đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện HTX có gần 4ha diện tích đầu tư sản xuất nông nghiệp, trong đó đã xây dựng 4 nhà màng, với diện tích 7.000m2. Các sản phẩm nông nghiệp đang trồng là dưa lưới, dưa baby, cà chua... theo công nghệ Israel, cung cấp chủ yếu cho thị trường trong tỉnh và các địa phương lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương...
Đến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm rõ rệt
Đại diện UBND huyện Đầm Hà cho biết, trên địa bàn huyện có 9 dân tộc cùng sinh sống, trong đó tỷ lệ đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 30,96%. Từ năm 2021 đến nay, tổng nguồn vốn phân bổ thực hiện Chương trình dân tộc thiểu số của huyện Đầm Hà là 88,997 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 65,136 tỷ đồng, ngân sách huyện 23,861 tỷ đồng.
Bằng nguồn vốn trên, huyện đã tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối, cấp nước, cấp điện nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất trường học, trạm y tế và các thiết chế văn hóa, xã hội...
Huyện đã triển khai giới thiệu, nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả; nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, giúp các hộ chủ động vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Các xã đã chủ động lồng ghép chương trình giảm nghèo với phát triển kinh tế xã hội, các chương trình dự án hỗ trợ về y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trợ giúp pháp lý, các chính sách an sinh xã hội.
Nhờ vậy mà tỉ lệ hộ nghèo đã giảm rõ rệt. Nếu như đầu năm 2016 huyện Đầm Hà có 1.445 hộ nghèo thì đến hết năm 2022, toàn huyện chỉ còn 18 hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của huyện Đầm Hà đạt 74,1 triệu đồng/người/năm. Huyện phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ không còn hộ nghèo.
Hạ tầng giao thông nông thôn vùng đồng bào DTTS được thay đổi rõ rệt. |
Chính quyền các cấp trong huyện thường xuyên theo dõi và nắm chắc tình hình vùng tôn giáo, dân tộc và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh ngay từ cơ sở. Vai trò của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS được phát huy (các già làng, trưởng bản). Các mô hình tự quản phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như mô hình: “Hộ văn hóa, thôn bản an toàn”, “Thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc”, câu lạc bộ “xây dựng gia đình hạnh phúc”... được triển khai hiệu quả; an ninh dân tộc, tôn giáo, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS được đảm bảo.
Cùng với phát triển cơ sở hạ tầng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, huyện cũng đã quan tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân. Cấp ủy các cấp tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tăng cường ứng dụng KHKT vào sản xuất; sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi, xây dựng những sản phẩm mang thương hiệu của địa phương như phát triển vùng trồng quế, mở rộng chăn nuôi gà bản Đầm Hà...
Đến cuối năm 2022, huyện Đầm Hà có 6 xã đạt NTM nâng cao, 2 xã đạt NTM kiểu mẫu. Huyện đạt 9/9 tiêu chí, 38/38 chỉ tiêu, về đích huyện NTM nâng cao. Đây là tiền đề và động lực để huyện Đầm Hà phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025 và trở thành vùng trọng điểm sản xuất, chế biến, cung cấp nông sản của tỉnh Quảng Ninh.
Thanh Vân