Theo số liệu của Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi có 11.558 HTX, chiếm 42,4% tổng số HTX của cả nước, thu hút hàng triệu lao động. Phát triển kinh tế HTX, THT là giải pháp quan trọng nhằm triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Khẳng định năng lực
Là một xã miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua cộng đồng người Chăm ở thôn Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đã chuyển đổi từ trồng lạc, cà rốt sang măng tây xanh có giá trị kinh tế cao.
Để có nguồn thu ổn định và tìm đầu ra cho sản phẩm, người Chăm đã liên kết nhau thành lập HTX. Ông Lỗ Trung Tài, Phó Giám đốc HTX cho biết, HTX liên kết với một trang trại nông nghiệp hữu cơ bao tiêu sản phẩm cho thành viên, với giá mua vào 50.000 đồng/kg, tương đương với 10 kg thóc.
Sản phẩm của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng tại xã Tả Lủng trưng bày tại gian hàng giới thiệu sản phẩm của huyện Mèo Vạc, Hà Giang. |
“Ngày nào người dân trong thôn cũng có tiền. Nhà trồng ít thu hoạch 10 -15 kg/ngày; nhà trồng nhiều thu 30 - 50 kg/ngày. Mỗi ngày, HTX thu mua cho các thành viên gần 2 tạ măng. Mỗi năm, cộng đồng người Chăm thôn Tuấn Tú có doanh thu gần 4 tỷ đồng. Hầu như 500 hộ trong thôn đều đã xây được nhà to đẹp nhờ cây măng tây xanh”, ông Tài cho hay.
Hay như HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng tại xã Tả Lủng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) được thành lập năm 2016 với tổng vốn ban đầu 550 triệu đồng. Sau khi thành lập, HTX bắt tay vào xây dựng cơ sở hạ tầng gồm khu vực chế biến, chăn nuôi rộng gần 7.000m2 với 24 gian chuồng trại và triển khai chăn nuôi gà, lợn lấy thịt, dê sinh sản... Ngoài chăn nuôi, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng còn là cơ sở chính nuôi và thu mua mật ong bạc hà ở huyện Mèo Vạc.
Anh Hoàng A Páo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, HTX đã tạo việc làm ổn định cho các thành viên, giúp họ có đời sống tốt hơn. Bên cạnh đó, HTX cũng có những chính sách hỗ trợ đối với các thành viên còn nghèo về giống ong để họ có công ăn việc làm, góp phần tăng thu nhập cho người nghèo”.
Còn HTX Sản xuất và cung ứng các sản phẩm tiêu biểu Quế Phong (huyện Quế Phong, Nghệ An) lại là minh chứng cho việc phát triển sinh kế bền vững dựa vào nội lực sẵn có tại quê hương như: các sản phẩm lá, rễ cây rừng, dược liệu được đồng bào khai thác phục vụ cho các hoạt động đông y gia truyền hoặc tiêu thụ tại địa phương.
Theo bà Sầm Thị Yến, Giám đốc HTX, từ khi HTX thành lập và được huyện tạo điều kiện mở quầy hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu của huyện, nhiều dược liệu vùng đất Quế Phong như chè hoa vàng, rễ cây mú từn, nấm lim xanh, cà gai leo, cỏ máu, chuối hột rừng…, đã vượt không gian, vươn tới các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Giang, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh.
Giải pháp để phát triển HTX vùng DTTS
Những HTX, THT ăn nên làm ra ở trên đại diện cho 53% số HTX đang hoạt động hiệu quả trong tổng số gần 12 nghìn HTX ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN).
Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, thu nhập bình quân của thành viên, người lao động khu vực HTX nông nghiệp đạt từ 0,7 - 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực HTX phi nông nghiệp đạt từ 1,8 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Vai trò, hoạt động của HTX là cầu nối quy tụ, tập hợp những người sản xuất vào HTX, đưa ra mô hình sản xuất và tạo ra sản phẩm có quy mô lớn hơn; đồng thời làm cầu nối đưa sản phẩm ra thị trường và cung ứng các dịch vụ đầu vào cho người sản xuất. Thông qua việc thành lập và hoạt động của HTX góp phần khai thác, phát huy lợi thế kinh tế của từng vùng miền, địa phương; đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi hình thức sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên hiện nay thu nhập bình quân của các thành viên, HTX vùng đồng bào DTTS còn thấp so với mặt bằng chung. Do đó, để thúc đẩy kinh tế tập thể, thương mại miền núi phát triển, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Để đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất, thúc đẩy thương mại miền núi, vùng dân tộc thiểu số, đại biểu Dương Tấn Quân, (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giúp đồng bào dân tộc thiểu số sớm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững. Lồng ghép vào các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Hiện nay, triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 20230, giai đoạn I từ năm 2021 – 2025. Theo đó có nhiều dự án thành phần của chương trình sẽ được hỗ trợ triển khai, trong đó có dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền núi để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị.
Hoàng Hà