Lào Cai là tỉnh miền núi với trên 60% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã cụ thể hóa công tác giảm nghèo bằng nhiều giải pháp thiết thực.
Ấn tượng liên kết cùng thoát nghèo
Cụ thể, để đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo ra những chuỗi liên kết hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao, tỉnh đã tập trung rà soát và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa HTX, doanh nghiệp và người dân trong mô hình liên kết.
Điển hình như tại thôn Xả Séng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, hàng chục hộ dân đồng bào người Mông nơi đây không còn lo chuyện đầu ra cho sản phẩm, nhờ có HTX Nông nghiệp xanh Sa Pa đã liên kết sản xuất với một doanh nghiệp ở Hà Nội trong tiêu thụ nông sản.
Việc sản xuất theo chuỗi liên kết không chỉ giúp bảo đảm đầu ra ổn định, mà còn làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Liên kết sản xuất giúp người dân tộc thiểu số ở Lào Cai nâng cao hiệu quả kinh tế. |
Giám đốc An Xuân Phùng cho biết, HTX có 9 thành viên là người dân tộc Mông, chủ yếu trồng rau, đậu và hoa tươi các loại được sản xuất theo hướng hữu cơ. HTX luôn tích cực tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết với các HTX bạn, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản.
Ngoài việc liên kết giữa HTX với doanh nghiệp, việc tăng cường liên kết giữa các hộ dân là người DTTS với HTX cũng đang là mô hình được các địa phương trong tỉnh chú trọng.
Điển hình như HTX Tiên Phong Mường Vi ở xã Mường Vi, huyện Bát Xát, hiện đã tổ chức liên kết với 26 hộ dân người Tày trên địa bàn xã chuyên sản xuất gạo lứt Séng Cù theo hướng hữu cơ. Các thành viên liên kết với HTX được hỗ trợ từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo thu nhập ổn định.
Nhờ sự đồng hành của HTX, anh Sùng A Minh, người dân tộc Tày, thôn Làng Mới đã yên tâm hơn về đầu ra cho sản phẩm, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. Ngược lại, trong quá trình sản xuất, anh tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật đề ra từ khâu làm đất, gieo mạ, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại… theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật.
Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, để nâng tầm giá trị cho gạo Séng Cù, HTX Tiên Phong Mường Vi còn hỗ trợ bà con DTTS xây dựng thành công “Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Séng Cù an toàn”. Đây là một bước tiến vượt bậc giúp sản phẩm gạo Séng Cù Mường Vi có giá trị cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng và giá bán ổn định, xóa bỏ dần tình trạng được mùa mất giá.
Tiếp thêm các chính sách hỗ trợ
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, với hơn 70% lao động là người DTTS ở khu vực nông thôn, vùng cao, vùng sâu, thời gian qua, tỉnh đã tập trung vào công tác đào tạo nghề gắn với điều kiện môi trường thực tế vùng miền và liên kết với các HTX, doanh nghiệp để tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.
Với những nền tảng đã xây dựng được, Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 65% tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề. Số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 493 nghìn người, trong đó 66% lao động là người DTTS.
Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ để người dân tộc thiểu số tự tin vươn lên thoát nghèo, làm giàu (Ảnh: TL). |
Để đạt mục tiêu, tỉnh Lào Cai đã đang và sẽ tập trung triển khai đồng bộ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững qua các giai đoạn, nhân rộng các mô hình điểm có nhiều cách làm sáng tạo, hỗ trợ người dân giảm nghèo một cách hiệu quả thông qua các HTX.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, tỉnh đã làm rất tốt điều này. Đơn cử tại Mường Khương, một trong những “lõi nghèo” của tỉnh, đang có nhiều mô hình điểm có cách làm hay được nhân rộng, trong đó nổi bật là mô hình trồng hồng giòn.
Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Mường Khương đã có gần 100 ha cây hồng giòn và 20 ha đã bước đầu cho thu hoạch. Trồng cây hồng giòn đòi hỏi kỹ thuật tương đối cao và phải đầu tư công chăm sóc, phân bón nhiều hơn, nếu không đảm bảo 2 yếu tố này có thể dẫn đến cây bị chết hoặc tỷ lệ đậu quả không ổn định.
Theo người trồng hồng, nếu tuân thủ tốt kỹ thuật, cây hồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ 100 – 200 triệu đồng/ha, cao gấp 4 - 5 lần so với trồng ngô, trở thành cây xóa đói giảm nghèo bền vững.
Không chỉ có mô hình trồng hồng giòn, trên địa bàn huyện Mường Khương xuất hiện ngày càng nhiều mô hình phát triển kinh tế xanh cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
Như với gia đình anh Sin Soàn Hoàng, nhiều năm trước vẫn là hộ khó khăn. Đến năm 2016, anh Hoàng quyết tâm đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình xanh vườn, ao, chuồng kép kín, chất thải trong chăn dùng để trồng cây hữu cơ và nuôi cá thịt. Đến nay, thu nhập từ nuôi lợn, trồng quýt và nuôi cá cho thu nhập ổn định trên 300 triệu đồng/năm.
Có thể thấy, bằng những giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tế, chủ trương giảm nghèo của tỉnh Lào Cai đã và đang đạt kết quả tích cực. Đây là tiền đề, động lực quan trọng để tỉnh phát triển kinh tế, giảm nghèo và bảo vệ môi trường nông thôn, thực hiện mục tiêu vừa bảo vệ môi trường vừa giảm nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu tạo sự đột phá trong tư duy lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp; chuyển từ nông nghiệp an sinh sang nông nghiệp hàng hóa.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển các ngành, hàng chủ lực như: Cây chè, cây dứa, cây chuối, cây quế, cây dược liệu, chăn nuôi lợn và phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững. Mục tiêu của Nghị quyết trong giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt khoảng 5,5%/năm; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2025 ước đạt 12.000 tỷ đồng.
Mỹ Chí