Trẩu là loại cây bản địa có nhiều ở rừng tự nhiên, có giá trị kinh tế cao nên bà con đồng bào ví như “lộc rừng” mỗi mùa thu hoạch quả. Nhưng không dừng lại ở việc chờ “săn lộc rừng”, người dân đã chuyển hướng trồng diện rộng, thay thế cho nhiều loại cây khác. Nhận thấy những giá trị vượt trội mà cây trẩu mang lại với những lợi thế sẵn có, tỉnh Quảng Trị nâng tầm quy mô, phát triển loại cây lâm nghiệp này.
Đẩy đói nghèo ở vùng cao
Hiện nay ở hai huyện vùng cao Hướng Hóa và Đakrông còn rất nhiều diện tích có thể chuyển sang trồng cây trẩu lấy dầu. Đặc biệt là diện tích ở trên đồi cao không phù hợp với các loại cây trồng truyền thống như cà phê, sắn…, việc chuyển đổi sang trồng cây trẩu lấy dầu là hướng đi giúp hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thoát nghèo bền vững.
Điển hình như HTX Tân Hợp (Hướng Hoá), được thành lập vào năm 2018 với 10 thành viên. Chỉ sau 3 năm hoạt động, HTX đã hoạt động khá ổn định bằng việc triển khai xây dựng 7ha vườn ươm các loại cây giống như: cây dược liệu, bời lời, trẩu… kết hợp chăn nuôi gà. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, các mô hình trồng trọt và chăn nuôi có thể thu hoạch quanh năm, vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho thành viên, đồng thời tạo cơ sở để đầu tư tiếp.
Hạt trẩu đã phơi khô có giá bán cao hơn gần gấp đôi hạt tươi. |
Chị Lê Thị Hiền, một trong 10 hộ thành viên HTX Tân Hợp cho biết: Khi tham gia vào HTX, các thành viên đều được tập huấn khoa học kỹ thuật kỹ càng, huy động được trí tuệ, kinh nghiệm tập thể nên năng suất, hiệu quả sản xuất cao hơn. Vấn đề liên doanh liên kết thuận lợi nên không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm.
Riêng về việc trồng trẩu lấy hạt, anh Hồ Văn Tĩnh, ở thôn Nguồn Rào Pin (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa), một thành viên HTX chia sẻ: Trong mấy năm gần đây, hạt trẩu tươi có giá bình quân khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg. Nếu chịu khó thu hái, mỗi người có thể đạt thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày, còn hạt trẩu đã phơi khô thì có giá cao hơn gần gấp đôi.
Ước tính, mỗi héc ta trẩu nếu được trồng và chăm sóc tốt, sau 4 năm cho sản lượng 3-4 tấn hạt khô, đem lại giá trị kinh tế 30-40 triệu đồng/năm.
Nhận ra giá trị kinh tế và môi trường từ cây trẩu, gần đây, huyện Hướng Hóa đã đưa cây trẩu vào danh mục các loài cây trồng trọng điểm trong kế hoạch thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ giai đoạn 2021-2025 triển khai trên địa bàn.
Nhân rộng mô hình HTX trồng trẩu
Được biết, hiện nay, huyện Hướng Hóa và Đakrông có khoảng 2.948,8ha rừng trẩu, chiếm 1,6% tổng diện tích rừng của 2 huyện, chiếm khoảng 21,3% tổng diện tích cây trồng trẩu trên cả nước (13.850ha). Hoạt động thu hoạch, sơ chế quả trẩu hiện nay diễn ra chủ yếu tự phát, manh mún, chưa đúng kỹ thuật, thời vụ nên chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Nhằm tập trung phát triển cây trẩu theo hướng ổn định, lâu dài, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch “Phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông, tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2026, định hướng đến năm 2030” với tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2023 – 2026 dự kiến 16,26 tỷ đồng.
Kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh Quảng Trị phân chia ra từng giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 2023 - 2026 sẽ bảo vệ, duy trì ổn định, nâng cao chất lượng gần 2.950 ha rừng trẩu hiện có. Tập trung chăm sóc để đạt năng suất quả từ 3 tấn quả tươi/ha trở lên; giá trị thu nhập từ rừng trẩu tăng từ 20% trở lên so với hiện tại.
Những năm tiếp theo, diện tích cây trẩu lấy quả có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1.000 ha. Trồng mới bình quân khoảng 500 ha/năm, trong đó tỷ lệ giống cây trẩu được tuyển chọn, nâng cao chất lượng và kiểm soát nguồn gốc đạt từ 50% trở lên. Hình thành vùng nguyên liệu tập trung khoảng 5.000 ha, hằng năm cung cấp 2.000 tấn hạt trẩu phục vụ cho sơ chế, chế biến và xuất khẩu. Giúp tối thiểu 1.000 hộ gia đình tham gia được tạo thêm việc làm, tăng thu nhập từ trẩu đạt tối thiểu 15% trong kinh tế hộ gia đình.
Đến năm 2030, sẽ hình thành vùng nguyên liệu tập trung khoảng 8.300 ha; có 5.000 ha trở lên rừng trẩu lấy quả có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; thành lập 2 cơ sở, nhà máy sơ chế và chế biến sâu. Kế hoạch cũng nêu rõ các giải pháp triển khai thực hiện. Tổng kinh phí dành cho giai đoạn 2023-2026 là hơn 16 tỷ đồng, bao gồm các nội dung hỗ trợ, tập huấn, xây dựng mô hình, hỗ trợ thành lập HTX…
Từ cây rừng trong tự nhiên, cây trẩu đã “bén duyên” với vườn nhà. Trồng cây trẩu để lấy dầu đã và đang mở ra kỳ vọng thoát nghèo cho hàng ngàn hộ gia đình DTTS ở hai huyện vùng cao Hướng Hóa và Đakrông. Đặc biệt, sau khi kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh Quảng Trị đi vào cuộc sống, nghề trồng trẩu sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, đúng định hướng hơn. Cơ hội thoát nghèo của hàng ngàn hộ đồng bào DTTS ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông lại rõ ràng hơn.
Hoàng Hà