Năng động khai thác lợi thế diện tích mặt nước hồ thủy điện Sơn La, ông Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc HTX Vận tải Hợp Lực, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã cùng 9 thành viên đầu tư mở rộng nuôi cá lồng theo quy trình VietGAP với quy mô 200 lồng tại khu vực cầu Pá Uôn, xã Chiềng Ơn. Nhờ vậy, chất lượng cá thương phẩm của HTX đã tạo được uy tín trên thị trường, làm giàu cho gia đình.
Mở rộng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh
Không chỉ nổi tiếng là người làm giàu từ mô hình nuôi cá lồng đặc sản, mà ông còn "truyền lửa" giúp nhiều hộ ở địa phương cùng làm giàu trên lòng hồ thủy điện Sơn La, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động là đồng bào dân tộc Khơ Mú, Thái.
Thành lập năm 2011, ban đầu với 7 thành viên, thực hiện kinh doanh dịch vụ vận tải. Quá trình hoạt động, ông Sơn nhận thấy tiềm năng, lợi thế của vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai phù hợp với phát triển nuôi trồng thủy sản. Năm 2015, Ban Giám đốc HTX đã họp bàn với các thành viên, thống nhất chuyển đổi, mở rộng kinh doanh sang nuôi trồng thủy sản và kết nạp thêm 2 thành viên mới.
Tổng số vốn ban đầu là 6 tỷ đồng, HTX đầu tư 200 lồng nuôi cá kiên cố và các công trình phụ trợ, như: Nhà nổi, kho, nhà lạnh chứa cá tạp làm thức ăn cho cá... ngay khu vực cầu Pá Uôn để nuôi cá lăng, cá trắm đen...
![]() |
Mô hình nuôi cá lồng của HTX vận tải Hợp Lực tại khu vực chân cầu Pá Uôn, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La từng bước đem lại hiệu quả, tạo việc làm cho hàng chục lao động là người dân tộc thiểu số. |
"Thời gian đầu thả nuôi cá, do thiếu kinh nghiệm, chưa biết cách phòng bệnh dịch cho cá nên chúng tôi đã bị thiệt hại nặng. Có thời điểm, cá trong lồng chết nổi trắng bụng, đau xót lắm", ông Sơn nhớ lại.
Sau lần đầu thất bại, ông Sơn rút ra được kinh nghiệm và cho biết, muốn cá không bị hao hụt và phát triển tốt, đạt hiệu quả cao, ngoài việc lựa chọn con giống khỏe mạnh, thì cần đặc biệt chú ý chăm sóc cá khi vừa mang về thả nuôi. Bởi trong giai đoạn này cá còn nhỏ, rất mẫn cảm với môi trường mới.
Khắc phục khó khăn đó, các thành viên HTX đã đầu tư nghiên cứu nuôi cá theo quy trình VietGAP, tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn cá; tìm hiểu đặc tính sinh học từng loại cá để đề ra phương pháp chăm sóc phù hợp, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, HTX thường xuyên cử các thành viên tham gia tập huấn cách thức nuôi, chăm sóc cá lồng do các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tổ chức. Đặc biệt, đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh hướng dẫn quy trình nuôi cá lồng, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP...
Thời điểm này, HTX Hợp Lực cũng đã hoàn thiện quy trình nuôi cá bài bản, mỗi lồng cá được cắm biển, ghi chép cẩn thận về ngày xuống giống, loại giống, loại cám cho ăn; làm sổ theo dõi các lồng nuôi về lượng thức ăn, thuốc phòng bệnh... Thực hiện những việc này để giám sát quy trình nuôi, bảo đảm chất lượng và hiệu quả tại từng lồng nuôi cá, phục vụ việc truy xuất nguồn gốc khi tiêu thụ.
Nhờ có quy trình nuôi sạch, quá trình sinh trưởng của cá được bảo đảm, ít xảy ra dịch bệnh, chất lượng sản phẩm tăng, giúp hiệu quả chăn nuôi cá của HTX nâng lên. Cuối năm 2016, sản phẩm cá lồng của HTX đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; tháng 2/2019, được Sở Khoa học và Công nghệ trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng chứng nhận thương hiệu “Cá sông Đà Sơn La”. Đây là điều kiện tốt để HTX mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Giúp bà con cùng giàu
Hiện nay, sau mỗi quy trình nuôi tại HTX, với mỗi lồng rộng 70m², nuôi 500 con, thời gian nuôi từ 13 - 15 tháng, năng suất cá thu hoạch đạt khoảng 1,3 tấn cá/lồng.
"Doanh thu bình quân đạt 85 triệu đồng/lồng, lợi nhuận 21,5 triệu/lồng. Tính ra, với hơn 200 lồng nuôi cá trắm đen, cá lăng nha, lăng đen... mỗi năm chúng tôi đạt doanh thu trên dưới 20 tỷ đồng", ông Sơn cho biết.
Nói thêm về kinh nghiệm nuôi cá của mình và HTX, ông Sơn cho hay, muốn cá nuôi khỏe, các lồng nuôi phải được đặt gần dòng chảy của nước. Theo đó, cá trong các lồng nuôi được vận động liên tục nên thịt cá rất chắc, lại có vị ngon đặc trưng.
Ngoài ra, HTX còn cung cấp cho cá các loại thức ăn như ngô, khoai, sắn hoặc là cỏ hay các loại cá nhỏ, tép cất lưới trên hồ thủy điện. Với chế độ ăn uống như vậy đã giúp cho thịt cá dai, thơm, chắc lại đảm bảo dinh dưỡng.
![]() |
Ông Nguyễn Hữu Sơn (trái) chia sẻ về quy trình nuôi cá đặc sản trên hồ thủy điện Sơn La. |
Hiện sản phẩm cá của HTX Hợp Lực hiện đã có mặt tại nhiều thị trường như thành phố Sơn La, các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, TP.Hà Nội, TP.Hải Phòng... HTX Hợp Lực còn là thành viên Liên hiệp HTX thủy sản sông Đà, cùng các HTX khác ở huyện Quỳnh Nhai tích cực kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm và từng bước xây dựng thương hiệu cá sông Đà...
Đáng nói, không chỉ làm giàu cho mình, ông Sơn còn giúp hàng chục hộ nông dân là người dân tộc Thái, Khơ Mú, La Ha tại địa phương được vay vốn hỗ trợ sản xuất, kỹ thuật để đầu tư nuôi cá lồng, bao tiêu đầu ra để thoát khỏi cuộc sống khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Thu, Bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai cho biết: "HTX Hợp Lực là mô hình chăn nuôi cá lồng lớn nhất, nhì Quỳnh Nhai với doanh thu lên tới hàng chục tỷ đồng/năm. Điều đặc biệt hơn là đơn vị này còn thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ nhiều HTX và bà con dân tộc thiểu số nuôi cá sạch trên lòng hồ thủy điện Sơn La".
Ngoài ra, HTX còn giải quyết việc làm cho 14 lao động địa phương là người dân tộc Khơ Mú, Thái với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện HTX đang triển khai đóng mới 60 lồng, nâng tổng số lồng cá của HTX lên hơn 300 lồng, tập trung nuôi cá lăng, cá trắm đen...
Tuy nhiên, HTX còn thiếu vốn đầu tư và đầu ra ổn định cho sản phẩm. Vì vậy, HTX mong muốn tỉnh và huyện có cơ chế chính sách hỗ trợ HTX phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo chuỗi, đảm bảo an toàn thực phẩm và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Phạm Duy
Bài 2: Hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Mường Trai