Sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị bền vững trên quy mô lớn đã giúp HTX sản xuất dịch vụ và thương mại Minh Toàn Lợi, xã Ea Púk, huyện Krông Năng, trở thành ngôi nhà chung của hàng trăm thành viên. Hoạt động hiệu quả của HTX cũng là minh chứng cho những nỗ lực giảm nghèo của huyện, tỉnh...
Sản xuất bền vững, mang lại lợi ích cho thành viên
HTX sản xuất nông nghiệp thương mại và dịch vụ Minh Toàn Lợi thành lập năm 2012, hiện có 227 thành viên, trong đó 50% là đồng bào dân tộc Ê Đê, canh tác 360 ha cà phê theo tiêu chuẩn UTZ, FLO tại các xã Ea Tam và Ea Púk, huyện Krông Năng, Đắk Lắk.
Khi đi vào hoạt động, Ban giám đốc HTX luôn xác định dù tập trung sản xuất loại cây nào cũng phải bảo đảm được quyền lợi, lợi nhuận cho thành viên. Có như thế thì nông dân mới gắn bó lâu dài với HTX.
Nhưng muốn làm được điều đó phải chú trọng chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, ngay từ ngày đầu, HTX đã mời các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật ở Viện EaKmat Tây Nguyên, kết nối với các dự án để tập huấn cho bà con. Đồng thời phối hợp tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại ở cây cà phê.
Nhờ vậy, thành viên ngày càng nắm vững về kỹ thuật sản xuất. HTX cũng lấy mẫu đất đem phân tích nhằm điều chỉnh lượng phân bón phù hợp, tiết giảm được chi phí sản xuất cũng như góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
![]() |
Sản xuất sạch và đạt tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì, các sản phẩm cà phê của HTX Minh Toàn Lợi được đánh giá là góp phần tích cực trong tạo việc làm, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc tại địa phương. |
Anh Y Nô Niê, thôn Giang Minh, xã Ea Púk canh tác 2ha cà phê, là thành viên của HTX từ ngày đầu thành lập cho biết, từ khi tham gia HTX, anh đã thay đổi thói quen sản xuất theo kinh nghiệm sang áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu chăm sóc, tưới nước, bón phân đến thu hái, bảo quản, nên năng suất cà phê tăng lên khoảng 10-15% so với trước đây.
Với diện tích hơn 300 ha, Minh Toàn Lợi hiện là HTX có quy mô lớn nhất về trồng và chế biến các sản phẩm cà phê ở Đắk Lắk. Đáng phấn khởi là 2 sản phẩm của HTX là cà phê bột Thủy Tiên Krông Năng và cà phê hạt Thủy Tiên Krông Năng được công nhận OCOP 3 sao của tỉnh Đắk Lắk.
Đặc biệt, HTX đã đăng ký sản xuất theo quy trình UTZ (chương trình phát triển bền vững cho cà phê, ca cao và chè, hỗ trợ hộ dân, tổ hợp tác, HTX hợp tác cùng các thương hiệu hiện có) và FLO (chứng nhận hoạt động vì mục đích đảm bảo lợi ích cho người nông tham gia dân trồng và sản xuất cà phê trên toàn thế giới).
Chỉ tính riêng quy trình UTZ, để đạt được chứng nhận, các thành viên phải vượt qua bộ quy tắc gồm 11 chương và 175 tiêu chí về sản xuất cà phê chất lượng cao. Tuy nhiên, bằng sự đồng lòng, năm 2012, HTX được cấp chứng nhận UTZ và năm 2015 được cấp chứng nhận FLO. Đây là những chứng nhận uy tín về chất lượng sản phẩm, giúp HTX đến gần hơn với các nhà sản xuất.
Nâng cao vị thế của HTX trong vùng dân tộc
Theo ông Vũ Đức Quân, Chủ tịch HĐQT HTX, từ năm 2014, đơn vị đã liên kết với các doanh nghiệp rang xay, xuất khẩu cà phê tiêu thụ sản phẩm với giá tối thiểu là 40,5 triệu đồng/tấn và hỗ trợ thêm gần 10 triệu đồng/tấn tiền phúc lợi, tạo thu nhập bình quân đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm nên thành viên yên tâm gắn bó với HTX. Bên cạnh đó, người dân địa phương còn được thụ hưởng từ các công trình phúc lợi xã hội do HTX đầu tư bằng quỹ phúc lợi cà phê.
“Mối liên kết này giúp giá mỗi tấn cà phê tăng khoảng 14 - 15 triệu đồng so với sản xuất thông thường. Đây là điều kiện giúp thành viên từng bước nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững. Nếu năm 2012, HTX chỉ có 33 hộ khá giả (thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên) thì đến hết năm 2020 đã có 176 hộ khá giả, không còn hộ nghèo”, ông Quân cho biết.
![]() |
Nhiều mô hình HTX trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tạo việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống cho người dân tộc tại chỗ và thu hút được sự quan tâm của các tổ chức trong nước và quốc tế. |
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 578 HTX, trong đó có 308 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với tổng số thành viên khoảng 12.390 người và có hơn 10.600 lao động làm việc thường xuyên. Những năm gần đây, HTX nông nghiệp trên địa bàn đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Phần lớn các HTX nông nghiệp nhận thức đúng đắn về mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị, qua đó số lượng HTX tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị có xu hướng tăng và trở thành phương thức tổ chức sản xuất phổ biến để tăng trưởng và phát triển bền vững.
Nhiều HTX đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm riêng, tạo được dấu ấn tốt ở thị trường trong nước. Tiêu biểu có thể kể đến như: gạo ST24 của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (huyện Krông Ana); các giống bơ Acado, Bazan… của HTX bơ Đại Hùng (TP. Buôn Ma Thuột); thịt gà đen Đại Phúc Tây Nguyên của HTX Nông nghiệp và thương mại dịch vụ Đại Phúc (huyện Cư M’gar); cà phê bột và cà phê hạt Thủy Tiên Krông Năng của HTX Sản xuất thương mại và du lịch Minh Toàn Lợi (huyện Krông Năng)…
Bà Nông Thị Thu, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhiều HTX khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số hoạt động hiệu quả, qua đó góp phần thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động.
“Tuy nhiên, nhiều HTX khu vực này đang gặp khó khăn do quy mô nhỏ, phương án sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả, thiếu vốn, quỹ đất và cán bộ quản lý, kỹ thuật. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển HTX, trong đó ưu tiên các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua nguồn ngân sách và kinh phí của các dự án hợp tác công - tư”, bà Thu thông tin.
Phạm Duy