Việc triển khai đồng bộ các chương trình chính sách, dự án hỗ trợ như thổi một luồng gió mới đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đồng Hỷ, giúp bà con vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế. Nhiều địa phương vùng đặc biệt khó khăn của huyện trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Trước đây, để lên với Bản Tèn, xã Văn Lăng phải vượt qua con đường khúc khuỷu gập ghềnh đá núi, và cũng chỉ bằng cách phổ biến nhất là đi bộ! Chính vì vậy, đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại đây luôn mong mỏi có một con đường để đi lại giao thương, buôn bán được thuận tiện.
Cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số huyện Đồng Hỷ ngày càng được hoàn thiện. |
Trước những đòi hỏi từ thực tế, nhu cầu cấp thiết của người dân, năm 2014, UBND huyện Đồng Hỷ đã khởi công tuyến đường cầu treo Vân Khánh đến Bản Tèn với tổng chiều dài trên 5km do huyện làm chủ đầu tư, tổng kinh phí xây dựng hơn 40 tỷ đồng.
Tuyến đường bê tông được hoàn thành không chỉ hiện thực hóa “giấc mơ” của người dân thôn Bản Tèn, mà còn mở ra những cơ hội đổi đời cho hàng nghìn hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn lân cận, đồng thời thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương.
Ông Vương Văn Minh, dân tộc Mông, người dân thôn Bản Tèn chia sẻ: "Trước kia, kinh tế của bà con trong bản là tự cung, tự cấp. Nhưng nay có đường đi thuận lợi, con gà, con lợn nuôi được đã có xe lên tận bản thu mua, giá cả ổn định, thu nhập của người nuôi cũng ngày càng tăng lên".
Cùng với đó, thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi như Chương trình 135, Đề án 2037... từ năm 2014 đến nay đã có 126 công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng trên địa bàn huyện, trong đó có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng.
Ngoài ra, việc thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giúp huyện Đồng Hỷ xây dựng hàng trăm km đường bê tông nông thôn nối xã liền xã, xóm liền xóm và vươn tới từng ngõ của các hộ gia đình, tạo động lực cho vùng dân tộc thiểu số phát triển cả về kinh tế và văn hóa - xã hội…
Trong những năm qua, huyện Đồng Hỷ cũng chủ động phối hợp với ngành điện dành nhiều tiền của và công sức để đầu tư xây dựng đưa lưới điện đến từng xóm, bản.
Đặc biệt, chương trình điện nông thôn đã mang ánh sáng đến cho gần 2.000 hộ dân miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Hệ thống điện hạ thế được triển khai xây dựng đã hỗ trợ sản xuất và nâng cao rõ rệt chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với người dân miền núi, để có nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất là một hành trình vất vả, khó nhọc khi phải dẫn nước ở các khe núi về từ rất xa. Vì vậy, việc huyện đẩy mạnh triển khai xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng và nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp đã góp phần tăng năng suất lao động và cải thiện rõ rệt đời sống cho người dân.
Nâng cao đời sống nhân dân
Bên cạnh đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, Đồng Hỷ đã và đang triển khai hàng loạt chính sách, chương trình tập huấn, trang bị kiến thức sản xuất và sinh hoạt, ý thức chăm sóc sức khỏe cho người dân, cho thấy những kết quả khả quan khi áp dụng vào thực tế.
Các chính sách hỗ trợ được triển khai hiệu quả mang lại nhiều lợi ích cho người dân trên địa bàn huyện. |
Đơn cử, nhờ những hỗ trợ, hướng dẫn của các chương trình khuyến nông, đào tạo nghề nông thôn, người nông dân đã mạnh dạn thay đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển sang nuôi, trồng các cây, con có giá trị kinh tế cao.
Tiêu biểu như gia đình ông Chu Văn Ngoan, dân tộc Nùng, người có uy tín xóm La Đùm, xã Văn Hán. Nhờ được tập huấn về khoa học - kỹ thuật, gia đình ông đã vận dụng vào thực tế sản xuất một cách hiệu quả.
Với 2ha rừng, trên 1ha chè và hơn 1 mẫu lúa cùng với 1 chiếc xe tải để làm dịch vụ vận chuyển, mỗi năm gia đình ông Ngoan thu nhập gần 200 triệu đồng, truyền cảm hứng thoát nghèo, làm giàu cho hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.
Ông Ngoan chia sẻ: "Vừa là cán bộ địa phương, vừa là người có uy tín nên việc gì mình cũng phải gương mẫu. Trong việc làm kinh tế cũng vậy. Muốn vận động bà con thực hiện mô hình kinh tế nào đó thì mình phải thực hiện trước, bà con nhìn thấy kết quả sau đó sẽ làm theo".
Tương tự, ông Trần Văn Hồ là một trong những người uy tín tiêu biểu tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số xóm Lân Quan, xã Tân Long. Những năm qua, ông luôn tích cực vận động bà con thực hiện các chủ trường đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong xóm, bản.
"Tại xóm Lân Quan có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó vẫn còn nhiều người không biết tiếng phổ thông. Bởi vậy, ngoài việc thực hiện tuyên truyền đến bà con trong các cuộc họp, sinh hoạt xóm thì việc tuyên truyền nhóm và hộ gia đình cũng được thực hiện thường xuyên", ông Trần Văn Hồ chia sẻ.
Có thể thấy, hiệu quả của các chính sách, chương trình hỗ trợ đã và đang góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, ở hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Đến nay, đã có 5/7 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, gồm Văn Hán, Nam Hòa, Tân Lợi, Cây Thị và Hợp Tiến, trong đó xã Văn Hán và Nam Hòa đã được công nhận hoàn thành chương trình 135, 3 xã còn lại có đủ tiêu chí để hoàn thành. Hai xã Tân Long và Văn Lăng đã đạt từ 13-15 tiêu chí nông thôn mới.
Trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên, cảnh quan, khí hậu để đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững, dần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, tạo nên những đổi thay mạnh mẽ.
Nhật Minh
Bài 2: Đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất