Cùng với hiệu quả của các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thức tổ chức sản xuất của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang từng bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất quy mô lớn, hiện đại. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hình thành sản xuất lớn
Theo thống kê, Sơn Dương hiện có nhiều vùng sản xuất quy mô lớn như vùng chè 1.600 ha, vùng nguyên liệu giấy hơn 20.000 ha, gần 32.000 ha chuyên canh rau màu, đồng thời xây dựng thành công hơn 300 trang trại lớn nhỏ, 39 HTX nông - lâm nghiệp hiệu quả, thành lập 6 làng nghề chè, bước đầu hình thành thương hiệu cho một loạt sản phẩm thế mạnh.
Trong hàng loạt cây trồng thế mạnh như mía, cây lương thực, rau màu… huyện Sơn Dương đang dành nhiều nguồn lực để nâng cao giá trị cây chè, ưu tiên xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực như chè Tân Trào, chè Vĩnh Tân, chè Ngân Sơn…
Cây chè đang là một trong những cây kinh tế chủ lực của huyện Sơn Dương. |
Đặc biệt, sự ra đời của các HTX đang trở thành bàn đạp thúc đẩy quá trình xây dựng chuỗi giá trị cây chè theo hướng an toàn sinh thái trên địa bàn huyện. Đơn cử, HTX chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào đang thu hút 26 hộ thành viên, hàng trăm hộ liên kết, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, canh tác trên diện tích hơn 120 ha.
Hiện, HTX sản xuất chè Vĩnh Tân đang là một trong những HTX của tỉnh Tuyên Quang làm giàu từ những “búp chè vàng”. Để làm ra được những sản phẩm chất lượng, giàu sức cạnh tranh trên thị trường, các hộ trồng chè của HTX đã chủ động sản xuất theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật.
Ông Phạm Văn Tuyến, Giám đốc HTX sản xuất chè Vĩnh Tân, cho biết: “Sau khi thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển sang sản xuất chè theo tiêu chuẩn an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất... các thành viên HTX đã có thu nhập cao gần gấp đôi so với trồng chè truyền thống, lợi nhuận bình quân đạt 200 - 250 triệu đồng/ha”.
Đáng chú ý, sự ra đời của HTX Vĩnh Tân đang góp phần thay đổi tư duy sản xuất, tạo bước ngoặt trong đời sống kinh tế của không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Anh Hoàng Văn Tân, dân tộc Tày, xã Tân Trào, cho biết gia đình triển khai mô hình trồng chè đã hơn 10 năm, tuy nhiên, trước đây chủ yếu sản xuất theo cách truyền thống nên chất lượng và năng suất cây chè không được cao.
Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của HTX Vĩnh Tân, gia đình anh áp dụng mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa, giúp năng suất chè tăng 25 - 30%, chất lượng sản phẩm nâng lên đáng kể.
“Nhờ ứng dụng sản xuất an toàn, năng suất chè của gia đình tôi liên tục tăng từ 8 - 10 tấn/ha lên mức 13 - 15 tấn/ha. Trước đây công đoạn vò chè bằng tay rất vất vả, nhà tôi làm cật lực một ngày cũng chỉ được 7 - 10kg, giá chè cũng thấp nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Nay nhờ có máy móc, tôi có thể làm tới 200kg/ngày, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm”, anh Tân chia sẻ.
Cùng với cây chè, cây rau màu cũng đang được huyện chủ động mở rộng vùng sản xuất hàng hóa. Thời gian qua, huyện đã tích cực hỗ trợ, khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi diện tích đất ruộng một vụ kém hiệu quả sang trồng những cây có năng suất, chất lượng cao như ớt, bí xanh, dưa, đỗ, lạc, ngô, khoai lang…
Bà Cao Thị Tấn, dân tộc Nùng, xã Đại Phú, chia sẻ: “Từ 5 sào ruộng 1 vụ, gia đình tôi chuyển đổi sang trồng gối vụ các cây rau màu như ớt, cà chua, rau các loại, cho thu nhập bình quân 6 triệu đồng/sào/vụ”.
Dự kiến, trong thời gian tới, gia đình bà Tấn đầu tư mở rộng vùng trồng rau an toàn lên 1 mẫu, 100% diện tích áp dụng sản xuất hữu cơ, đảm bảo chất lượng vượt trội, đáp ứng yêu cầu của các HTX, doanh nghiệp bao tiêu, đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Mục tiêu tổng lợi nhuận đạt 60 - 80 triệu đồng/năm.
Định hướng… đi đường dài
Bên cạnh trồng trọt, để sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, huyện Sơn Dương đang phát triển mạnh kinh tế trang trại. Hiện nay, huyện có 214 trang trại, trong đó có 25 trang trại tổng hợp, 188 trang trại chăn nuôi và 1 trang trại trồng trọt.
Sơn Dương đang định hướng mở rộng chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hữu cơ. |
Trang trại chăn nuôi chủ yếu nuôi lợn nái, lợn thương phẩm, gà, vịt, cá. Trung bình mỗi trang trại nuôi khoảng 150 - 300 con lợn thịt, 1.000 - 3.000 con gà, vịt, thu nhập mỗi trang trại bình quân đạt 200 triệu đồng/năm.
Để khuyến khích người dân phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, phòng chuyên môn tạo điều kiện tốt nhất cho người nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Nghị quyết 10, Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh. Đặc biệt, huyện khuyến khích các hộ chăn nuôi tham gia, thành lập các HTX, tổ hợp tác.
Anh Ma Văn Vĩ, thôn Tứ Thông là một trong những hộ dân tộc thiểu số tiêu biểu trong phong trào chăn nuôi xanh ở xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương. Năm 2014, sau khi tham gia HTX Chăn nuôi gia cầm Hợp Thành, anh được tập huấn khoa học để phát triển mô hình chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ.
Với sự đồng hành của HTX Hợp Thành, anh Ma Văn Vĩ đã mạnh dạn vay vốn 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng mô hình chăn nuôi gà thương phẩm từ hơn 100 con/năm lên xấp xỉ 2.000 con/năm. Đến nay, hoạt động chăn nuôi đi vào ổn định, mỗi năm gia đình anh Vĩ nuôi được 3 lứa, thu lãi xấp xỉ 100 triệu đồng.
Thống kê cho thấy toàn huyện Sơn Dương đang có tổng đàn gia súc hơn 1,6 triệu con, với 75 trang trại, 7 HTX chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung ở các xã Hợp Thành, Tú Thịnh, Đông Thọ…
Ông Hoàng Văn Niên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Dương, cho biết trong thời gian tới, huyện xác định phát triển nông nghiệp vẫn là trọng tâm trong cơ cấu kinh tế.
Để tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy chuẩn, hữu cơ. UBND huyện đã ban hành Đề án số 228 về phát triển nông nghiệp hàng hóa huyện Sơn Dương giai đoạn 2018 - 2025, theo hướng mỗi xã tối thiểu phải xây dựng vùng sản xuất hàng hóa 3 - 5 ha. Thực hiện mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 45 sản phẩm đăng ký/33 xã, thị trấn.
Từ những chủ trương, cơ chế chính sách của huyện, với sự nỗ lực vươn lên của nhân dân trong huyện, đến nay huyện Sơn Dương đã xây dựng được những mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Để tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh một số sản phẩm thế mạnh như cây Chanh Nhật, cây dược liệu, chè hữu cơ, lúa gạo hữu cơ, bột sắn dây, rau an toàn, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, cấp chứng chỉ rừng FSC…
Đồng thời, huyện sẽ chủ động nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác, thu hút đầu tư, liên kết của các doanh nghiệp nhằm hình thành các chuỗi giá trị sản xuất, mở hướng đi bền vững cho người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hưng Nguyên
Bài 2: Lực đẩy từ kinh tế hợp tác, HTX