![]() |
Sản phẩm từ khoai lang của vùng cát Quảng Bình mang lại thu nhập ổn định cho người dân. (Ảnh: Int) |
So với cách đây khoảng 5 năm, diện mạo ở các huyện miền núi Quảng Bình nay đã thay da đổi thịt rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Trong 4 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Bình giảm từ 14,42% (năm 2016) xuống còn 4,98% (năm 2020) và giảm 10 xã vùng sâu có tỷ lệ hộ nghèo từ 50% trở lên.
Đổi mới nếp nghĩ, cách làm
Cuối năm 2020, gia đình anh Bùi Xuân Hoà, dân tộc Vân Kiều, ở xã Ngân Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Theo chia sẻ của anh Hoà, từ khi tham gia vào HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ Khoai lang Lâm Hường, cuộc sống của gia đình ngày càng khấm khá, nên không muốn nhận hỗ trợ của Nhà nước nữa.
Sau gia đình anh Hoà, 3 hộ khác ở xã Ngân Thuỷ cũng chủ động viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Điều này cho thấy sự thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS, từ chỗ trông chờ ỷ lại đến tự lực vươn lên về kinh tế để thoát nghèo. Nhờ đó, huyện Lệ Thủy giảm 0,9% số hộ nghèo, 0,5% hộ cận nghèo tính đến cuối năm 2020. Kết thúc năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 47,3 triệu đồng; toàn huyện có 17/24 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lệ Thủy cho hay, để giải quyết sinh kế, nâng cao hiệu quả chất lượng, sản lượng cây trồng, vật nuôi cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, trong năm 2020, huyện đã hỗ trợ trên 2,2 tỷ đồng cho các mô hình kinh tế, khảo nghiệm giống cây trồng mới. Cùng với đó, các mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao đang được quan tâm đẩy mạnh sản xuất. Các tổ chức, cá nhân đã chú trọng việc sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, giá trị sản xuất ngành nông-lâm nghiệp thủy sản tăng 5,14%.
Điển hình là trong năm 2020, huyện Lệ Thủy có 2 sản phẩm là Khoai gieo Lâm Hường (HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ Khoai lang Lâm Hường) và Gạo sạch Lệ Thủy (HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng) được chứng nhận đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
“Với tiềm lực và tâm huyết cao, 2 HTX này đã đóng vai trò chủ lực trong việc thiết lập và thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao tại tỉnh. Bên cạnh đó, các HTX đã góp một phần lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, thúc đẩy vai trò của phụ nữ, chung tay cùng với chính quyền giải quyết công ăn việc làm cho người dân, nhằm xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, đóng góp vào chiến lược phát triển kinh tế của địa phương”, ông Vương đánh giá.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết: Thời gian qua, để thực hiện hiệu quả và triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể và lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng cơ sở, gắn với các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực.
![]() |
Công tác giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số ở huyện Minh Hoá đang phát huy hiệu quả. |
Từ đó, nhiều địa phương tập trung các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực đồng bào DTTS theo hướng tập trung phù hợp. Trong đó, phát triển thêm nhiều mô hình tổ hợp tác, HTX nhằm đoàn kết, tập hợp bà con nông dân để hỗ trợ vốn, đào tạo, tập huấn hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến lâm… phù hợp với nhu cầu, khả năng của người nghèo.
Đối với những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào DTTS, tỉnh triển khai các dự án, chính sách giảm nghèo, như: chương trình 30a, 135, hỗ trợ các xã ngoài chương trình 30a và 135…
Trước đây, gia đình ông Hồ Gô, dân tộc Vân Kiều, xã Trọng Hoá, huyện Minh Hóa là hộ nghèo của xã do còn thụ động trong suy nghĩ và thiếu vốn làm ăn. Sau 2 lần được dự lớp tập huấn về kế hoạch phát triển sản xuất để nâng cao đời sống gia đình, ông Gô vay vốn của chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo để cải tạo vườn trồng cây thanh long. Từ 50 trụ cây đầu tiên, ông tiếp tục nâng lên gần 250 trụ cây thanh long, trong đó 150 cây đã cho thu hoạch. Quả thanh long ngon ngọt của ông được người tiêu dùng ưa chuộng, nhiều người đến đặt mua tận vườn. Ông Gô tiếp tục vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa làm chuồng trại nuôi lợn bản địa và đào ao nuôi cá. Trên vùng đất hoang hóa năm nào, nhờ cách nghĩ mới và biết mạnh dạn thực hiện mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình ông Hồ Gô giờ có thu nhập mỗi năm hơn 150 triệu đồng.
Ông Hồ Kiên ở bản Dộ-Tà Vờng, xã Trọng Hóa hồ hởi nói: "Hơn 60 tuổi đời, chưa bao giờ miềng thấy bản làng cũng như đời sống của bà con có sự đổi thay lớn như hôm nay! Trước đây, có việc gì phải về xã, bà con phải đi bộ gần cả ngày đường; còn bây giờ đường giao thông đã vào đến bản rồi. Con cháu trong bản cũng đã được học trong những lớp học kiên cố. Hiện nay, bà con chăn nuôi, trồng rừng kinh tế, cuộc sống khấm khá hơn rất nhiều, đó là nhờ ơn của Đảng và Nhà nước”.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh xã hội tỉnh Quảng Bình Trịnh Đình Dươngcho biết, từ năm 2019 đến nay, tại huyện nghèo Minh Hóa đã có 59 hộ đồng bào DTTS tự nguyện làm đơn đăng ký xin thoát hộ nghèo. Với những bước đi và cách làm cụ thể, mỗi năm, Minh Hóa giảm được khoảng 4% hộ nghèo, sớm đưa địa phương thoát khỏi danh sách huyện nghèo.
Hoàng Hà
Bài 2: Phát huy vai trò của HTX