Hiện nay, cây mắc ca đã và đang dần trở thành cây trồng chủ lực của bà con DTTS ở Kon Tum. Bởi trồng và chăm sóc đơn giản, hạt mắc ca giàu chất dinh dưỡng, đem lại giá trị hiệu quả kinh tế cao, diện tích mắc ca ngày càng được mở rộng qua từng năm đã giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
Đồng lòng phát triển kinh tế
Trên diện tích đất dốc bỏ hoang của gia đình, năm 2018, chị Y Chiêng người dân tộc Ba na ở xã Vinh Quang, TP. Kon Tum đưa vào trồng thử nghiệm cây mắc ca. Đây là cây trồng mới ở địa phương, nên từ khi trồng, gia đình chị cũng không mấy quan tâm mà chỉ bón phân theo thời vụ. Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cây sinh trưởng, phát triển tốt và chuẩn bị cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.
Cây mắc ca đã và đang trở thành cây trồng chủ lực của bà con DTTS ở Kon Tum, giúp xoá đói, giảm nghèo. |
"Hiện tại, gia đình tôi có 100 cây mắc ca. Năm nay, quả đậu tương đối nhiều. Đến bây giờ quả còn nhỏ, phải chờ đến dịp cuối năm thì mới biết được hiệu quả chính thức", chị Y Chiêng chia sẻ.
Trong khi đó, gia đình ông A Núp, người dân tộc Jrai ở làng Kon Klor, xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum hiện có hơn 1 ha mắc ca được trồng xen trên diện tích cà phê. Đến nay, diện tích mắc ca này đã được 7 năm tuổi và đã cho thu hoạch 3 mùa quả.
Theo ông Núp, cây trồng càng lâu năm thì quả càng sai, sang năm thứ 6 sẽ cho thu hoạch khoảng 4 tấn quả tươi/ha, mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Tương tự, chị H’Rê ở xã Đắc Trăm, huyện Đắc Tô cho biết, cách đây khoảng chục năm, giá mủ cao su xuống thấp, gia đình chị phá 4ha để trồng thuần mắc ca.
Thời điểm xuống giống, lại nghe ngành chức năng khuyến cáo không nên phát triển mắc ca, khiến gia đình không chuyên tâm đầu tư, chăm sóc. Do vậy, năm 2016, mắc ca cho thu hoạch thấp.
Mấy năm trở lại đây, giá mắc ca ổn định ở mức cao, tiêu thụ dễ dàng, chị tập trung đầu tư. Năm nay, nếu mắc ca vẫn giữ mức 90.000 đồng/kg, chị sẽ thu hơn 500 triệu đồng.
Ông Trường Đình Tuệ, Chủ tịch UBND xã Đắc Trăm đánh giá: "Từ một gia đình nghèo khó, chị H’Rê đã phát huy đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, tích cực lao động sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống gia đình, đồng thời vận động các gia đình DTTS trong làng cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp sức phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới".
Để cây mắc ca phát triển bền vững
Theo ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum, cây mắc ca trên địa bàn tỉnh rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS sinh sống và có thể trồng tập trung hoặc trồng xen với cà phê, cao su.
Cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Kon Tum rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS |
Mỗi ha cây mắc ca tập trung, sau năm thứ 3 trồng sẽ cho thu hoạch khoảng 800kg quả, với thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng. Càng về những năm sau, năng suất thu hoạch quả càng tăng lên.
Ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội mắc ca Việt Nam cho biết: “Chúng ta thấy rõ ràng là cây mắc ca sau 3 năm trồng đã có quả và quả rất chất lượng. Những vườn mà bà con đã trồng xen kẽ đều rất tốt. Điều đó nói nên điều kiện trồng mắc ca ở Kon Tum là rất rộng rãi.
Ngoài ra, Kon Tum cần lựa chọn thành lập các HTX để thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm mắc ca, liên kết sản xuất từ khâu cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, quá trình tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, kết nối, xúc tiến các doanh nghiệp có khả năng để đầu tư xây dựng chuỗi liên kết phát triển cây mắc ca từ khâu đầu tư, thu mua, chế biến các sản phẩm mắc ca”.
Để làm được điều đó, tỉnh Kon Tum cần chỉ đạo các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố rà soát nguồn quỹ đất có khả năng trồng cây mắc ca để hình thành mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ gắn với chế biến mắc ca trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ công tác sản xuất, kinh doanh giống cây mắc ca, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ mắc ca và tạo điều kiện thuận lợi để các HTX đầu tư phát triển trồng và chế biến mắc ca theo chuỗi giá trị.
Trong đó, xây dựng các HTX, tổ hợp tác sản xuất cây mắc ca bền vững, xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, thương hiệu, quảng bá sản phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ và xúc tiến thương mại, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sản xuất cây mắc ca an toàn, bền vững, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, chất điều hòa sinh trưởng hóa học, tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cây mắc ca trên địa bàn tỉnh và xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển cây mắc ca hướng đến mục tiêu xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào DTTS.
Đoàn Huyền
Bài cuối: Động lực từ HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm