“Hạt nữ hoàng”, “cây tỷ đô” là những ngôn từ mỹ miều được dành cho một loại hạt có nguồn gốc từ Autralia, được xem là loại cây có khả năng mang lợi nhuận vượt trội so với các loại cây nông sản khác. Ban đầu, đã có nhà khoa học đưa ra dữ liệu về mắc ca như một cây có thể cho ra 70kg hạt, được bán với giá 15 USD/kg. Chỉ mất ngót nghét chục năm Việt Nam có thể trồng được 100.000ha mắc ca và đạt kim ngạch 1 tỷ USD.
Chất lượng phụ thuộc thổ nhưỡng
Tại thị trường Việt Nam, giá mắc ca khô, còn vỏ cứng, chưa nứt có giá khoảng 300.000 - 350.000 đồng/kg; loại còn vỏ, nhưng đã làm nứt giá 400.000 đồng/kg. Riêng nhân đã được tách vỏ giá dao động 900.000 - 1.400.000 đồng/kg.
Trên thế giới, cây mắc ca được trồng nhiều ở Autralia, Mỹ, Nam Phi, Kenya và một số nước khác. Tổng diện tích khoảng 80.000ha, sản lượng 140.000 tấn quả/năm. Tại Autralia, giá quả khô từ năm 1987 - 2014 dao động trong khoảng 1,5 - 4,0 đô la Autralia/kg (tương đương 25.000 - 70.000 đồng/kg). Gần đây, giá mắc ca có xu hướng tăng do nhu cầu trên thế giới tăng, chủ yếu ở châu Á. Nhiều nước trên thế giới đang mở rộng nhanh diện tích trồng mắc ca.
Giá trị lớn của cây mắc ca khiến cho ngay thời kỳ đầu, nhiều nông dân, DN muốn đầu tư cho loại cây này. Mới đây, Tập đoàn Him Lam quyết định trồng tới 200.000ha mắc ca tại Việt Nam. Sự hồ hởi đón nhận cây mắc ca của nhiều nông dân, DN với kỳ vọng thu lợi nhuận cao khiến nhiều chuyên gia phải lên tiếng cảnh báo về tính hai mặt của loại cây này nói chung và một nông sản đặc biệt nói riêng.
Các chuyên gia cảnh báo, những số liệu trên không hẳn là lý tưởng, vì mỗi vùng đất có khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau tạo ra loại sản phẩm có chất lượng khác.
Thực tế từ năm 2002, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành nhập giống, khảo nghiệm giống ở nhiều địa phương trong cả nước, gồm: Ba Vì (Hà Nội); Mai Sơn (Sơn La); Đồng Hới (Quảng Bình); Đại Lải (Vĩnh Phúc); Krông Năng (Đăk Lăk) và Đắk Plao (Đắk Nông); Tân Uyên (Lai Châu); Tp.Thái Nguyên (Thái Nguyên); Lạc Thủy (Hòa Bình); Thạch Thành (Thanh Hóa); Khe Sanh (Quảng Trị); K’bang (Gia Lai); Cầu Hai (Phú Thọ); Nam Đàn (Nghệ An); Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng); Đắk Hà (Kon Tum).
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm bước đầu cho thấy cây mắc ca có khả năng sinh trưởng và phát triển tại các điểm trồng khảo nghiệm, nhưng tỷ lệ đậu quả, sản lượng quả rất khác nhau. Ở các mô hình khảo nghiệm có quả thì sản lượng hạt tươi cao nhất vào năm thứ 10 đạt từ 17,5 - 21,5 kg/cây (tương đương 3,9 - 4,7 tấn/ha/năm), thấp nhất đạt 9,4 - 12,4 kg/cây (tương đương 1,9 - 2,5 tấn/ha/năm); có một số địa điểm cây không đậu quả.
Tham quan mô hình trồng mắc ca tại Mai Sơn, Sơn La
Chính vì vậy, mới đây, Bộ NN&PTNT có Văn bản số 2749, thông báo về việc phát triển cây mắc ca, gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công văn nêu rõ, do mắc ca là cây trồng mới, quá trình khảo nghiệm cho kết quả còn khác nhau, mặt khác cần xem xét kỹ các vấn đề về chế biến, thị trường. Do vậy, Bộ NN&PTNT chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca. Quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, công nghệ chế biến mắc ca cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện, Bộ đang chỉ đạo các các đơn vị chức năng khẩn trương tập trung nghiên cứu và ban hành trong năm nay. Theo kế hoạch, tổng diện tích mắc ca cả nước đến năm 2020 là khoảng 10.000ha, bao gồm cả trồng tập trung và trồng xen.
Từ mắc ca nhìn quy hoạch
Động thái sớm ra kết luận về phát triển cây mắc ca của Bộ NN&PTNT rất kịp thời và có ý nghĩa trong việc ngăn phát triển nóng loại cây này. Suy cho cùng, mắc ca dù đắt giá đến đâu cũng là một loại cây nông nghiệp. Bao năm qua, ngành nông nghiệp chứng kiến sự lên xuống thất thường, trồi sụt của thị trường những cây, con có thế mạnh ở Việt Nam như cà phê, cao su, cá tra… Thời điểm đầu khi nhu cầu thị trường còn cao, nguồn cung chưa nhiều, giá sản phẩm vì thế cũng ở đỉnh. Sau do nguồn lợi hấp dẫn, nhiều người lao vào nuôi, trồng, sản phẩm lại dần xuống giá, thậm chí tụt đáy dưới giá thành sản xuất. Nhiều nông dân, DN ban đầu thành công, là tỷ phú, nhưng vài năm sau trắng tay, thành con nợ, bán hết nhà đất cũng không đủ trả.
Mặt khác, hàng loạt tấm gương nông sản chủ lực xuất nhiều nhưng giá thấp so với các nông sản cùng loại của các thị trường XK khác trên thế giới, cũng là một bài học mà người trồng cây mắc ca cần nhìn nhận. Hạt mắc ca giờ có giá trị cao, nhưng ai bảo đảm hàng chục năm tới, khi Việt Nam sẵn sàng là một trong những nguồn cung tiềm năng của thị trường thế giới, thì mắc ca lại không đảo chiều đi xuống.
Rồi câu chuyện từ giống cũng mang tính chất quyết định. Sản xuất dù mạnh đến đâu nhưng không chủ động được giống, phụ thuộc nhập khẩu thì lợi nhuận thu về cũng sẽ phập phù, biến động theo giá giống. Thời gian qua, khi một số địa phương phát triển cây mắc ca, nhiều cơ sở tư nhân đã lợi dụng nhu cầu của nông dân tuồn những loại giống kém chất lượng để bán với giá cao. Bộ NN&PTNT đến nay mới công nhận 10 giống mắc ca được đưa vào trồng, trong đó 3 giống là các dòng OC,26 và 816, 7 giống tiến bộ kỹ thuật là các dòng Daddow, 842, 849, 741, 800, 900 va 695.
Vấn đề chế biến, với nhiều nông sản có truyền thống phát triển từ lâu đời như cà phê, cao su, hồ tiêu… còn đang ở thế bí trong công nghệ đáp ứng nhu cầu thị trường nói gì đến một loại cây còn tương đối lạ lẫm với nông dân Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều nhà khoa học cho rằng nên thận trọng khi phát triển loại cây này.
Thu Hường