Hội thảo “Phát triển cây macadamia (mắc ca) vì mục tiêu làm giàu của nông dân Tây Bắc và Tây Nguyên” đã diễn ra tại Hà Nội ngày 8/7. Ts. Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây, cho biết “cây macadamia (mắc ca) có xuất xứ từ Australia. Với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt mắc ca được mệnh danh là “hoàng hậu của các loại hạt”.
Kỳ tích như cây cà phê?
Tuy là một đối tượng cây công nghiệp rất non trẻ, nhưng tại Australia và Mỹ, mắc ca đã phát triển thành một ngành kinh tế mang lại giá trị hàng tỷ USD. Các sản phẩm mắc ca đã được đón nhận như những thực phẩm cao cấp, giàu dinh dưỡng, giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp...
Hiện sản lượng mắc ca trên toàn thế giới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu, trong khi tốc độ tăng trưởng của nhu cầu thị trường bình quân khoảng 15%/năm. Theo các thống kê trên thế giới, 5 nước đứng đầu về sản lượng macadamia hiện là Australia, Nam Phi, Mỹ, Malawi và Brazin. Việt Nam hiện đứng thứ 11 trong 17 nước có diện tích mắc ca lớn nhất trên thế giới với khoảng 1.000ha.
Gs. Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng, đưa ra dự báo: “Nhu cầu nhân mắc ca trên thị trường thế giới sẽ cao gấp 10 lần so với cà phê”. Cà phê chủ yếu làm đồ uống và một phần nhỏ pha rượu hay bánh kẹo trong khi nhân mắc ca do đặc điểm giòn, bùi, thơm ngon, cách ăn và chế biến cũng rất đa dạng. Vì là đồ ăn nên lượng tiêu dùng hàng ngày của mỗi người sẽ lớn hơn cà phê, ca cao rất nhiều.
Với hàm lượng axit béo không no cao, mắc ca sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời chống lại nỗi lo bệnh tim mạch của thời đại và làm dung môi trong ngành sản xuất mỹ phẩm - một ngành sản xuất đang phát triển với tốc độ cao do siêu lợi nhuận.
Từ năm 2002, cây mắc ca được nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn đưa về Việt Nam để khảo nghiệm. Ông Nguyễn Công Tạn nhận định, 2 vùng khí hậu Tây Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam rất phù hợp để phát triển cây mắc ca.
Kiểm tra dự án thí điểm trồng mắc ca ở Điện Biên
Đến nay, đã có thể khẳng định là Việt Nam có đầy đủ các yếu tố và hoàn toàn có khả năng để phát triển cây mắc ca thành một ngành kinh tế mới với tiềm năng vô cùng to lớn. Một trong những thành quả đáng quan tâm nhất là sản lượng mắc ca tại Việt Nam không hề thua kém, thậm chí còn cao hơn cả so với Australia - nước giữ vị trí số một thế giới về diện tích và sản lượng.
Hiện nay, 1 cây mắc ca có thể cho tới 70kg quả và với giá hiện khoảng 15 USD/kg nhân, thì 1ha mắc ca mang lại thu nhập 2.000 - 3.000USD cho nông dân. Nếu đầu tư chế biến, giá trị có thể gấp 3 lần và nếu sản xuất mỹ phẩm thì giá trị sẽ tăng lên 20 lần.
Việt Nam chỉ cần 10 năm để phát triển 100.000ha, khi ấy ngành này có thể cho kim ngạch XK khoảng 2 tỷ USD/năm. 100.000ha mắc ca có thể giúp 200.000 hộ nông dân trở thành giàu có, đồng thời có thể tạo ra hàng vạn lao động cho ngành chế biến và thương mại.
“Khi Việt Nam gia nhập thị trường cà phê thế giới thì diện tích trồng cà phê trên thế giới đã lên đến 1 triệu ha, sản lượng hàng triệu tấn, cân bằng cung cầu về cơ bản đã được xác lập. Việt Nam bước vào cuộc đua quá muộn và trong thời gian cực ngắn, khoảng 15 năm, đã tạo nên đột phá lớn, đưa diện tích cà phê tăng thêm 0,5 triệu ha. Sự đột phá này đã phá vỡ cân bằng cung cầu của thế giới, khiến giá cà phê suy sụp, khiến tất cả các nước XK cà phê đều thua thiệt. Tình hình đặt ra với cây mắc ca hoàn toàn khác. Diện tích và sản lượng mắc ca hiện nay trên thế giới còn quá thấp mới chỉ vài vạn ha, tính hấp dẫn và đặc điểm sử dụng nhân mắc ca cho phép nâng diện tích và sản lượng lên gấp hàng chục lần so với cây cà phê”, ông Tạn nói.
Hấp dẫn nhiều doanh nghiệp
Trong hơn 10 năm qua, đã có nhiều DN ở Việt Nam “âm thầm” đầu tư vào cây mắc ca. Trong đó phải kể tới là Vinamaca với thành công bước đầu khá vững chắc trong lĩnh vực giống cây và phát triển canh tác tại Tây Nguyên. Lĩnh vực này trở nên sôi động hơn khi ngân hàng Lienviet Postbank mới đây đã công bố Đề án 10.000 tỷ đồng đầu tư vào mắc ca.
Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế (IDT), cho biết dự án trồng cây mắc ca ở Điện Biên được IDT đầu tư triển khai từ năm 2012.
Tổng diện tích quy hoạch của dự án này là 4.009ha trên địa bàn các xã Phình Sáng, Pú Nhung, Quài Nưa, Quài Cang huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Trong 2 năm 2012 - 2013, Công ty Maccadamia Điện Biên đã triển khai hợp tác trồng trên địa bàn tỉnh với diện tích trên 50ha mắc ca tại Điện Biên.
Thực tế cho thấy cây sinh trưởng và phát triển đều rất tốt, phù hợp với thời tiết khí hậu trên vùng Tây Bắc, bình quân chiều cao của cây khoảng 1,2 - 1,5m, đường kính từ 2 -3cm ,tỷ lệ cây sống đạt trên 98%. Những cây mắc ca được trồng thí điểm cách đây 5 - 7 năm hiện rất sai quả và cho chất lượng nhân rất tốt.
Trong năm 2014, Dự án chế biến macadamia của IDT đã giới thiệu ra thị trường sản phẩm macadamia chế biến với thương hiệu DELIX. DELIX có 4 loại sản phẩm là macadamia rang muối, rang mù tạt, rang mật ong và rang tự nhiên.
Cây mắc ca đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Điều 12 của Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa chính thức có hiệu lực từ 10/2/2014 quy định: Các dự án trồng cây macadamia có quy mô từ 50ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây macadamia quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở.
Thu Hường