Là cây trồng khá mới tại Kon Tum, được đánh giá là một trong những loại cây có giá trị kinh tế cao và có lợi thế của tỉnh, để phát triển mở rộng diện tích cây mắc ca đạt hiệu quả cao, việc ứng dụng kỹ thuật sản xuất theo VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao… sẽ được đầu tư tập trung để đạt năng suất, chất lượng.
Hình thành vùng chuyên canh lớn
Theo ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum, các giống mắc ca được trồng chủ yếu hiện nay tại Kon Tum là các dòng H2, A38, OX, OC, DAD, A4, Quế Nhiệt. Trong đó, ưu thế vượt trội là các dòng A38, OC, H2. Cây mắc ca phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tỉnh Kon Tum, được trồng tập trung tại các huyện Đăk Glei, Kon Plông, Đăk Tô, Ngọc Hồi và Kon Rẫy.
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Kon Tum hình thành các vùng chuyên canh mắc ca lớn. |
Để tạo thêm hướng đi mới từ tiềm năng, thế mạnh, từ đó hình thành các vùng chuyên canh lớn, tỉnh Kon Tum đã rà soát nguồn quỹ đất có khả năng trồng cây mắc ca để hình thành mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ gắn với chế biến mắc ca trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ công tác sản xuất, kinh doanh giống cây mắc ca, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ mắc ca và tạo điều kiện thuận lợi để các HTX đầu tư phát triển trồng và chế biến mắc ca theo chuỗi giá trị.
Tại huyện Đắc Glei, dân cư đa phần là đồng bào các dân tộc Kinh, Ba Na, Xê Đăng, Giẻ Triêng, Rơ Ngao (trong đó, đồng bào DTTS chiếm 50%). Khi chưa có cây mắc ca, bà con chủ yếu trồng khoai mỳ, cây bời lời.
Anh A Nhiếp, người dân tộc Xê Đăng, thôn Pêng Bloong, xã Đắk Long trồng cây mắc ca từ năm 2016, đến năm 2020 thì cây bắt đầu bói quả. Chi phí đầu tư trồng 1 ha cây mắc ca đến khi thu hoạch khoảng 4 năm đối với cây ghép hết khoảng 200 triệu đồng.
“Năm nay, toàn bộ cây mắc ca của gia đình tôi đã ra quả, năng suất 10 kg/cây, được thương lái cam kết thu mua với giá 70.000 đồng/kg quả đã xát vỏ nên gia đình tôi rất yên tâm. Trong bản, hiện có 5 hộ dân trồng mắc ca với khoảng 1.000 cây”, anh A Nhiếp cho biết.
“Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2025, tỉnh sẽ hướng đến trồng tập trung, quy mô diện tích đủ lớn, không trồng rải rác để tạo thành những vùng sản xuất lớn, cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và tập trung tại các xã, thị trấn có lợi thế và tiềm năng phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây mắc ca. Sử dụng các loại giống cây mắc ca mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay và có triển vọng để phục vụ xuất khẩu”, ông Liêm thông tin.
Tạo luồng sinh khí mới
Suốt nhiều năm, người dân huyện Đắc Glei loay hoay với bài toán “nuôi con gì, trồng cây gì” để mang lại hiệu quả kinh tế, tạo sự bứt phá, gắn với bảo vệ rừng bền vững, đến nay bước đầu đã có lời giải.
Cây mắc ca dễ trồng, không mất nhiều công chăm bón, mang lại giá trị cao cho đồng bào DTTS Kon Tum. |
Với diện tích đất đồi sẵn có, đồng bào DTTS có thể trồng mắc ca bằng việc liên kết thành lập các tổ hợp tác, HTX thông qua góp đất, hoặc người dân có thể tự trồng.
Ngoài ra, trong giai đoạn đầu khi cây chưa cho thu hoạch, người dân trong vùng, nhất là những hộ gia đình góp đất có thể trở thành người lao động của HTX.
Khi tham gia chăm sóc, bảo vệ cho các diện tích trồng cây mắc ca của HTX, người dân được trả lương hàng tháng phù hợp với sức lao động. Đây là một tín hiệu đáng mừng, giúp nhiều hộ dân có thêm công ăn việc làm, nâng cao mức thu nhập, cải thiện đời sống.
Bà Y Loan là người dân tộc thiểu số Giẻ Triêng ở thôn Đắc Sút, xã Đắc Kroong, huyện Đắc Glei cho biết, trước đây gia đình chủ yếu trồng cà phê, nhưng 10 năm nay đã mạnh dạn trồng chuyên canh cây mắc ca. Nhờ mua được nguồn giống đạt chuẩn và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên mắc ca đã kết trái với năng suất ổn định hơn 3 tấn/ha. Với giá thu mua ở mức gần 80.000 đồng/kg, mắc ca đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Theo bà Y Loan, mắc ca là loại cây dài ngày dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, mỗi năm chỉ bón phân từ 2- 3 lần, dọn cỏ dại là cây có thể phát triển bình thường.
Ông A Thẳng, Chủ tịch UBND xã Đắc Kroong cho rằng: "Cây mắc ca thực sự đã mang lại một luồng sinh khí mới cho bà con nơi đây. Toàn xã hiện nay có hơn 30 ha trồng cây mắc ca. Từ chỗ e ngại, hiện tại nhiều hộ dân đã mạnh dạn góp đất trở thành thành viên HTX hoặc liên kết thành lập HTX để trồng và phát triển cây mắc ca. Việc trồng cây mắc ca bước đầu cho những kết quả rất khả quan, hiệu quả kinh tế mang lại là rất rõ nét, người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống".
Ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum nhận định, việc chuyển đổi diện tích trồng các loại cây hoa màu kém hiệu quả trên đất dốc, đất đồi bạc màu sang trồng cây mắc ca là hướng đi đúng đắn.
Mắc ca đã giúp khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ đất và nguồn nước, chống xói mòn. Đồng thời, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS.
Đoàn Huyền
Bài 2: Mở hướng thoát nghèo, vươn lên làm giàu