Theo quyết định số 124/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Hiệp hội. Hiệp hội sẽ cung cấp thông tin và truyền thông cho các đối tượng có liên quan, giúp thị trường được phát triển theo định hướng của Chính phủ.
Cầu nối từ hiệp hội
Trong một hội nghị về nông nghiệp gần đây, ông Dương Công Minh - Chủ tịch công ty CP Him Lam (cùng với LienVietPostBank là hai đơn vị chủ chốt trong việc vận động để thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam) cho biết: Với mục tiêu thành lập và phát triển Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, việc này sẽ đem lại nhiều giá trị thiết thực cho các đối tượng tham gia trong chuỗi cung ứng mắc ca.
Theo ông Minh, tránh lặp lại những yếu điểm của các hiệp hội ngành nghề khác hiện nay, Hiệp hội Mắc ca sẽ thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp (DN).
Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ tích cực thực hiện xúc tiến thương mại, tạo các kênh xuất khẩu, giúp DN trong nước tham gia ngành dễ dàng; kiến nghị các chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển ngành mắc ca từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu (XK).
Nhiều người tham gia trong chuỗi cung ứng mắc ca cũng đồng tình với ý kiến này. Họ cho rằng để truyền thông đến nông dân, cũng như thị trường nội địa hiểu biết về một ngành hàng non trẻ như mắc ca, cần phải có một tổ chức hiệp hội được thành lập - làm cơ quan kết nối các nguồn lực, xây dựng các chiến lược định hướng phát triển chung cho toàn ngành.
Cho đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, vùng Tây nguyên có khoảng 1.620 ha đã được trồng cây mắc ca, chủ yếu diện tích trồng từ năm 2009 đến nay.
Trên thực tế, giới chuyên gia nông nghiệp vẫn lưu ý ngành mắc ca Việt cần phải thận trọng trong việc phát triển nhằm tránh đi theo vết xe đổ của của một số loại cây công nghiệp khác.Chính vì vậy, việc quy hoạch và tuân thủ quy hoạch về phát triển cây mắc ca là cực kỳ bức thiết trong lúc này.
Giám đốc một DN kinh doanh hạt mắc ca ở tỉnh Bình Phước cho biết để có một nền sản xuất có năng suất và chất lượng cao, cây mắc ca cần được trồng trên những vùng đất có điều kiện tự nhiên phù hợp. Do đó, việc triển khai quy hoạch vùng trồng phải được đầu tư đúng mức.
Tuy nhiên, triển khai quy hoạch trồng cây mắc ca tại vùng Tây Nguyên rất cần tuân thủ các quy trình khảo sát thực địa và thu thập xử lý số liệu. Việc quy hoạch phải dựa trên các cơ sở khoa học về thổ nhưỡng, khí hậu, độ cao… với phương pháp tiếp cận khách quan được đối chứng số liệu đảm bảo độ chính xác của số liệu.
Đầu ra tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị cho ngành mắc ca Việt Nam
Cần định hướng của Nhà nước
Có thể thấy, trong chuỗi giá trị cho ngành mắc ca Việt Nam, đầu ra cho sản phẩm đóng vai trò quan trọng. Nếu muốn phát triển chuỗi giá trị mắc ca bền vững, chiến lược tiêu thụ sản phẩm cũng phải xây dựng theo hướng bền vững.
Theo giới chuyên gia, việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra của mắc ca có bền vững hay không phụ thuộc vào các yếu tố sau: lượng cầu sản phẩm của thị trường nội địa, làm chủ về công nghệ chế biến sâu, giữ được giá trị lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, yếu tố cực kỳ quan trọng là DN nội địa cần có tiềm lực tài chính và quản trị để tham gia vào ngành này. Song song đó, là chính sách định hướng và hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước. Khi lượng cầu sản phẩm của thị trường nội địa lớn và ổn định, sẽ giảm bớt áp lực XK.
Để tăng lượng cầu sản phẩm của thị trường nội địa, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng, đồng thời vai trò kết nối giữa người tiêu dùng và người sản xuất của Hiệp hội Mắc ca khi ấy cần phải được phát huy.
Với sự mới mẻ như mắc ca, cần lưu ý điểm yếu trong trong XK nông sản Việt. Đó là các DN không làm chủ được công nghệ chế biến sâu sản phẩm, chỉ làm gia công các sản phẩm thô, với giá trị gia tăng ít, tận dụng lợi thế nhân công rẻ.
Ngoài ra, nạn thao túng thị trường và chiếm lĩnh nguồn nguyên liệu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng là nỗi lo của DN nội địa, cũng như chính quyền địa phương, nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào.
Để hạn chế tình trạng này diễn ra trong ngành mắc ca, đòi hỏi ngành này cần có những DN nội địa có tiềm lực mạnh, làm vai trò dẫn đầu thị trường trong nước, từ khâu tổ chức mạng lưới thu mua, sơ chế bảo quản sau thu hoạch cho đến việc xây dựng các nhà máy chế biến tại các vùng nguyên liệu.
Theo giới chuyên gia, các DN trong lĩnh vực mắc ca có thể tận dụng được lợi thế cạnh tranh của môi trường kinh doanh nội địa, hạn chế sự lấn át của khối doanh nghiệp FDI.
Ông Dương Công Minh cho rằng để phát triển ngành mắc ca bền vững, vai trò chính sách nhà nước đóng vai trò chủ đạo và cần được quan tâm đúng mức. Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng phát triển ngành ngày, vì vậy phải có những chính sách thu hút các DN có tiềm lực về tài chính và quản trị tham gia vào các chuỗi cung ứng.
Hơn nữa việc quy hoạch vùng trồng nguyên liệu mắc ca cần chú ý đến năng lực cạnh tranh của từng địa phương. Thêm vào đó, việc áp dụng công nghệ cao là phương thức cần có để nâng cao giá trị gia tăng của hạt mắc ca Việt trong tương lai.
Thanh Loan