Theo Liên minh HTX tỉnh, hiện nay Sóc Trăng có 207 HTX với trên 35.000 thành viên, có 2 liên hiệp HTX và 1.251 tổ hợp tác, thu hút trên 30.400 thành viên tham gia.
Nâng cao giá trị thu nhập
Các HTX, THT, liên hiệp HTX hoạt động trong các lĩnh vực nông - lâm - ngư - diêm nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tín dụng, thương mại được đánh giá là tương đối hiệu quả nên thu hút được người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia.
Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi bò của HTX Kiết Lập B (xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị) ra đời được xem như một bước ngoặt “đổi đời” của bà con dân tộc thiểu số nghèo ở ấp Kiết Lập B. HTX cũng khẳng định được vai trò kinh tế tập thể trong sản xuất, thay đổi nhận thức của nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang phương thức hợp tác liên kết hỗ trợ nhau để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.
Bình quân mỗi hộ dân trong HTX chỉ có hơn 1ha đất nông nghiệp, nếu mạnh ai nấy làm, có cố gắng lắm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Không có tinh thần hợp tác, không kết hợp chăn nuôi thì người dân mong gì đến chuyện làm giàu như hôm nay.
Thấy được vai trò của mô hình kinh tế tập thể trong việc nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, Sóc Trăng đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX phát triển theo chuỗi giá trị.
HTX Evergrowth giúp người dân tiêu thụ sữa ngay trong mùa dịch Covid-19. |
Đơn cử, tỉnh đã tạo điều kiện cho HTX Evergrowth liên kết với dự án nước ngoài, ngân hàng, hỗ trợ HTX hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý, điều hành, hệ thống thu mua và bán sữa. Tỉnh cũng tạo điều kiện về đất đai, vốn để HTX Evergrowth đầu tư trụ sở và hệ thống máy móc thiết bị khang trang, hiện đại.
Theo ban giám đốc HTX, trong quá trình hoạt động, HTX Evergrowth được cấp 1.100m2 đất, được Dự án nâng cao đời sống nông thôn tài trợ hơn 4 tỷ đồng để xây dựng văn phòng làm việc và mua sắm thiết bị máy móc, xe tải... Chính vì vậy mà cơ ngơi của Evergrowth được đánh giá là hiện đại bậc nhất trong chăn nuôi bò của khu vực kinh tế tập thể hiện nay.
Việc chuẩn bị công phu cùng với tổ chức khoa học về kiến thức chăn nuôi và quản lý, HTX Evergrowth đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Các nông hộ đã áp dụng tốt kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, theo dõi lên giống chặt chẽ, biết phát hiện một số bệnh thông thường và cách xử lý. Chất lượng sữa luôn đạt hạng cao nhất AAA theo tiêu chuẩn phân loại của Vinamilk.
Phát triển HTX theo chiều sâu
Phát triển sản xuất ở quy mô vừa và nhỏ thông qua hoạt động của HTX, tổ hợp tác là hướng phát triển hài hòa trong chiến lược phát triển kinh tế hiện nay. Mô hình kinh tế tập thể đã từng bước khẳng định vai trò của mình trong việc thay đổi cách nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng luôn xác định mô hình kinh tế tập thể chính là mấu chốt để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo cho bà còn đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi lẽ, với điều kiện sản xuất hiện nay, cần phải có sự liên kết để tạo ra được sản phẩm chất lượng, số lượng hàng hóa lớn thì mới có thể cạnh tranh được trong điều kiện sản xuất khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, trong phát triển các HTX, tổ hợp tác vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Tại các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi bò, công tác lai tạo, chọn giống bò thịt chưa được một số HTX, tổ hợp tác cũng như đồng bào dân tộc thiểu số quan tâm.
Muốn nâng cao chất lượng đàn bò cần quan tâm phát triển mô hình kinh tế tập thể. |
Phương thức tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm và giá cả bò thịt làm cho người chăn nuôi bị động, tiêu thụ sản phẩm còn lệ thuộc nhiều vào thị trường, do vậy giảm hiệu quả chăn nuôi.
Tay nghề của đội ngũ kỹ thuật viên trong HTX, tổ hợp tác chưa đáp ứng tình hình dịch bệnh trên bò sữa. Kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của nông dân còn hạn chế, chưa đáp ứng được phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi công nghệ cao còn ít...
Theo Ban giám đốc HTX Liên Kiệt B, nếu tổ chức chăn nuôi bò theo mô hình công nghệ cao thì hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Đây cũng là điều kiện để thu hút doanh nghiệp liên kết chuỗi. Tuy nhiên, nguồn vốn của HTX vẫn còn hạn chế.
Để phát huy tốt vai trò của mô hình HTX, Sóc Trăng xác định cần tận dụng nguồn lực từ các dự án ở trong và ngoài nước để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, các HTX, tổ hợp tác phát triển sản xuất. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ chính sách đầu tư cho các hộ nuôi thuộc đối tượng hộ nghèo, bà con vùng đồng bào dân tộc, các tổ hợp tác, HTX có nguyện vọng phát triển sản xuất bền vững theo chuỗi giá trị.
Tỉnh cũng kết hợp với các ngành liên quan hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác cải thiện chất lượng con giống, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh. Sóc Trăng luôn khuyến khích việc hình thành các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học như nuôi bò theo hướng VietGAP; quan tâm giải quyết vấn đề đầu ra...
Đây chính là những bước đồng hành để phát triển các HTX theo Luật HTX 2012. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Vương Quốc Nam, cho biết thông qua việc thực hiện mô hình HTX kiểu mới càng giúp ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Các thành viên trong THT, HTX được tiếp cận với những chính sách ưu đãi mới, từ đó góp phần đưa hiệu quả hoạt động đi vào chiều sâu.
Định hướng trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn, trong đó quan trọng nhất chính là nâng cao giá trị thu nhập cho bà con nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, muốn nâng cao được thu nhập thì phải nâng cao được chất lượng của HTX và tích cực hợp tác sản xuất.
“Tỉnh coi đây chính là "đòn bẩy" trong phát triển nông nghiệp và giúp cho đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đi đúng hướng hơn”, ông Vương Quốc Nam nhấn mạnh.
Như Yến