Mỹ Xuyên là một huyện thuần nông nằm ở phía Nam của tỉnh Sóc Trăng với diện tích đất nông nghiệp 32.573 ha, trong đó đất sản xuất mô hình luân canh tôm - lúa 17.700 ha. Do nằm tiếp giáp giữa nguồn nước ngọt và nguồn nước mặn, vùng sản xuất tôm - lúa của huyện có 6 tháng nước ngọt vào mùa mưa và 6 tháng nước lợ vào mùa khô. Chính điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trồng lúa vào mùa mưa và nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ) vào mùa khô.
Chuyển biến mạnh mẽ
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển mô hình tổ hợp tác, HTX luân canh tôm - lúa. Trong đó, HTX Nông ngư Hòa Đê (xã Hòa Tú 1) là một mô hình tiêu biểu đã thực hiện rất thành công mô hình tôm - lúa.
Được sự hỗ trợ từ nhiều chương trình, dự án, HTX thực hiện sản xuất tôm – lúa theo hướng VietGAP. Đặc biệt, 3 năm gần đây, HTX đã ký kết hợp đồng sản xuất lúa hữu cơ với một doanh nghiệp trên tổng diện tích 15 ha.
Bình quân, mỗi ha nuôi tôm càng xanh nuôi trên ruộng lúa, người nuôi có lãi từ 15 - 20 triệu đồng khi thu hoạch tôm càng xanh, những năm có tỷ lệ tôm đạt loại 1 (từ 10 - 15 con/kg) cao thì mức lãi còn lớn hơn.
Mô hình lúa-tôm là một trong những thế mạnh ở Mỹ Xuyên. |
Mô hình của HTX Hòa Đê là hướng đi mới của vùng tôm-lúa Mỹ Xuyên nhằm nâng cao giá trị con tôm, cây lúa, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện.
Cùng HTX Hòa Đê, HTX Sản xuất lúa cao sản tại ấp Phô Nô Cam Phôth (xã Tham Đôn) cũng là một trong những điển hình trong sản xuất kinh doanh của huyện. Hiện, HTX có 31 thành viên, tổng diện tích đất sản xuất trên 80 ha.
Sự ra đời của HTX đã giúp thành viên, các hộ dân liên kết có điều kiện tương trợ vốn, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất để giảm rủi ro, nâng cao năng suất, chất lượng và uy tín của sản phẩm.
HTX cũng đang thực hiện liên kết với các công ty, doanh nghiệp để cung ứng vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân địa phương.
Có thể thấy, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm thúc đẩy sản xuất, nhất là phát huy vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới, huyện Mỹ Xuyên đã tập trung triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ các mặt hàng chủ lực như tôm, bò sữa, bò lai sind, lúa, màu… theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và có sự tham gia của các tổ hợp tác, HTX.
Nông thôn mới cũng trở thành nền tảng hình thành nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, nỗ lực thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tiêu biểu như các tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa của xã Tham Đôn, Đại Tâm và Thạnh Phú thực hiện liên kết tiêu thụ sản lượng sữa bò với Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) với lợi nhuận bình quân 30.000 đồng/con/ngày (7.100.000 đồng/con/năm), từ đó giúp nhân dân có việc làm, ổn định đời sống.
Nhờ đó, hạ tầng ngày càng đồng bộ, việc lưu thông đi lại, sản xuất, buôn bán, kinh doanh thêm thuận lợi, nông nghiệp được tái cơ cấu hợp lý…, thu nhập của người dân Mỹ Xuyên liên tục được cải thiện.
Chuyển từ "lượng" sang "chất"
Đến cuối năm 2020, huyện Mỹ Xuyên có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Ngọc Tố, Gia Hòa 1, Gia Hòa 2, Hòa Tú 1, Hòa Tú 2, Ngọc Đông, Đại Tâm, Thạnh Phú, Thạnh Quới, Tham Đôn. Huyện cũng hoàn thành 9/9 tiêu chí nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, huyện đã huy động được trên 5.962 tỷ đồng trong xây dựng nông thôn mới. Toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được đảm bảo theo chuẩn nông thôn mới. Đường huyện dài hơn 60km, đạt tỷ lệ 100%, kết nối thông suốt từ trung tâm huyện đến trung tâm hành chính các xã. Đường trục xã, từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt tỷ lệ 100%. Đường trục ấp, liên ấp được cứng hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 100%. Đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt tỷ lệ 100% (trong đó được cứng hóa đạt tỷ lệ 76,21%), tăng 236,5%.
Tổ hợp tác chăn nuôi bò xã Tham Đôn giúp người dân nâng cao thu nhập. |
Từ năm 2011 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 27,63% xuống chỉ còn 1,7%, thu nhập bình quân đầu người từ 22 triệu đồng tăng lên 49,3 triệu đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản từ 83 triệu đồng lên 169 triệu đồng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định…
Theo kế hoạch, Mỹ Xuyên phấn đấu đến năm 2025 duy trì và nâng chất lượng 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu) và hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, huyện xác định sẽ đi theo định hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, bảo đảm thực hiện thường xuyên, lâu dài. Trong đó, chú trọng hoàn thiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Vĩnh Bảo