Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người/năm của huyện Ngoc Lặc ước đạt 39,2 triệu đồng, tăng 3,2 triệu đồng so với năm 2019. Năm 2020, toàn huyện thành lập mới được 3 HTX, 50 doanh nghiệp; nâng tổng số HTX và DN trên địa bàn huyện là 31 HTX và 277 doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Thời gian qua, huyện Ngọc Lặc thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016-2021, định hướng đến năm 2025”. Lồng ghép chính sách từ các chương trình giảm nghèo như Chương trình 135, Nghị quyết 30a... để khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số, HTX, doanh nghiệp phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, kinh tế hộ gia đình. Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
![]() |
Diện mạo phát triển của huyện Ngọc Lặc. |
Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả có múi tại các xã: Lộc Thịnh, Cao Ngọc, Thạch Lập, Ngọc Sơn, Phúc Thịnh, Ngọc Liên. Đã thực hiện chuyển đổi cây trồng hiệu quả thấp sang trồng cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đạt từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều mô hình liên kết chăn nuôi gà gia trại theo hướng hàng hóa tại các xã: Cao Thịnh, Lộc Thịnh, Ngọc Sơn, Kiên Thọ, Mỹ Tân, Thạch Lập, Minh Sơn... Các mô hình này đạt 3 lứa/năm, mỗi lứa nuôi 3.000 con gà, cho doanh thu 100 triệu đồng/năm/mô hình. Mô hình chăn nuôi lợn sinh sản kết hợp nuôi thịt theo hướng sản xuất hàng hóa tại xã Kiên Thọ.
Cùng với các mô hình hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Ngọc Lặc còn tổ chức xây dựng các mô hình thử nghiệm giống mới, như: mô hình ớt xuất khẩu, ngô ngọt, bảo tồn nếp hạt cau... Đồng thời, phát huy lợi thế đất đai khuyến khích nhân dân phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại.
Chỉ tính trong năm 2020, UBND huyện Ngọc Lặc đã triển khai xây dựng và duy trì thực hiện 8 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Trong đó phải kể đến mô hình trồng bí bao tử theo hình thức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm của HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Hưng Thịnh, quy mô 4 ha tại các xã Thúy Sơn, Ngọc Sơn, Ngọc Liên... doanh thu đạt 1 tỷ đồng/ha/vụ, lợi nhuận đạt 350 triệu/ha/vụ.
Từ thực tế triển khai các mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã góp phần giúp người dân tiếp cận với các giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất chất lượng cao, hiệu quả, phù hợp với điều kiện ở địa phương, qua đó giúp cho người dân học tập, làm theo để vươn lên thoát nghèo.
Khơi thông điểm nghẽn
Những năm trước kia, Ngọc Lặc là huyện nghèo của tỉnh, tuy nhiên nhờ sự nỗ lực vươn lên, địa phương này đã có nhiều sự đổi thay với cơ sở hạ tầng khang trang, điện, đường, trường, trạm thuận tiện. Đời sống của đồng bào các dân tộc trong huyện đang từng bước bắt nhịp với đời sống của nhân dân các huyện miền xuôi. Ngọc Lặc còn là huyện có tiềm năng về kinh tế, có nhiều tài nguyên còn tiềm ẩn đang được đầu tư, khai thác đặc biệt là lĩnh vực du lịch.
![]() |
Ngọc Lặc thực hiện khát vọng vươn lên trở thành trung tâm nông nghiệp. |
Trong điều kiện bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa ổn định, phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch COVID-19, huyện Ngọc Lặc đang đặt ra khát vọng làm giàu và mong muốn trở thành thành trung tâm nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, hiện nay huyện cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chỉ tiêu. Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch bệnh diễn biến bất thường, giá cả đầu ra một số mặt hàng nông sản thiếu ổn định tác động không nhỏ đến thu nhập và tái đầu tư sản xuất của nhân dân. Sự hỗ trợ của Nhà nước trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo... Hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp còn thấp, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản thiếu bền vững, tỷ lệ bao tiêu còn ít.
Trước thực tế trên, ông Lê Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ngọc Lặc, cho biết để người nông dân ngày càng tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp bền vững. Tập trung xây dựng các mô hình sản xuất mới, tăng cường hoạt động chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật, giảm diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ dọc đường Hồ Chí Minh và các xã phía Nam.
Cùng với hướng dẫn, hỗ trợ, huyện lựa chọn lĩnh vực có lợi thế để khuyến khích người dân liên kết mở rộng sản xuất, tạo thành vùng sản xuất tập trung cung cấp các sản phẩm một cách bền vững.
Không chỉ phát triển nông nghiệp, mới đây Hội đồng nhân dân huyện Ngọc Lặc cũng đã ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng, giai đoạn 2021-2025.
Ông Tuấn cho hay, mục tiêu của đề án này nhằm quản lý, phát triển, bảo tồn nhà sàn truyền thống người Mường, đồng thời rà soát quy hoạch để phát triển các điểm du lịch cộng đồng có tiềm năng trên địa bàn, nhằm đưa ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của huyện (mỗi năm phấn đấu xây dựng mới từ 100 nhà sàn trở lên). Huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị tham gia hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị nhà sàn truyền thống của người Mường, gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện.
Thy Lê