Điển hình nhất phải kể đến anh nông dân A Thi, người dân tộc Rơ Ngao, ở thôn Kon Tu Dốp 2, xã Pô Kô (huyện Đăk Tô). Nhờ được Hội Nông dân huyện Đăk Tô cử tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên anh có điều kiện từng bước vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình và trở nên giàu có.
Lan tỏa gương sáng nông dân
Mới bước qua ngưỡng tuổi 38, nhưng A Thi có trong tay khối tài sản khá lớn mà nhiều người phải mơ ước, với 24ha các loại cây công nghiệp và ao hồ nuôi cá nước ngọt, giúp tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động và hàng trăm lao động thời vụ tại địa phương.
![]() |
Anh A Thi là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của huyện Đăk Tô. |
Hàng năm tổng thu nhập của gia đình anh ngót nghét 2 tỷ đồng. Cách đây 2 năm, A Thi là nông dân duy nhất của tỉnh Kon Tum được vinh danh là nông dân sản xuất giỏi toàn quốc.
Vào lúc rảnh rỗi, anh A Thi lại cùng cán bộ thôn, xã đi tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong trong sản xuất, chăn nuôi, cũng như hỗ trợ hàng ngàn cây giống cà phê, cao su và nhiều loại cây trồng khác với mong muốn giúp bà con dân tộc thiểu số trong xã sớm thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Không những vậy, với tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững, anh A Thi luôn nghĩ mình cần phải hướng dẫn bà con lao động, sản xuất.
Đặc biệt, anh tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong thôn không nên bán đất rẫy, đất ruộng… Nếu bán hết sau này con cái lớn lên lập gia đình, tách hộ thì sẽ không có đất, có ruộng cho con làm ăn, lúc đó sẽ càng khó khăn hơn. Nhờ vậy, thời gian gần đây việc bán đất rẫy, bán ruộng của bà con trong thôn, xã Pô Kô đã không còn.
Anh A Thi cũng thường xuyên hướng dẫn, trao đổi với bà con trong thôn, xã nên chọn loại giống, cây, con phù hợp với điều kiện từng gia đình. Đặc biệt là anh hướng dẫn bà con chọn loại phân bón gì phù hợp, bón vào thời điểm nào sẽ tốt cho cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có thời gian anh dẫn bà con đi xem cách làm hay của nông dân ở các xã khác để học hỏi kinh nghiệm trong lao động, sản xuất.
Còn ở thôn Đăk Dế, xã Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô) có anh A Nghỉ cũng là một nông dân người dân tộc thiểu số sản xuất giỏi tiêu biểu. Từ cảnh đói, nghèo không đủ ăn, anh A Nghỉ đã cùng gia đình tự lực vươn lên bằng chính khả năng lao động của mình.
Đến thăm trang trại của anh A Nghỉ sẽ chỉ thấy những lô cao su tươi tốt, những ao cá sắp đến ngày thu hoạch... ít ai nghĩ rằng cách đây hơn 10 năm, đây là vùng đất hoang sơ, đầy bom mìn và cỏ dại.
Chú trọng đào tạo nghề
Nhờ bỏ công sức khai hoang nên gia đình anh Nghỉ có được diện tích đất khá lớn để trồng mì. Sau đó, từ chính sách cho vay vốn xoá đói, giảm nghèo và hỗ trợ vốn của dự án trồng cây cao su tiểu điền, anh A Nghỉ chuyển đổi 12ha trồng mì sang trồng cao su.
![]() |
Phong trào thi đua nông dân sản xuất giỏi của Đăk Tô đã giúp nhiều nông dân là dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững. |
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh trồng mì xen dưới 12ha cao su, hàng năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Số tiền thu được từ mì anh đã đầu tư và vay thêm vốn ngân hàng để trồng 15ha cao su nữa. Như vậy, đến nay, diện tích cao su của gia đình anh đã lên tới 25ha…
Trong nhiều năm nay, Hội Nông dân huyện Đăk Tô đã triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhằm giúp đỡ nông dân dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất của mình như các anh nông dân A Thi, A Nghỉ.
Nhất là các cấp Hội Nông dân huyện Đăk Tô đã hỗ trợ nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với khoa học công nghệ mới, bằng việc chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các trung tâm đào tạo mở các lớp đào tạo nghề, các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi…
Nhờ đó mà huyện Đăk Tô triển khai thành công nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Và nhiều mô hình mang lại hiệu quả, cho năng suất cao, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế của người dân thiểu số ở địa phương.
Chẳng hạn như mô hình trồng cà phê vối ở hai xã Đăk Trăm và Văn Lem, từ hiệu quả mang lại, bà con dân tộc thiểu số đã tự đầu tư mở rộng, nâng tổng diện tích cà phê trên địa bàn 2 xã hiện nay lên trên 170 ha.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Đăk Tô luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, nhờ đó đã phát huy hiệu quả thiết thực. Trong 5 năm trở lại đây, toàn huyện đã có hơn 1.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề ngắn hạn (trong đó có nhiều đồng bào thiểu số).
Đặc biệt, để giúp người dân tộc thiểu số tự tạo việc làm, tăng thu nhập, từ nguồn ngân sách huyện Đắk Tô đã hỗ trợ cho một số làng khôi phục nghề truyền thống dệt thổ cẩm và thành lập tổ hợp tác bó chổi đót để truyền nghề cho bà con dân tộc thiểu số trong huyện nâng cao đời sống.
Thanh Loan
Bài 3: Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác