Bà Ka Brẹt, người dân tộc Châu Mạ ở ấp 4, xã Tà Lài, cho biết trước đây gia đình bà sống chủ yếu vào ruộng lúa, ngoài ra không còn thu nhập nào khác nên quanh năm suốt tháng bà cũng như bà con trong vùng chỉ lo đủ cái ăn cái mặc.
Tận dụng thế mạnh văn hoá bản địa
Nhưng nay mọi chuyện đã khác, sự phát triển của du lịch cộng đồng ở Tà Là đã giúp bà có thêm thu nhập 4-5 triệu đồng mỗi tháng từ nghề dệt thổ cẩm.
Bà Ka Brẹt có một quán nhỏ ngay mặt đường chính của ấp 4, những sản phẩm thổ cẩm do tự tay bà dệt được trưng bày ngay tại quán để bán cho các khách du lịch trong nước lẫn nước ngoài.
![]() |
Đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Tà Lài. |
Từ khi Tà Lài đẩy mạnh các mô hình du lịch cộng đồng do chính đồng bào dân tộc bản địa Châu Mạ thực hiện thì đời sống của họ ngày càng tốt hơn. Nhất là nhiều hoạt động truyền thống được khơi dậy phục vụ du khách như nghề dệt thổ cẩm, các hoạt động nghệ thuật truyền thống.
Ka Hương, cô gái Châu Mạ làm quản lý ở Nhà du lịch cộng đồng Tà Lài chia sẻ, những nét đẹp văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa đang trở thành đặc sản du lịch với du khách gần xa.
Thời gian qua Ka Hương đã đi vận động phụ nữ trong làng quay lại nghề dệt thổ cẩm, tổ chức lại đội múa và đánh cồng chiêng. Ka Hương còn được bà ngoại của mình là bà Ka Bào - nghệ nhân cấp quốc gia về dệt thổ cẩm, và mẹ là bà Ka Rỉn vừa là nghệ nhân dệt thổ cẩm, vừa là kho tàng sống văn học dân gian Châu Mạ hỗ trợ rất nhiều trong việc hồi sinh các sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng như nghề dệt thổ cẩm.
Hiện nay làng dân tộc Tà Lài còn được biết đến như một khu nghỉ dưỡng độc đáo, với những ngôi nhà được thiết kế theo kiến trúc nguyên bản của nhà dài truyền thống người Châu Mạ bao gồm: Mái nhà được lợp bằng lá kè, sàn nhà bằng gỗ được làm mát bằng quạt, cùng vách và các lan can hoàn toàn được sử dụng bằng tre, nứa… tạo nên sự hòa hợp, đồng điệu với thiên nhiên xung quanh.
Tận dụng nét văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng của dân tộc Châu Mạ, chính quyền huyện Tân Phú cũng có chủ trương kết nối với một số địa danh khác để thúc đẩy phát triển du lịch cho Tà Lài.
Chính quyền địa phương cũng hướng dẫn người dân Châu Mạ khai thác thế mạnh của mình là nghề dệt thổ cẩm và khôi phục các hoạt động văn hóa của dân tộc mình để quảng bá trong nước và quốc tế. Từ đó, đời sống bà con đã nâng lên, nhiều hộ có thu nhập khá cao từ nghề dệt thổ cẩm, biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách.
Tà Lài trước đây vốn là xã nghèo, khó khăn so với các xã khác của tỉnh Đồng Nai. Nhưng bù lại, xã này là vùng đệm áp sát Vườn quốc gia Nam Cát Tiên này lại có nhiều ưu thế để phát triển du lịch cộng đồng. Nhất là khi Vườn quốc gia Nam Cát Tiên đang trở thành địa điểm được du khách ưa thích.
Tiến tới HTX du lịch sinh thái
Xã Tà Lài là nơi tập trung 11 dân tộc: Kinh, Châu Mạ, S’Tiêng, Châu Mạ, Tày, Choro, Xray, Ê Đê, Khmer… chung sống. Trong đó, đồng bào dân tộc Châu Mạ đang lưu giữ được nhiều những bản sắc dân tộc mình như các lễ hội đâm trâu, cúng thần linh (Yang), lễ hội cầu mưa...
![]() |
Đồng bào dân tộc Châu Mạ lưu giữ được nhiều bản sắc dân tộc, giúp thu hút nhiều du khách đến Tà Lài. |
Thế mạnh của Tà Lài là văn hóa truyền thống và dựa vào rừng nên sản phẩm du lịch cộng đồng ở đây khá đa dạng. Khi đến đây, khách du lịch có thể đi bộ tham quan làng dân tộc của người Châu Mạ ở ấp 4, trường học, nhà văn hóa và phòng truyền thống, cầu treo và tượng đài Ngục Tà Lài.
Ngoài ra, khách du lịch còn có thể tham gia vào các hoạt động lao động sản xuất cùng với người dân (trồng lúa); hoặc tìm hiểu về dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, và giao lưu văn nghệ, ẩm thực địa phương. Du khách cũng có thể đi bộ hay ca nô từ Tà Lài theo các tuyến trong Vườn quốc gia Nam Cát Tiên (Đồi Xanh - Bầu Sấu hay Tà Lài - Đồi Đất Đỏ - Sa Mách).
Theo nhiều người dân, những năm gần đây, Tà Lài nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cấp chính quyền với những dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng, chiến lược phát triển du lịch kết nối Tà Lài với các khu du lịch nhằm quảng bá nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Châu Mạ, S’tiêng, Tày đang sinh sống tại đây.
Là người gắn bó với nhà dài từ những năm đầu thành lập, với vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng Tà Lài, ông K’Yếu, dân tộc Châu Mạ, hiện đang sinh sống ngay tại Tà Lài và hầu như dành toàn bộ thời gian cho việc quản lý, trông coi nhà dài.
Theo ông K’Yếu, du khách về Tà Lài có thể đăng ký tham gia nhiều hoạt động như: tham gia tour khám phá rừng với các chặng Nhà dài Tà Lài - Bàu Sấu tại Vườn quốc gia Cát Tiên; tour đạp xe quanh làng dân tộc xem phụ nữ trong làng dệt thổ cẩm hoặc học cách dệt thổ cẩm; tour tham quan vườn ca cao, cà phê...
Nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tà Lài có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, hồi năm ngoái, Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Tà Lài đã thực hiện các quy trình để tiến tới thành lập HTX Nông nghiệp du lịch sinh thái cộng đồng với sự liên kết của các cổ đông và công ty chế biến xuất khẩu cà phê.
Cách làm này được kỳ vọng giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số trong xã làm du lịch, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tổ hợp tác đã trải qua 8 năm hoạt động, ngoài việc giữ gìn bản sắc, mô hình nhà dài truyền thống, cùng với việc kết hợp khai thác các sản phẩm văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Châu Mẹ, đã giúp cho các thành viên có mức thu nhập ổn định từ 7 - 8 triệu đồng/tháng.
Bài 3: Cùng nhau xây dựng nông thôn mới
Thanh Loan