Năm 2018, anh Triệu Kim Đồng, dân tộc Tày xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Xuất phát điểm đầy khó khăn nhưng nhờ nguồn hỗ trợ từ chính sách giảm nghèo, cùng sự nỗ lực không ngừng của bản thân, anh Đồng đang xây dựng thành công mô hình trồng trà hoa vàng cho hiệu quả cao
Đổi mới tư duy sản xuất
Ba Chẽ có diện tích trên 56,6ha là đất rừng, có điều kiện thuận lợi phát triển lâm nghiệp, trồng và chế biến dược liệu. Nhằm bảo tồn và phát huy tiềm năng của các loại cây dược liệu có thế mạnh, những năm qua, huyện đã hỗ trợ giống, vốn, cùng các ưu đãi đến các hộ dân, HTX trên địa bàn.
Cây trà hoa vàng thực tế không quá lạ lẫm ở Ba Chẽ, tuy nhiên, trước đây người dân trồng theo hướng tự phát nên hiệu quả thấp. Nhận thấy tiềm năng của mô hình, anh Đồng đã chủ động liên hệ với HTX dược liệu trà hoa vàng để học hỏi kinh nghiệm và kết nối tiêu thụ.
Với những kỹ thuật học được, anh Đồng ứng dụng quy trình sản xuất hữu cơ, nói không với các hóa chất độc hại, tạo ra nguồn nguyên liệu trà hoa vàng chất lượng cao. Nhờ chất lượng vượt trội, 3 năm qua, 100% sản phẩm được HTX bao tiêu.
“3 năm qua, với hơn 250 gốc trà hoa vàng đang vào độ chín, bình quân mỗi năm tôi thu về gần 200 triệu đồng. Hiện, tôi đang tiến hành chiết cành nhân giống, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ mở rộng vùng trồng lên khoảng 400 gốc”, anh Đồng phấn khởi nói.
Nhiều nông dân Ba Chẽ đang thành công với cây trà hoa vàng. |
Ông Nguyễn Thành Trọng, Giám đốc HTX dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ, cho hay từ khi HTX đứng ra thu mua ổn định, tư tưởng của người trồng trà hoa vàng Ba Chẽ đã thay đổi hẳn, từ chỗ trồng trà nhiều không biết có bán được không, đến chỗ hăng hái tăng thêm diện tích trồng.
Để thu mua được hoa trà tươi đảm bảo chất lượng, HTX khuyến khích bà con bán sản phẩm thu hoạch ngay trong ngày. Sau đó, HTX ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa hiện đại để đảm bảo mẫu mã, chất lượng sản phẩm.
HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ bước đầu cho ra mắt các sản phẩm từ trà hoa vàng như hoa, lá khô và những sản phẩm mới như bột matcha trà hoa vàng, bánh trà hoa vàng, nước uống từ trà hoa vàng… được người tiêu dùng khắp trong Nam, ngoài Bắc tin dùng.
Bên cạnh trà hoa vàng, Ba Chẽ là địa phương chiếm 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh Quảng Ninh. Những năm qua, để nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện đã đẩy mạnh nhân rộng các mô hình kinh tế rừng trồng đã có hiệu quả, tập trung nguồn lực và đưa ra các giải pháp đồng bộ sát thực với tập tục canh tác, sản xuất của người dân.
Nâng cao giá trị kinh tế
Từ cách làm mới, sáng tạo, nhiều nông dân, đặc biệt là nông dân người dân tộc thiểu số ở Ba Chẽ đã dần khắc phục những khó khăn, phát triển nhiều loại cây trồng bản địa, như cây quế, các loại cây trồng dược liệu cho hiệu quả cao.
Hiện, ngoài các loại cây gỗ lớn truyền thống như lim, lát... người dân Ba Chẽ còn mở rộng trồng cây keo lá tràm vì thời gian của mỗi chu kỳ thu hoạch từ 9 đến hơn 10 năm và để càng lâu hiệu quả kinh tế trên mỗi diện tích càng lớn.
Trên nền tảng chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn kết hợp với phát triển trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng, huyện Ba Chẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để khơi dậy ý chí và tư duy sáng tạo của người dân.
Anh Trần Văn Ninh, người dân tộc Nùng xã Thanh Lâm, đang là một trong những điển hình thành công với mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng gỗ lớn, thu nhập bình quân 250-300 triệu đồng/năm.
“Nhờ sự đổi mới trong cách nghĩ cách làm, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, rừng keo lá tràm của gia đình tôi đã kéo dài chu kỳ thu hoạch sau gần 5 năm, mỗi ha thu hoạch được gần 200 triệu đồng, đó là chưa kể đến thu hoạch các cây dược liệu”, anh Ninh tâm sự.
Các chính sách giảm nghèo ở Ba Chẽ đang đi vào thực tế, mang lại hiệu quả cao cho người dân. |
Để tạo nên những thay đổi trong cách nghĩ cách làm của người dân như hiện tại, không thể không kể đến những kết quả từ công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Ba Chẽ suốt nhiều năm qua.
Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những năm qua, huyện Ba Chẽ đã chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm nguồn lao động nông nghiệp, tăng ngành lao động phi nông nghiệp cho người nghèo, người dân tộc thiểu số.
Gần 10 năm qua, huyện đã tổ chức đào tạo gần 100 lớp nghề cho lao động nông thôn, với trên 2.000 lượt học viên. Tỷ lệ người có việc làm sau đào tạo đạt gần 95%. Bên cạnh nghề nông nghiệp, còn có các nghề khác như cơ khí, điện, sửa chữa máy nông nghiệp…
Thêm điểm tựa chính sách
Đáng chú ý, bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, thời gian qua huyện Ba Chẽ còn chủ động phát huy những điểm mạnh về văn hóa dân tộc để thúc đẩy dịch vụ du lịch cộng đồng, trải nghiệm, tạo nguồn thu mới cho người dân.
Huyện Ba Chẽ nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, cách Trung tâm TP Hạ Long khoảng 80km. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85% dân số của huyện, bao gồm các dân tộc: Dao, Tày, Nùng, Sán Chỉ, Cao Lan, Hoa, Mường, Kinh…
Đến Ba Chẽ, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp bình yên từ những bản làng nằm dưới các chân núi, những thác nước mang đậm vẻ hoang sơ như Thác Khe Lạnh, thác Khe Lùng, từ sự thân thiện gần gũi của đồng bào các dân tộc cùng những phong tục tập quán, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền.
Ba Chẽ hiện có các di tích đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh như: Đình Làng Dạ (xã Thanh Lâm); khu căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp Khe Lao (xã Lương Mông, xã Minh Cầm), lò gốm sứ cổ ở xã Nam Sơn. Riêng di tích miếu Ông - miếu Bà đã được công nhận là di tích quốc gia vào cuối năm 2020.
Có thể thấy, huyện Ba Chẽ đang chủ động phát huy tối đa những lợi thế để xóa nghèo, làm giàu cho người dân. Để có được những thành công hiện tại, huyện đã ban hành nhiều nghị quyết về công tác giảm nghèo bền vững.
Đơn cử, ngay sau khi có Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Ba Chẽ tiến hành rà soát lại tất cả các diện tích rừng hiện có, lập quy hoạch tổng thể, thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác thực hiện đề án trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu nên đã tạo được sự vào cuộc tích cực của các HTX, doanh nghiệp, người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn.
Với những thành công đang có, thời gian tới, huyện dự kiến tiếp tục nâng cao vai trò của các HTX trong liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Chủ động hình thành các chuỗi giá trị giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp.
Ngoài ra, phát huy hiệu quả nguồn lực xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo,… tạo điều kiện thuận lợi để cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đoàn kết xây dựng huyện Ba Chẽ ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Mỹ Chí