Cách đây hơn 30 năm, khi những cánh đồng chiêm trũng ở xã Trung Chính, huyện Lương Tài vẫn vắng người sản xuất, ông Tằng Văn Huynh đã tay cuốc, tay xẻng, một mình tự tìm tòi, học hỏi để xây dựng mô hình VAC (vườn - ao - chuồng), truyền cảm hứng thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương cho hàng trăm hộ nông dân xứ đạo.
Những "cánh chim" đầu đàn
Ông Tằng Văn Huynh cho biết, Lương Tài là huyện trũng nhất của tỉnh Bắc Ninh, vào năm 1987 - 1988, cả vùng đất rộng lớn ở xã Trung Chính chưa có ai canh tác, bởi những khó khăn về chất lượng đất trồng, nước tưới tiêu hạn chế, việc đi lại vô cùng khó khăn.
Những người "thắp lửa" ở xứ đạo Lương Tài luôn là những tấm gương mẫu mực, truyền cảm hứng cho bà con giáo dân. |
Tuy nhiên, với tầm nhìn của một giáo dân sản xuất giỏi (đã được chứng minh trong hơn 3 thập kỷ qua), ông đã quyết tâm thổi luồng sinh khí mới vào mảnh đất quê hương. Không có ai để học hỏi kinh nghiệm làm VAC, ông sang các huyện Gia Bình, Quế Võ để xem bà con làm như thế nào, rồi về áp dụng vào mô hình của mình.
Nhờ chịu khó học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, biến đổi linh hoạt để thích ứng với điều kiện sản xuất tại địa phương, ông Huynh đã nhanh chóng nắm vững kiến thức để tiến hành cải tạo đất phát triển mô hình trồng sen, kết hợp chăn nuôi lợn, gà và thả cá. Trên bờ ao, ông trồng các loại cây ăn quả như đu đủ, mít, hồng xiêm, vải thiều...
Tuy nhiên, trong những năm đầu tiên, nếu mô hình chăn nuôi cho hiệu quả tích cực, thì các loại cây ăn quả lại cho hiệu quả không cao, do chất đất không phù hợp, chỉ vài năm phải chặt bỏ.
Không bỏ cuộc, ông Huynh tiếp tục nghiên cứu để thay thế các loại cây trồng cũ bằng các giống nhãn lồng, bưởi Diễn, canh tác theo hướng VietGAP. Nhờ canh tác khoa học, cây trồng mới lại có sự thích ứng tốt với điều kiện đất đai, nước tưới, nên đã cho hiệu quả cao.
Đến nay, gia đình ông Tằng Văn Huynh ở khu đồng trũng xã Trung Chính đang có 5 khu trang trại, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động, thu nhập ổn định 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Thành công của ông Huynh đã truyền cảm hứng khởi nghiệp, xây dựng kinh tế trên chính mảnh đất quê hương cho hàng trăm hộ giáo dân không chỉ ở xã Trung Chính mà còn lan ra cả huyện Lương Tài. Một trong số đó là bà Nguyễn Thị Hóa, Giám đốc HTX VAC Trung Nghĩa (HTX điển hình đã được nhắc tới trong bài số 2 của loạt bài này).
Theo ông Tằng Văn Huynh, trước khi trở thành người truyền cảm hứng, thì trước đó vào những năm 1970 - 1972, khi còn là thanh niên, ông đã tham gia giúp dân xây dựng, sửa chữa nhà thờ, nhà văn hoá thôn.
Sau thời kỳ bao cấp, với uy tín gây dựng được, nhiều hộ dân địa phương đã tin tưởng, giao hết ruộng trũng cho ông, để ông cho đấu thầu, lấy tiền kéo đường điện, đổ đường bê tông. Kết quả, đã đấu thầu được 3 ha, đốt gạch, xây dựng trường, trạm cho thôn xóm.
“Đây chính là những điều kiện để những năm sau đó, tôi tiếp tục cùng bà con phát động phong trào chăn nuôi lợn, gà, làm trang trại, đào ao thả cá và có được những thành công như hiện tại”, ông Huynh chia sẻ.
Không chỉ là một giáo dân làm kinh tế giỏi, năm 2017, ông Tằng Văn Huynh được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban đoàn kết Công giáo tỉnh Bắc Ninh, năm 2018 là Uỷ viên Ban đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Mặc dù công việc nhiều và bận rộn, song ông Huynh vẫn kết hợp với Liên minh HTX Bắc Ninh, thành lập 17 HTX kiểu mới, thu hút bà con công giáo huyện Lương Tài tham gia.
Người “công bộc” của giáo dân
Nếu ông Tằng Văn Huynh được mệnh danh là “người thắp lửa” ở Trung Chính, thì ở thị trấn Thứa có một người “công bộc” vừa có tâm vừa có tài, đó là ông Chu Văn Minh. Gần 40 năm giữ vị trí Bí thư Chi bộ thôn Phượng Giáo, ông luôn sát cánh, gần gũi với giáo dân “sống tốt đời đẹp đạo”.
Những điển hình cần được nhân rộng để truyền cảm hứng làm giàu cho giáo dân trên địa bàn huyện. |
Theo ông Chu Văn Minh, Phượng Giáo là thôn công giáo toàn tòng. Thành lập Chi bộ ở vùng giáo vốn đã khó, việc giữ gìn và phát triển tổ chức cơ sở Đảng còn khó khăn bội phần.
Để Nghị quyết của Đảng đi vào lòng dân, ông Minh đã mạnh dạn khởi xướng các ý tưởng mới, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, từ phát triển kinh tế, văn hóa -xã hội đến bảo đảm an ninh trật tự, tuyên truyền chính sách, pháp luật...
Hơn 10 năm về trước, khi Nhà nước khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng giá trị sản xuất trên diện tích canh tác, ông Minh họp bàn cùng Chi bộ ra Nghị quyết chuyển đổi gần 3 ha diện tích cấy lúa sang trồng hoa, cây cảnh.
Thấy ông và các Đảng viên làm trước mô hình trồng hoa đem lại giá trị kinh tế gấp 8 - 10 lần so với trồng lúa, người dân trong thôn tin tưởng học tập làm theo. Đến nay, thôn Phượng Giáo có 100/215 hộ trồng hoa, cây cảnh.
Dấu ấn đậm nét nhất trong ngót 40 năm làm Bí thư Chi bộ là việc ông Minh cùng Chi bộ Phượng Giáo phát động toàn dân đi đầu xã hội hóa xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng ở huyện Lương Tài.
Ông Chu Văn Minh kể lại: “Mỗi lần đến vụ thu hoạch lúa, hoa mầu, thấy người dân phải vận chuyển trên con đường đất lầy lội vất vả, khó khăn, tôi đã bàn bạc cùng cấp ủy, Chi bộ huy động sức dân làm đường bê tông. Năm 2001, với phương châm Nhà nước hỗ trợ 30%, nhân dân đóng góp 70%, địa phương đã huy động được hơn 500 triệu đồng đổ 1,5 km đường bê tông trục chính thôn (rộng 4m) và cứng hóa kênh mương, bờ vùng, bờ thửa”.
Cách làm hay ở Phượng Giáo đã lan tỏa sang các thôn Đạo Sử, Đông Hương (thị trấn Thứa) và các xã khác của huyện Lương Tài.
Ông Chu Quang Hậu, Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện Lương Tài, khẳng định những người như ông Tằng Văn Huynh, ông Chu Văn Minh, cùng nhiều giáo dân sản xuất giỏi khác, là những “cánh chim đầu đàn” truyền cảm hứng sống tốt đời, đẹp đạo cho giáo dân cả ở trong và ngoài địa phương.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát động các phong trào yêu nước, thi đua làm kinh tế giỏi, đặc biệt là phát huy những tấm gương điển hình để tạo sức lan tỏa, kích thích phong trào xây dựng kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững tại địa phương.
Nhật Minh